Đời là bể khổ – Nhìn sao cho thấu?
Có câu nói “Có thể bạn sẽ không đến được nơi mình muốn đến nhưng sẽ đến được nơi bạn cần phải đến”. Cuộc sống tựa như một hành trình dài, ta không biết được phía trước sẽ là gì, nhưng hãy cứ tin rằng chỉ cần đi rồi chắc chắn sẽ đến.
Trên hành trình đời người của mình, bất kỳ ai cũng có những nỗi thống khổ mà người khác không thể nào hiểu hết được. Chỉ khi đã từng nếm trải được hoàn cảnh đó mới có thể hiểu thấu được cảm xúc và tâm tư của người khác, cũng như có thể hiểu thấu được về mình.
Ý nghĩa của cuộc sống, ấy không phải ở chỗ nhìn được thấu bao nhiêu mà là trải nghiệm được bao nhiêu. Chẳng phải khi đã kinh qua những khổ đau hờn tủi, kinh qua thất bại, thành công ta mới có thể nhìn thấu được hay sao?
Học cách trải nghiệm mới có thể chân thành đối diện với thế giới bằng tâm thái bình hoà. Vì vậy hãy cứ trải nghiệm sự giàu có và nghèo khó, mỹ lệ và xấu xí, khổ đau và hạnh phúc trong cuộc đời, rồi sẽ có lúc ta thấy thật thản nhiên khi đối mặt với khổ nạn, bình thản hưởng thụ những niềm vui, không kiêu căng ngạo mạn, cũng chẳng uất hận, hờn ghen.
Đừng vì chút khó khăn nhỏ mà trở nên chùn bước; đừng vì những lời nói khó nghe của người khác mà đánh mất đi bản chất chân thật của chính mình.
Cuộc đời ai mà chẳng có nỗi khổ tâm, ai chưa từng đổ vỡ, thế thì vấp ngã chính là để mạnh mẽ vùng dậy, khổ đau cũng chỉ là bước đệm của hạnh phúc tuyệt vời.
Ai mà không sợ thất bại, ai mà không sợ vấp ngã. Có những khi, có những người còn sợ chính bản thân mình. Đơn giản bởi một điều, bạn chưa từng trải nghiệm cảm giác vượt qua được là như thế nào, chưa từng hiểu được để có thể thành công thì chỉ cần ta cố gắng hơn một chút mỗi ngày. Nhưng khi bạn đã vượt qua rồi, bạn sẽ thấy trân trọng và quý tiếc những nỗ lực của mình, ấy cũng là lúc bạn nhận ra bạn đang từng chút chiến thắng chính mình.
Cuộc đời là do chính bạn quyết định, con đường là do chính bạn đi. Nếu không biết đứng dậy thì cũng đừng hy vọng đi cho tốt quãng đời phía trước vốn đầy hứa hẹn.
Đời người cũng tựa như một căn phòng. Người bi quan nhìn vào thì thấy bên trong tối om, người trầm lặng thì thấy tĩnh mịch, người ưu sầu thì chỉ đứng bên ngoài chẳng bước vào, đứng bên ngoài và muốn trải nghiệm cảm giác của gió tuyết, mưa rơi.
Từ lúc chào đời là khóc, rồi từ khi sinh ra cho tới lúc từ giã cõi trần gian còn có bao nhiêu điều cần khóc và phải khóc. Khóc vì đau khổ, oan ức, buồn tủi, giận hờn, thương cảm, trái ngang và lại cả vì sung sướng và hạnh phúc. Bạn đã nhìn thấu được bao nhiêu trong kiếp nhân sinh này?
Chỉ khi nào đôi chân ta đi một chặng đường quá dài thì mới biết thế nào là mỏi mệt rồi mới trân quý những điều an yên, tự tại nhất. Đi qua cay đắng mới thương lấy ngọt bùi, có sướng vui thì ắt sẽ có đau khổ.
Khi chúng ta nhìn thấy và thấu suốt những tham vọng, những dục lạc trong chính tâm hồn mình. Khi chúng ta đứng giữa bờ vực của sự sống, cái chết vô thường ập đến. Nơi mà tiền tài địa vị, chức tước hay một chốn phồn hoa phú quý nào của cuộc đời cũng không mang lại hạnh phúc và ý nghĩa thật sự cho chúng ta. Khi chúng ta đi qua lòng tham và tìm đến sự an lạc, tìm đến sự giải thoát tham vọng phù phiếm của khổ đau. Chúng ta mới nhìn thấu được bể khổ chốn nhân gian.
Trải qua sự ồn ào mới cảm nhận được giá trị của sự tĩnh lặng; Trải qua khổ đau mới cảm nhận được thế nào là hạnh phúc; Trải qua nghèo khó mới biết trân quý lúc sang giàu; Trải qua kiếp người mới thấu nhân gian, đời là bể khổ.
Xin được kết thúc bằng bài thơ “Cảnh Nhàn” của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến bóng cây ta hãy uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Nguyên Hóa