
Dạy con cũng cần nghệ thuật, cần tránh 8 thời điểm nhạy cảm này
Làm cha mẹ ai ai cũng muốn giáo huấn con cho tốt, song điều đó không có nghĩa là bố mẹ có thể tùy ý mắng con mình mọi lúc khi con trẻ làm sai.
Hãy chú ý tránh không nên mắng con vào những thời điểm này nếu muốn trẻ được phát triển một cách toàn diện…
1. Không nên la rầy trẻ lúc sáng sớm
Buổi sáng luôn là thời điểm thích hợp nhất để lên kế hoạch, dự định mới cho cả ngày. Tâm trạng tốt thì mọi việc cả ngày mới suôn sẻ được. Vậy nên bố mẹ nên giúp trẻ nhỏ có một tâm lý vui vẻ, thoải mái nhất để đón một ngày mới.
Hãy chào con theo cách thật tình cảm và ấm áp thay vì sáng ra đã quát mắng trẻ những điều nặng nề, khiến con sáng ra đã ôm cảm giác ấm ức khó chịu trong người. Việc nhắc nhở có thể tạm gác sang thời điểm khác hợp lý hơn.
2. Không mắng trẻ trước giờ ngủ
Thời điểm khi trẻ chuẩn bị đi ngủ hoặc vào tối muộn, nếu bố mẹ quát mắng con một cách gay gắt thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.
Trẻ sẽ đi ngủ với tâm trạng uất ức, tủi hờn, dễ bị giật mình hay gặp ác mộng khi đi ngủ. Hãy để bé chìm vào giấc ngủ với tâm trạng vui vẻ, thoải mái nhất.
3. Không nên mắng con trước bữa ăn
Chúng ta vẫn bảo nhau “Trời đánh tránh miếng ăn”, đến cả trời đất cũng không trừng phạt con người khi đang ăn.
Vì vậy dù việc có lớn mấy tro cho nên dù có giận đến mấy các mẹ cũng không nên quát mắng con trước hoặc ngay trong bữa ăn.
Thứ nhất, con sẽ sợ sệt hoặc buồn tức ảnh hưởng tâm lý, ăn không ngon miệng, hoặc ăn qua loa rồi đứng dậy.
Thứ hai, bé sẽ dần dần chán ghét việc ăn uống và sum họp gia đình, tình cảm gắn kết giữa phụ huynh và con cái cũng lỏng lẻo đi.

4. Không la mắng con nơi đông người
Cũng giống như người lớn, trẻ luôn có nhu cầu cần được tôn trọng và thể hiện bản thân mình. Vậy nên bố mẹ hãy cố gắng để hiểu suy nghĩ của trẻ và chọn cách ứng xử thích hợp với con khi đang ở giữa đám đông hay khi nhà có khách tới chơi…
Nếu bị la mắng nơi đông người hay trước mặt bạn bè có thể khiến bé cảm thấy xấu hổ, không được tôn trọng và dường như việc la mắng sẽ chẳng đem lại bất cứ hiệu quả nào.
Đặc biệt, việc đem sai lầm của trẻ ra nói trước đám đông có thể khiến trẻ dần trở nên tự ti, nhút nhát hoặc khó kiểm soát được cảm xúc sau này.
5. Khi trẻ đã tự biết hổ thẹn nhận ra lỗi lầm
Bản thân mỗi đứa trẻ đều có nhận thức của riêng mình,đã tự biết lỗi, đã tự rút ra được kinh nghiệm cho mình. Nếu ở tình huống đó rồi mà vẫn bị người khác mắng không ngừng nghỉ, trẻ có thể cảm thấy tồi tệ, thậm chí trong những lần sau còn có xu hướng nói dối, phủ nhận lỗi lầm vì biết chắc rằng dù mình có nhận lỗi thì bố mẹ cũng không tha thứ.
Chúng ta cũng có câu “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Vì vậy, khi trẻ lỡ làm sai việc gì, nhưng đã tự nhận thức ra thiếu sót và tỏ ra hối lỗi, thì còn gì tuyệt vời hơn bằng việc thưởng cho bé một nụ cười bao dung?

6. Lúc trẻ mệt mỏi, buồn rầu
Khi trẻ gặp chuyện buồn thì thật sự rất cần những cái ôm, lời an ủi và sự chia sẻ của bố mẹ. Nếu bố mẹ lại không biết vậy mà còn trách mắng trẻ, la hét vào lúc này sẽ càng khiến cho tâm trạng trẻ xấu đi, tạo thêm những áp lực vô hình đè nặng lên cảm xúc của trẻ.
Vậy nên, hãy giúp trẻ giải tỏa cảm xúc tiêu cực trước khi muốn dạy bảo trẻ về điều gì đó.
7. Khi trẻ đang có chuyện vui mừng
Hãy để trẻ có những khoảnh khắc vui vẻ thật tròn đầy, cùng trẻ chúc mừng niềm vui này trước tiên thay vì quát mắng trẻ vì lỗi lầm nào đó.
Bởi vì khi vui mừng, các chất dẫn truyền thần kinh sẽ được phóng thích, tạo ra sự khai thông tốt cho các kinh mạch. Trách mắng trẻ lúc này sẽ khiến tinh thần bị ức chế đột ngột, gây hại cho cơ thể.

8. Khi tâm trạng bản thân bố mẹ đang nóng giận
Khi bố mẹ đang gặp phải những cảm xúc tiêu cực, rất dễ rơi vào trạng thái vừa mở miệng đã muốn mắng người. Trong trường hợp này, nếu đem chuyện của con cái ra dạy bảo, bố mẹ sẽ dễ dàng làm tổn thương con trẻ, đồng thời phá vỡ hình tượng của bố mẹ trong mắt trẻ.
Trong lúc này, các bậc phụ huynh cần hạ hỏa, đợi bình tĩnh trở lại hãy từ từ chỉ bảo cho con cái điều hơn lẽ thiệt.
Mỗi đứa trẻ đều cần một môi trường thật hòa ái để phát triển. Và người tạo ra môi trường ấy không ai khác chính là cha mẹ và gia đình. Bởi vậy, hãy là những cha mẹ thông minh, biết lắng nghe con trẻ và dạy dỗ đúng cách.
Nguồn: eva
Thái An biên tập