Đừng chiều chuộng con cái quá nhiều vì xã hội không chiều chuộng chúng đâu
Ông bà ta có câu “dạy con từ thủa còn thơ”, ý nói, trẻ con từ nhỏ phải được bố mẹ dạy dỗ và thương yêu đúng mực. Khi trẻ đã lớn, việc uốn nắn trẻ khó hơn nhiều.
Thế nhưng, hiện nay mỗi nhà chỉ sinh từ một đến hai con nên có nhiều ông bố bà mẹ quá nuông chiều con, và đó chính là nguyên nhân làm hư con, thậm chí còn gây ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của đứa trẻ sau này.
1. Câu chuyện có thật như đùa
“Ứ ừ…”, bé Thúy dậm chân hờn dỗi, tay kéo tai bố khiến anh Hùng vẹo cả đầu. “Thì đây, nhổ đi!”. Người bố xòe tay ra cho con nhổ đờm, rồi chạy vội vào toilet. Chuyện ấy đã thành “cơm bữa”, mà theo anh Hùng: “Nó còn bé biết gì, thôi thì mình chiều con mình chứ chiều ai đâu?”. Thì ra, do quá chiều con, anh thường xuyên phải ngửa bàn tay để con gái nhổ đờm mỗi khi nó ho, nếu không, bé Thúy nằm lăn ra nền nhà ăn vạ, giãy đành đạch.
Thấy chồng chiều con quá trớn, vợ anh nói: “Anh thương con, nhưng đừng chiều con kiểu ấy. Anh sẽ làm hư con, vì đừng tưởng nó chưa biết gì. Nó hay đòi hỏi, nhưng không phải con đòi gì bố chiều nấy, khạc nhổ cũng bắt bố ngửa tay, bắt bố chở lòng vòng ngoài đường phố cả đêm thế mà được à”. Vậy là anh chị to tiếng cãi nhau chỉ vì bất đồng quan điểm trong việc dạy con.
Nhà có hai con một gái một trai, nhưng anh Hùng chiều con gái hơn. Con gái đòi gì anh cũng cho. Nhiều khi, anh xấu hổ với bạn bè khi họ đến nhà chơi, vì con gái nhất thiết bắt bố dắt đi tè. Nếu anh bảo con tự đi là nó gào lên: “Bố Hùng béo ơi là bố Hùng béo!”. Khi đi học trường mẫu giáo, nếu bạn nào trái ý là bé Thu túm cổ cắn vào vai, vào tay bạn. Cô giáo dạy bé “Cắn bạn là xấu”, thì bé vênh mặt lên: “Tao sẽ mách bố”. Cô giáo phạt đứng quay mặt vào tường, thế là bé lăn xuống nền nhà giãy giụa, la khóc và giả vờ ho, nôn, đến nỗi cô giáo phải gọi điện cho bố bé đến. Khi bố đến, bé ôm cổ bố nỉ non: “Con không thèm học nữa, cô đánh con?!”.
Một hôm, bé Thúy đòi kính của bố. Anh Hùng không cho, bé khóc và đòi bằng được. Anh quát “Đồ hư!”. Bất thình lình, bé cướp kính bố đang đeo và bẻ gãy đôi. Quá bực, anh phát vào mông con một cái, vậy là bé nằm ra đất la hét: “Mẹ mày! “Thằng Hùng béo…!?”
Có lẽ, khỏi cần bàn thêm cũng biết, chiều con quá mức kiểu anh Hùng là không đúng và cha mẹ sẽ phải chịu hậu quả như thế nào. Bố mẹ bao giờ cũng thương con, song thương yêu phải đúng mực và dạy bảo theo nề nếp gia đình. Đó chính là sự uốn nắn để trẻ hình thành nếp nghĩ, thói quen và cao hơn là nhân cách. Sự nuông chiều quá mức, đến nỗi con đòi gì bố cũng chiều như anh Hùng, sẽ tạo cho con thói bướng bỉnh, thiếu tính tư duy tự lập và “không sợ ai”, vì luôn có bố bên cạnh để bênh vực. Làm vậy, các bé càng được nước, không coi ai ra gì.
2. Những biểu hiện của việc nuông chiều con
Một số dấu hiệu phổ biến và chung của nhiều bậc bố mẹ nuôi chiều con ngày nay:
Chỉ biết cung phụng con, con muốn gì cũng đáp ứng mà không suy xét thiệt hơn, không suy xét đến mục đích sử dụng của nó.
Hàng tháng chu cấp cho con một số tiền tiêu vặt quá lớn, khiến con có cơ hội, điều kiện tham gia những hoạt động xấu.
Bao bọc con quá kỹ, khiến con luôn sống trong một thế giới màu hồng, tù túng.
