Danh y Lê Hữu Trác và phương thức chữa bệnh kỳ diệu
Danh y Lê Hữu Trác (1720 – 1791), vốn tên là Huân, hiệu Hải Thượng Lãn Ông, là người huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, Tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
Ngay từ nhỏ ông đã bộc lộ tài năng thiên bẩm trong việc học hành, tinh thông sách sử nên được cha cho lên Kinh học, và đã thi đỗ liền Tam trường. Ông tinh thông y học, dịch lý, văn chương, là một danh y nổi tiếng trong lịch sử nước ta.
Thần y chữa bệnh: Thuốc vào bệnh hết
Thời Lê Hữu Trác chữa bệnh ở Hương Sơn Hà Tĩnh, có ông họ Nguyễn ở làng Hoàng Cần là người giàu có, đến tuổi trung niên thì bị chứng bệnh lạ, cứ ăn được nửa bữa cơm thì đau bụng phải đứng dậy đi ngoài. Ông đã tìm thầy chữa trị gần một năm mà không khỏi, sau đó tìm đến Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nhờ thầy chữa trị giúp.
Khi đến Lê Hữu Trác, thấy bên ngoài có tấm biển nhắc bệnh nhân rằng: “Đến đây chớ nói bệnh trước, đợi thầy xem mạch đoán bệnh, nếu đúng thì mới chữa, còn nếu sai tức y thuật của thầy chưa đủ, thì xin mời đi tìm thầy giỏi khác”.
Ông Nguyễn vào khám, thầy bắt mạch rồi nói: “Bệnh này không thấy chép trong sách y, là một loại bệnh lạ. Đây là khúc dưới của ruột già bị hư nên ăn được nửa bữa là buồn đi ngoài”.
Ông Nguyễn vừa kinh ngạc vừa vui mừng, vội vàng quỳ xuống bái tạ. Lê Hữu Trác nói tiếp: “Bệnh này không khó chữa, chỉ cần uống 80 quan tiền thuốc là khỏi”.
Ông Nguyễn vâng dạ bái tạ, Lê Hữu Trác nói hãy đi nghỉ ngơi, đến giờ Thìn thì đến lấy thuốc. Đến hẹn, Lê Hữu Trác đưa cho ông Nguyễn một bát thuốc cao và nói: “Đây là thang thuốc Bát vị cao có thêm vài vị, uống hết thang thuốc này thì bệnh cũng hết”.
Ông Nguyễn vui mừng đem thuốc về, ngày đầu tiên ông uống nửa thang, thấy bụng chướng lên, không muốn ăn uống, đến tối vẫn chưa tiêu, thử ăn thì thấy bụng hơi đau, nhưng không buồn đi ngoài như trước nữa. Còn nửa thang, ông uống trong 3 ngày thì hết, bệnh cũng hết. Ông mổ lợn thổi xôi rồi đem theo một nén bạc trắng đến tạ ơn thầy, Lê Hữu Trác từ chối và nói: “Tiền thuốc của ông hôm trước trả thực ra không đến nửa chỗ đó. Tôi thấy ông là người có tiền, nên mới lấy thêm để giúp những người nghèo không có tiền chữa bệnh mà thôi”.
Ông Nguyễn cúi đầu bái lạy rồi hỏi còn phải điều trị nữa không. Lê Hữu Trác nói: “Trong vòng 3 năm thì không bị mắc bệnh nữa, nhưng nếu tìm được gan cá hổ sa ngư (cá mập hổ) ăn thì sẽ không bao giờ bị tái phát nữa. Đủ 3 năm sẽ bị đau mắt, có thể uống Bát vị địa hoàng, thêm hoa cúc và cẩu kỷ thì chỉ một thang là khỏi”.
Ông Nguyên ra về, sau này xảy ra đúng như những gì thầy nói.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được người đời sau biết đến với tài năng chữa bệnh, tuy nhiên ông còn là một bậc cao sĩ.
