Dạy con như Tăng Quốc Phiên: 6 kiểu nói chuyện không nên nói ra, ai cũng nên biết để tránh gặp phải rắc rối
Tăng Quốc Phiên được xem là một trong tứ đại danh thần thời kỳ phục hưng của triều đình Mãn Thanh, cả đời ông cần kiệm liêm chính, không vì chức quan mà tỏ ra kiêu ngạo. Tăng Quốc Phiên chú trọng tu tâm dưỡng tính, lấy đức làm quan, có được thành công to lớn trong sự nghiệp, vận may hanh thông. Ông để lại cho hậu thế nhiều kinh nghiệm xử thế quý báu.
Sự thành công trên quan trường của Tăng Quốc Phiên bắt nguồn từ phương thức nói chuyện của ông. Ông tuân theo nguyên tắc “không nói nhiều”.
Người xưa thường hay nói: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Lời nói có giá trị thì mới nói nhiều, lời nói không cần thiết thì không nói. Tăng Quốc Phiên nói: “Làm việc không được tùy tâm, nói chuyện không được tùy khẩu”.
Dưới đây là 6 kiểu hành sự giao tiếp cần tránh do Tăng Quốc Phiên tổng kết nghiên cứu ra:
1. Không nói lời thẳng thừng
Nói chuyện là một môn nghệ thuật. Nói hay thì là thêu hoa trên gấm, nói không hay thì là thêm dầu vào lửa.
Trong giao tiếp giữa người với người, không nên nói quá thẳng thừng. Ai cũng có lòng tự trọng và sĩ diện, nếu nói chuyện tùy tiện không nghĩ đến hoàn cảnh của người khác, rất dễ tạo ra tình huống ngượng ngùng, làm mọi người đều mất vui.
Tăng Quốc Phiên khuyên dạy con trai rằng: “Từ xưa đến nay nói về thói xấu dẫn đến thất bại đại khái có hai điều: một là kiêu ngạo, hai là nói nhiều”.
Nói chuyện phải tuôn chảy tí tách, mát lòng mát dạ như nước suối giữa núi rừng, chứ không nên cuộn trào ào ạt như nước ở sông hồ. Nói một cách thẳng thừng dứt khoát và nói một cách nhẹ nhàng chậm rãi sẽ mang lại hiệu quả khác nhau, cách nói nhẹ nhàng sẽ được tiếp nhận dễ dàng hơn. Phải làm người khác nghe lọt tai những gì bạn nói, đây là mấu chốt giao tiếp với người khác.
Nếu như cách nói chuyện không hợp lý, dù lời nói có chân thành và có giá trị đến mấy đi nữa, đối phương nghe không lọt tai thì vẫn là vô ích. Còn lời lẽ mềm mỏng, không cứng nhắc vừa là tôn trọng đối phương, vừa để cho đối phương có thể tiếp lời, cũng vừa làm dịu cảm xúc của đối phương để cuộc nói chuyện có thể được tiếp diễn.
2. Không nói lời thị phi
Người nói lời thị phi thường hay bị người khác ghét, đặc biệt là những người nói xấu sau lưng người khác.
Tăng Quốc Phiên viết trong gia thư rằng: “Thường nói chuyện thị phi, tức là người thị phi”. Người thường xuyên đi nói xấu người khác sau lưng, một chút chuyện nhỏ cũng đi rêu rao thành chuyện to, chắc chắn không phải là người tốt đẹp gì. Thường xuyên đi nói xấu người khác, rồi sẽ có ngày những lời nói đó truyền đến tai của người kia.
Người thực sự thông minh, trong những lúc rảnh rỗi luôn học hỏi những cái mới hoặc là nâng cao bản thân, chứ không lãng phí thời gian và sức lực của mình vào việc đàm tiếu người khác.
3. Không nói lời oán trách
Trong cuộc sống, chúng ta luôn gặp phải những người oán trách, họ oán trách chính mình hoặc oán trách người khác.
Thật ra oán trách là đang làm chuyện vô ích, không giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề. Mọi người không thích nghe chúng ta cứ mãi oán trách, và ngược lại, chúng ta cũng không thích nghe người khác luôn miệng oán trách. Nghe nhiều những lời oán trách, tâm trạng sẽ trở nên tồi tệ, rồi rơi vào vòng xoáy của năng lượng tiêu cực.
Người thích oán trách và cằn nhằn là người có ý chí không kiên định, khả năng chịu đựng áp lực rất kém. Gặp phải chuyện phiền toái là oán trách, không ngừng tìm kiếm lỗi lầm của người khác, oán trách cuộc đời bất công.
Thay vì oán trách mình oán trách người, hãy thử tĩnh lặng suy nghĩ và hướng vào nội tâm, thử hỏi xem tại sao chúng ta lại thất bại? Có cách nào để giải quyết vấn đề không? Lần sau gặp phải chuyện tương tự như vậy có thể làm tốt hơn không? Đó mới là điều mà chúng ta cần làm.
4. Không nói lời ngông cuồng
Giao tiếp với người khác, thành thật là tốt nhất, những lời nói ngông cuồng tự cao tự đại thì không nên nói, nói ra dễ bị người ta chán ghét. Cũng đừng tùy tiện nhận lời làm những chuyện mà mình không thể làm nổi, đến cuối cùng thất hứa với người khác thì sẽ đánh mất sự tin tưởng mà người khác dành cho bạn.
Khi giao tiếp, chúng ta cần phải biết khiêm tốn, không dùng những lời nói ba hoa, nếu không sẽ rất dễ rước họa vào thân.
5. Không nói lời ác ý
Tăng Quốc Phiên thường dạy bảo con cái trong gia thư, làm người phải rộng lượng, nói chuyện đừng quá tàn nhẫn, nói chuyện không sử dụng lời nói ác ý, hành sự đừng quá tuyệt tình. Tích phúc nhiều hơn, tôn trọng người khác hơn, như vậy vừa là bao dung người khác cũng vừa là bao dung chính mình. Cố gắng đừng nói những lời ác độc, phải học cách khắc chế.
Tục ngữ nói rất hay: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời độc lạnh người sáu tháng ròng”.
6. Không nói bừa
Con người sống trên đời, nhất định phải sống thật minh bạch, làm người phải rõ ràng minh bạch, làm việc phải đàng hoàng tử tế. Không nói bừa nói đại, không biết thì chúng ta đừng nói, tuyệt đối đừng nói bừa, lời nói một khi đã nói ra thì không thể thu lại được nữa.
Người xưa thường nói: “Lời nói vô ý, người nghe hữu ý”. Người khác nghe được sẽ có thể nghi ngờ nhân phẩm của bạn, cũng sẽ có ảnh hưởng không tốt tới hình tượng của bạn.
Không ai muốn gần gũi một người suốt ngày chỉ nói bừa, bởi vì câu nào cũng có lời nói dối trong đó. Nói chuyện rõ ràng chính xác, không nói bừa, khiến người nghe sẽ cảm thấy bạn là một người đáng tin cậy, đây mới là biểu hiện của EQ cao.
Nguồn: DKN
Lan Hòa biên tập