Đôi khi giả ngốc không phải là ngốc thật, mà là muốn dành cho đối phương thêm một cơ hội nữa
Cổ nhân có câu: “Nhân chi sơ tính bản thiện” , con người sinh ra bản chất là thuần thiện, trong sáng, thánh khiết. Một đứa trẻ sinh ra không biết oán giận, làm điều ác với ai, đói thì khóc, no thì cười, mệt thì ngủ, vô cùng thuần phác, vô tư, vô ngã. Sự thuần phác, thiện lương ấy cũng là điều mà những triết gia vĩ đại nhất như Trang Tử, Lão Tử hướng đến.
Lão Tử đã từng nói: “Thánh nhân giữ thuần phác mà điều khiển trăm quan, cho nên người giỏi trị nước không chia cắt chi li”, ông cho rằng giữ được sự chất phác thì tự khắc vạn vật sẽ quy phục: “Đạo vĩnh viễn không có tên, chất phác, tuy ẩn vi mà thiên hạ không ai coi thường nó được. Các bậc vương hầu biết giữ nó, thì vạn vật sẽ tự động quy phục“.
Bản tính thiện lương vốn dĩ là một phẩm đức quý giá của con người, cũng là sức mạnh tiềm ẩn vô biên mà bẩm sinh mỗi người khi sinh ra đều có. Trong bất kể hoàn cảnh khó khăn nào, bạn hãy kiên trì thiện lương, nhân ái trong tâm. Khi biết yêu thương người khác, ta mới có thể được sống trong vòng tay ấm áp của tình người, bởi vì cuối cùng, bạn sẽ nhận ra, mầm lành thiện lương gieo xuống sẽ cho gặt quả phúc báo.
Sống trên đời, hãy chọn làm người thiện lương
Sống ở đời, làm người thiện lương khó hơn rất nhiều so với thông minh, “khôn lỏi”. Vì thông minh là một loại thiên bẩm còn lương thiện lại là một sự lựa chọn.
Ta chọn lương thiện không phải vì ta mềm yếu, nhu nhược, mà bởi vì ta hiểu rằng lương thiện là bản tính nguyên sơ của mỗi con người, là “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Làm người thì không thể chọn con đường trở thành kẻ ác, người ác tất sẽ có báo ứng, gieo nhân nào sẽ gặp quả nấy.
Ta chọn nhường nhịn không có nghĩa là ta đang bị thụt lùi, sợ hãi, mà vì ta hiểu rằng, “một sự nhịn, chín sự lành”, nhịn một chút sóng êm gió lặng, lùi một chút biển rộng trời cao.
Ta chọn tha thứ không phải vì ta dễ dãi, mà bởi vì ta hiểu rằng tha thứ là một trong những đức tính tốt đẹp nhất trên đời, tha thứ còn một nguyên nhân nữa, không phải vì ta không giữ vững lập trường, mà bởi vì ta hiểu rằng mọi chuyện không nên làm tận, làm tuyệt.
Ta chọn “khờ khạo” không phải vì ta khờ khạo hay ngốc thật, mà bởi vì ta hiểu rằng, khi đối diện với hiểu lầm, oan ức, bất công thì không nên so đo tính toán quá, cứ nở nụ cười mà lặng nhìn thế thái nhân tình.
Đôi khi giả ngốc không phải là ngốc thật, mà chỉ là muốn dành cho đối phương thêm một cơ hội nữa.
Ta chọn chân thành và nói lời thẳng thắn là bởi vì ta hiểu rằng, những lời nói dối, trái với lương tâm chỉ dùng để đối phó tình huống, trong khi thật lòng đối đãi, nói lời chân tình mới thật sự giải quyết tận gốc vấn đề và không có hậu hoạ về sau.
Ta trân trọng nghĩa tình không phải vì ta quỵ lụy, mà bởi vì không nhất thiết phải vứt bỏ khoảng thời gian tốt đẹp giữa chúng ta. Cuộc đời vốn dĩ có nhiều điều dù ta có muốn hay không chúng vẫn tồn tại. Tuy nhiên khi đối diện với cuộc đời thì bản tính của mình như thế nào mới là điều quan trọng nhất.
Sống lương thiện để đời đời được bình an
Đừng nghĩ thật thà thường thua thiệt, bởi vì những lời dối trá sẽ chẳng bao giờ bền vững, là trái với bản tính tiên thiên, đi ngược lại với lương tâm của chính bản thân mình. Ta hoàn toàn có thể nói những lời hoa mỹ, để đối phó với tình huống trước mắt, nhưng ta biết “thuốc đắng giã tật”, thế nên ta sẽ lựa chọn thẳng thắn, nói lời chân thành, để giải quyết tận gốc mọi vấn đề và phòng tránh hậu họa về sau.
Đừng tự hỏi bản thân: “Ai cho ta lương thiện?”, mà hãy nghĩ cách tự biến mình thành người lương thiện, hoặc ít ra là giữ vững sự lương thiện vốn có, bởi bản tính sẽ quyết định thái độ, mà thái độ sẽ giúp ta thay đổi cuộc đời.
Lan Hòa biên tập