“Vận – khí bí điển” – kỳ thư Đông y và dự đoán học
“Vận – khí bí điển” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một bộ sách kỳ thư về dự đoán học, dựa vào sự biến hóa của thiên tượng và quy luật âm dương ngũ hành của khí hậu, thời tiết, đối ứng với can chi, và đối ứng với lục phủ ngũ tạng của con người, từ đó có những dự đoán chính xác về sự thay đổi của thời tiết, xảy ra dịch bệnh trong xã hội, và bệnh tật của mỗi cá nhân. Nội dung sách tóm lược như sau:
“Ngũ vận lục khí”: Được gọi tắt là “vận – khí”, đây là một trong những học thuyết quan trọng của y học cổ truyền phương Đông, học thuyết vận khí, giải thích sự biến hoá khí hậu thiên thời của giới tự nhiên. Người xưa cho rằng, mọi sự biến hoá của khí hậu thiên thời đều có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến vạn vật trong vũ trụ, đặc biệt là con người. Trên quan điểm chỉnh thể của y học cổ truyền, học thuyết vận khí lấy học thuyết âm dương ngũ hành làm trung tâm “Thiên – nhân tương ứng”, “Thân thể người là một tiểu vũ trụ”. Con người là vũ trụ thu nhỏ… Mọi sự biến đổi phức tạp của vũ trụ đều có thể xảy ra những biến đổi trong cơ thể con người.
“Ngũ vận”: là thuỷ, kim, thổ, mộc, hoả (ngũ hành) phối hợp với thiên can trong quá trình vận động để suy đoán tuế vận của mỗi năm.
“Lục khí”: là phong, nhiệt, hoả, thấp, táo, hàn phối hợp với địa chi để suy đoán tuế khí của mỗi năm (tính chất của khí hậu từng năm phụ thuộc vào khí của năm đó).
“Vận khí”: là kết hợp cả hai “ngũ vận” và “lục khí”. Học thuyết vận khí được vận dụng làm sáng tỏ mọi sự liên quan, ảnh hưởng qua lại trong giới tự nhiên cũng như trong cơ thể con người.
Học thuyết vận khí được vận dụng vào y học người xưa cho rằng: Con người luôn có sự quan hệ rất mật thiết với giới tự nhiên, mọi sự sinh hoạt của con người nhất thiết phải thích ứng với mọi biến hoá của giới tự nhiên, vì vậy các nhà Y học xưa thường lấy con người so sánh đối chiếu với giới tự nhiên để suy đoán.
Nội dung học thuyết vận khí: gồm ba vấn đề lớn luôn chuyển dịch và biến đổi: Thiên (trời), Địa (đất), Nhân (con người). Nghiên cứu học thuyết vận khí có thể biết được quy luật thay đổi, biến hóa của trời đất, khí hậu, xã hội và con người. Ứng dụng vào y học là nắm chắc quy luật biến hoá của thời khí (khí hậu thiên thời) để suy đoán dự đoán nguyên nhân sinh bệnh của ngoại cảm (tà khí lục dâm). Và từ sự biến hoá khí hậu của các tiết quý trong mỗi năm để suy đoán việc phát sinh bệnh tật trong năm đó, để tham khảo trong chẩn đoán và điều trị các bệnh trên lâm sàng.
Lê Hữu Trác cho rằng: “tiên học Dịch hậu học Y”, tức là trước tiên phải học Dịch rồi sau đó mới học Y. Dịch với Y phải hiểu đúng nghĩa là: “Trên biết thiên văn, dưới biết địa lý, giữa biết việc con người”. Biết thiên văn nghĩa là phải xem yếu tố bản tạng và trạng thái thiên bẩm của người bệnh: thiên hàn, thiên thấp, thiên nhiệt hoặc là thiên thấp nhiệt liên quan đến vận và khí. Biết địa lý nghĩa là xem xét về khí hậu về thiên thời về môi trường của địa danh mà người bệnh đang sống. Biết việc con người nghĩa là phải xem xét nội bộ gia đình mối quan hệ với bè bạn hoàn cảnh và điều kiện sống, nghề nghiệp, buôn bán, lỗ lãi thất thường đều ảnh hưởng đến tính chất nặng nhẹ sự thăng trầm của tất cả trạng thái bệnh lý.
Thiên Hà biên tập
Nguồn: ntdvn