Đằng sau mỗi bà mẹ chồng hạnh phúc là một nàng dâu hiếu thảo
Quan hệ mẹ chồng nàng dâu giống như một phần của sợi tơ bền bỉ kết nối mối nhân duyên gia đình, một cuộc hôn nhân viên mãn phụ thuộc rất nhiều vào sự vun vén của mẹ chồng và sự hiếu thuận của nàng dâu.
Cánh cửa hạnh phúc của một hôn nhân được mở ra, nhiều nàng dâu lại bối rối trước cảnh sống với mẹ chồng. Thực ra, mâu thuẫn nếu có nguồn gốc cũng đều là sự yêu thương, mẹ chồng có trách nhiệm nuôi dưỡng con mình trưởng thành nên luôn dành cho con tình cảm to lớn không gì sánh nổi. Con dâu cũng vì yêu thương hết lòng nên mới theo chồng xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhưng cùng sống trong một mái nhà, nếu biết viên dung tất cả tình yêu đó thì gia đình sẽ luôn êm ấm, thịnh vượng.
Thực ra làm mẹ chồng cũng là một việc chẳng dễ chút nào. Không phải là người sinh ra con dâu, không nuôi dưỡng nên chưa hiểu hết tính tình, sở thích… của con dâu. Thế nên đôi khi vô ý làm gì đó, nói gì đó làm con dâu tổn thương hay nổi giận, không phải vì mẹ chồng không thương con dâu, chỉ là chưa có thời gian để hiểu về tính cách của nhau mà thôi.
Mẹ chồng cũng đã từng làm dâu, khi có con dâu thì nhớ lại những năm về trước khi mình làm dâu, nên cũng có tâm lý muốn chỉ dạy cho con dâu. Vì thế con dâu chỉ cần mở rộng lòng mình, lý giải thiện ý mỗi lời nói hành vi của mẹ, thì sẽ cảm nhận được trong những gì mẹ chồng nói đều có sự yêu thương chân thành.
Để tránh sự căng thẳng không đáng có trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, có thể tham khảo thêm các yếu tố sau, mong rằng đằng sau mỗi người mẹ chồng vui vẻ sẽ luôn có một nàng dâu hạnh phúc.
Lòng biết ơn
Mẹ chồng, nàng dâu là hai người xa lạ bỗng dưng trở thành người một nhà, nhưng chính người đàn ông mà cả hai đều yêu thương sâu đậm đã gắn kết họ lại với nhau. Mối quan hệ này làm cho họ gần gũi hơn và dễ xoá đi giãn cách giữa mẹ chồng và con dâu.
Quan niệm khiến nhiều chị em phụ nữ nghĩ rằng mẹ chồng không thể là mẹ đẻ, không có chuyện mẹ chồng coi con dâu như con gái. Đừng quên rằng mẹ chồng và mình đều là phụ nữ, đều nhạy cảm và mong muốn chăm sóc gia đình. Hiếu kính mẹ chồng là một phần báo đáp lại những hy sinh tuổi thanh xuân và công lao khó nhọc, ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục chồng mình, gìn giữ truyền thống yêu thương kính trọng cha mẹ.
Biết nghe lời
Mọi người hay bị cảm xúc chi phối, cho rằng kiến thức và nhận thức của mình thông thường là đúng, và họ luôn do dự trước những lời khuyên của người khác. Đặc biệt là khi đối mặt với mẹ chồng, suy nghĩ xa cách giữa hai thế hệ, cho là suy nghĩ của mẹ chồng khác biệt với suy nghĩ hiện đại của mình, lời khuyên ấy đã lạc hậu và không còn phù hợp.
Người xưa nói rằng: “ Nhập gia tùy tục”. Bởi vậy, điều con dâu cần thay đổi bản thân mình. Sau tất cả, một người mẹ đã trải qua một cuộc sống ít nhiều có khó khăn, sẽ có trải nghiệm để hiểu và chia sẻ với bạn, mẹ chồng cũng là người đã nếm trải những thăng trầm, những dư vị cuộc sống. Bởi vậy, hãy bỏ đi sự khó chịu trong lòng, biết tỏ thái độ khiêm tốn và kính trọng, nếu bạn có thể vượt qua được định kiến của bản thân, bạn sẽ thấy rằng những chia sẻ của mẹ chồng có giá trị nhường nào.
Trong cuộc sống gia đình, “thích nghi” là sự khôn ngoan lớn nhất, đừng đợi đến khi già đi, đừng để đến khi làm mẹ rồi mới hiểu ra mình đã sai.
Khoan dung
Thích nghi không phải là điều mà ai cũng có thể dễ dàng làm được, một số con dâu thích sống riêng và một số mẹ chồng nhất quyết đi theo nề nếp gia phong của họ… Nếu bạn đã thật sự nỗ lực mà vẫn cảm thấy khó, thì đã đến lúc bạn cần học cách tôn trọng và bao dung.
Hai thế hệ khác nhau, mẹ chồng lớn tuổi hơn bạn như vậy, có thể nói những vất vả mà bà phải chịu còn nhiều hơn vô số hạt cơm bạn đã từng ăn. Hai người sống ở hai thế hệ khác nhau, ắt sẽ có những quan niệm khác nhau.
Có thể bạn sẽ giỏi hơn về những kỹ thuật hiện đại, nhưng chẳng thể thấm thía hơn mẹ chồng về cách sống, về nhân tình thế thái và đạo đức làm người. Nhưng nếu bạn có thể cho người lớn tuổi đủ bao dung và tôn trọng, mẹ chồng cũng có thể cho bạn không gian và sự tự do mà bạn mong muốn.