Không để con thực hiện bất kỳ lao động gì dù đơn giản nhất là việc quét nhà, đổ rác…
Mọi việc đều suy nghĩ lên kế hoạch thay cho con, khiến con chưa từng 1 lần đi xa, chưa từng 1 lần vấp ngã, chưa một lần thực hiện ước mơ.
Dạy con rằng chỉ có con là quan trọng nhất, không dạy con phải biết quan tâm, giúp đỡ, biết ơn yêu thương những người xung quanh.
3. Hệ quả của việc nuông chiều con
Việc bao bọc nuông chiều con quá mức, sai lầm của các bậc phụ huynh không giúp đứa trẻ nên “người”, ngược lại sẽ khiến các trẻ phát triển theo chiều hướng xấu đi. Dưới đây là 1 vài hệ quả của việc nuôi chiều con sai cách thường gặp:
Đứa con sẽ trở thành con người ích kỷ chỉ biết cung phụng chứ không biết cống hiến yêu thương.
Đứa nhỏ sẽ không có lễ nghĩa, luôn đòi hỏi những điều chúng muốn và không biết quý trọng đồng tiền, công sức của người khác.
Đứa nhỏ sẽ trở thành người quen hưởng thụ, khi không được hưởng thụ những điều tốt đẹp ấy nữa sẽ chỉ biết oán trách cha mẹ.
Đứa nhỏ sẽ có tâm lý thụ động, nhu nhược ỷ nại vào quyết định của người khác.
Chúng sẽ xem việc chúng được nuôi nấng dưỡng dục là điều đương nhiên và không biết nói cảm ơn, không biết biết ơn người khác, không biết ơn dưỡng. Vì chúng không nhìn thấy ba mẹ đã phải cực khổ như thế nào để nuôi chúng.
Chúng cũng có thể có tâm lý vặn vẹo, bị sốc tâm lý khi gặp những vấn đề nhỏ ngoài vòng tròn an toàn mà bố mẹ vẽ ra cho chúng, dễ gây ra những hành động sai lầm gây hại cho xã hội.
4. Nuôi dạy con như thế nào mới tốt?
Đây chắc hẳn không chỉ là câu hỏi của một hay một vài phụ huynh, mà đã là câu hỏi của tất cả mọi người. Nhưng, có một phương hướng đó chính là: hãy giáo dục con thành người tử tế trước khi dạy con làm mọi thứ, người tử tế chắc chắn sẽ là người có ích, sẽ không phải là người vô ơn.
Cha mẹ sẽ là tấm gương phản chiếu của con cái, cha mẹ có “mẫu” thì con mới “mực”
Tính cách không phải ngày một ngày hai mà hình thành được, vì vậy, hãy bắt đầu và kiên trì giáo dục trẻ ngay từ khi còn rất nhỏ.
Hãy để bé theo chân bạn đến mọi nơi, để bé nhìn thấy sự vất vả của người lao động, biết được mẹ đã vất vả như thế nào để nuôi nấng bé.
Hãy dạy bé tính tự giác và chịu trách nhiệm với bản thân: phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hành động nào của bé. Đừng can thiệp, trách nhiệm của chúng ta là định hướng đúng đắn và cùng bé rút ra bài học sau khi hoàn thành công việc ấy.
Hãy dạy bé phải quý trọng đồng tiền, quý trọng sức lao động của người khác: nếu bé muốn có được điều mình muốn thì phải trả giá và đánh đổi bằng 1 thứ mình có khác.
Hãy dạy bé các kỹ năng cơ bản cần thiết để bé có thể tự bảo vệ mình trước xã hội: dạy bé bơi, dạy bé học võ, dạy bé những kỹ năng mềm, dạy bé biết phải làm gì khi bị quấy rối tình dục, dạy bé biết phải làm sao khi gặp bắt cóc, …
Hãy dạy bé lễ nghi lễ phép: hãy dạy bé phải kính trên nhường dưới, phải hòa đồng, yêu thương mọi người xung quanh, dạy bé nói cảm ơn, nói xin lỗi, dạy bé mỉm cười,….
Dạy bé sống phải có kỷ luật: phải biết gọn gàng ngăn nắp, không nói to nơi công cộng, ho phải biết che miệng, phải biết nhận lỗi sai về mình.
Hãy dạy bé phải yêu thương: yêu thương và quý trọng từ con búp bê, từ cái cây cái cỏ, đến con chó con mèo, và yêu thương cả những con người sa cơ lỡ vận trên đường, những người xung quanh ta. Hay đưa tay giúp đỡ họ nếu như có thể.
Hãy dạy bé phân biết thế nào là tốt là xấu là đúng là sai, để bé có những bước đi đúng đắn nhất.
Trên đây là những chia sẻ về chủ đề hệ quả của việc nuông chiều con cũng như cách để nuôi dưỡng một đứa trẻ thực sự nên “người” khoa học. Chúc bạn và gia đình luôn vui vẻ hạnh phúc.
Thiên Hà biên tập
Nguồn: Tổng hợp