Người xưa hay nói: “Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”. Không lắng nghe cha mẹ thì cũng dễ chịu nhận thiệt thòi. Biết coi cha mẹ chồng như cha mẹ mình, hiếu thuận và tôn kính tứ thân cũng là một mỹ đức của đạo làm người. Hãy luôn nhớ rằng hôm nay bạn đối xử với mẹ chồng như thế nào, ngày sau bạn cũng sẽ được đối xử như vậy. Lẽ nhân quả trên đời xưa nay vốn dĩ chẳng sai.
Thấu hiểu
Khi con cái lần lượt lập gia đình, bố mẹ chồng quay lại cuộc sống cũ, nhưng để có được như ngày hôm nay họ đã quen với gian nan vất vả, quen với làm việc liên tục. Và khi trạng thái đó dừng lại, trong tâm họ sợ nhất là bị xã hội coi thường, sợ bị con cái lãng quên, cảm thấy cuộc sống không có trọng tâm, không còn nhiều ý nghĩa. Nếu không có người thân, bạn bè đồng hành bên cạnh, cảm giác cô đơn này càng khó khăn hơn.
Vì vậy họ luôn muốn bày tỏ ý kiến, luôn muốn can thiệp vào một số việc, và đôi khi ý kiến của họ bị cảm xúc chi phối làm mất kiểm soát, điều ẩn chứa phía sau chính là cảm xúc lo lắng, sợ hãi.
Đối mặt với sự quan tâm có lúc hơi quá của mẹ chồng, và đôi khi kèm theo những lời đề nghị, chỉ cần bạn có thể bao dung và thấu hiểu nguyên nhân phía sau, biết chấp nhận sự quan tâm của người lớn tuổi, học cách buông bỏ áp lực và mỉm cười lắng nghe, làm được thế sẽ khiến mẹ chồng có thể hài lòng, con dâu cũng có thể yên tâm, điềm tĩnh.
Hiếu thảo
Hiếu cha kính mẹ không chỉ là phẩm hạnh cần có của mỗi người, mà còn là đạo lý vĩnh hằng của Đất Trời. Có người cho rằng, hiếu thảo đơn giản là luôn luôn làm vui lòng cha mẹ – nhưng đây lại là điều không phải ai cũng làm được.Trong “Tử du vấn hiếu” Khổng tử có nói: “Ngày nay, người ta gọi người nuôi được bố mẹ là có hiếu. Phận làm con chỉ “nuôi” mà bất kính với cha mẹ thì không thể gọi là có hiếu”.
Thời Vua Càn Long, có một vụ hoả hoạn lớn đã xảy ra ở Bắc Kinh, hơn một trăm ngôi nhà bị thiêu rụi, hàng nghìn người thiệt mạng và bị thương. Tình hình vô cùng khốn khổ. Tài sản bị mất, không thể ước tính. Tuy nhiên, một điều kỳ diệu khó tin đã diễn ra trong vụ cháy này, đó là giữa đống đổ nát, có một ngôi nhà cũ kỹ nằm trơ trọi và không hề bị thiêu rụi. Mọi người đều kinh ngạc thắc mắc tại sao nó có thể tránh được ngọn lửa lớn như thế.
Theo người dân địa phương kể lại: Trong cái lán nhỏ đó, chỉ có một phụ nữ sáu mươi tuổi, và một góa phụ trẻ. Con trai của bà cụ đã mất cách đây vài năm, nhiều người từ các làng lân cận đến mai mối, thuyết phục goá phụ trẻ tái hôn. Nhưng vì mẹ chồng mắc bệnh nằm liệt giường, phải có người túc trực ngày đêm chăm sóc, nên cô ấy đã hy sinh tuổi thanh xuân, kiên quyết từ chối lời mai mối của mọi người, đồng thời nói sẽ không bao giờ lấy chồng nữa.
Năm này qua năm khác, cô nhẫn nại chăm sóc mẹ chồng ốm đau một cách cẩn thận, không hề tỏ ra phàn nàn hay bất bình. Trong vụ cháy lớn này, khi ngọn lửa đang dữ dội cháy đến nhà bên cạnh thì bất ngờ gió đổi hướng nên không bén sang nhà họ.
Người dân thời bấy giờ đều tin rằng, chính việc làm của người con dâu hiếu thảo luôn canh giữ, chăm sóc cho người mẹ bệnh tật khiến Thần Phật cảm động nên đã bảo hộ cho họ thoát khỏi vụ hỏa hoạn.
Cổ nhân nói: “Bách thiện hiếu vi tiên”. Trong trăm đức tính tốt thì hiếu đứng đầu. Người Á Đông coi hiếu thuận chính là phẩm chất quan trọng nhất, là bài học đầu tiên mà ai cũng cần phải biết. Hiếu thuận là cội nguồn hạnh phúc của đời người.
Có nhiều câu chuyện được lưu truyền hậu thế đã minh chứng rằng, khi người con biết lấy hiếu nghĩa làm đầu thì cũng như tích được phúc phận và tạo tương lai tốt đẹp cho chính mình.
Trong gia đình, mọi mâu thuẫn đều có thể được giải quyết nếu chúng ta biết ngồi lại trao đổi, lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau. Điều cần thiết nhất của một gia đình là các thành viên hoà thuận, vui vẻ, hạnh phúc. Với mẹ chồng và nàng dâu cũng vậy, vì có điểm chung là yêu thương một người theo cách khác nhau, nên mỗi người cũng cần biết nên làm gì cho đúng để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Nguồn: Soundefhope
Từ Thanh