Gia đình ở chung cư cần nắm kỹ những điều này
Sự việc bé gái 3 tuổi thoát chết khi rơi từ tầng 12A tòa nhà chung cư số 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) xảy ra, nhiều người chưa khỏi bàng hoàng về mức độ nguy hiểm khi cháu bé có thể trèo qua phần lan can cao 1,5 m để bước ra ngoài.
Những năm gần đây, nhiều sự việc tương tự đã xảy ra. Đáng lo ngại khi không ít gia đình có con nhỏ ở chung cư vẫn chưa nhận thức rõ sự nguy hiểm.
Để đảm bảo an toàn cho con trẻ khi sống tại các căn hộ chung cư cao tầng, các bậc phụ huynh cần chú ý đến các chi tiết nhỏ, tránh những mối nguy hiểm tiềm tàng cho con.
1.Tuyệt đối không để trẻ ở nhà một mình
Có rất nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng vì con đang ngủ nên tranh thủ chạy đi đâu đó một chút hoặc nghĩ rằng bé đã lớn, rất thông minh nên sẽ tự biết bảo vệ mình.
Sự thật hoàn toàn trái ngược. Trẻ em rất hiếu động và thích khám phá mọi thứ xung quanh, hơn hết lại thích leo trèo nhưng chưa đủ nhận thức để biết được những điều có thể khiến bản thân gặp nguy hiểm, nên là bậc phụ huynh hay bảo mẫu không nên để trẻ ở một mình trong nhà trong một thời gian lâu.
2. Chia sẻ với con về các khu vực nguy hiểm trong nhà
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ biết các khu vực nguy hiểm trong nhà và hạn chế đến khu vực đó chơi như: cửa sổ, lan can,… bởi trẻ rất hiếu động, nếu bất cẩn, trượt chân có thể dẫn đến tai nạn.
3. Kiểm tra, thiết kế lại ban công căn hộ cho phù hợp
Nếu bạn đang lựa chọn một căn hộ thì hãy ưu tiên chọn những căn hộ có thiết kế ban công cao ít nhất 1.3m hoặc 1.4m, nếu căn hộ của bạn có lan can thấp hơn thì hãy nhờ thợ thiết kế lại. Tốt nhất là nên nắp lưới an toàn để tránh trẻ có thể trèo lên được.
Đặc biệt không làm song ngang mà hãy làm song dọc (khoảng cách không quá 10cm), bởi lan can ban công làm song ngang sẽ vô tình giúp trẻ con dễ leo trèo, chơi đùa sẽ gặp nguy hiểm.
4. Cửa sổ tối thiểu cao từ 1m
Chiều cao cửa sổ trong mỗi căn hộ phải tối thiểu 1m tính từ mặt sàn lên bậu cửa sổ, chiều cao lớn hơn thì càng tốt. Căn hộ nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên thì được xem là an toàn với trẻ nhỏ. Để đảm bảo an toàn các hộ gia đình có thể lắp thêm lưới bảo vệ hoặc song cửa sắt.
5. Dọn dẹp ban công, không cho trẻ chơi đùa tại đây
Cha mẹ cũng nên lưu ý dọn dẹp ban công, tránh đặt những đồ vật mà trẻ em có thể trèo lên hoặc đứng lên như bàn, ghế hoặc chậu cây cảnh ở đây hoặc gần đó.
Nếu được, hãy cấm trẻ chơi đùa ở ban công, dù là ở nhà hay tới chơi ở nhà khác.
6. Đi cùng trẻ em vào thang máy
Trẻ em rất hiếu động, và còn thiếu các kỹ năng khi đi thang máy, trẻ có thể gặp các chấn thương như: kẹt tay, vấp ngã, hoa mắt chóng mặt, ám ảnh sợ không gian hẹp và nghiêm trọng hơn là những sự cố hỏng thang máy, rơi thang máy luôn có nguy cơ xảy ra tại bất cứ nơi đâu. Và bé sẽ không có khả năng xử lý ngay khi có sự cố xảy ra.
7. Chọn chung cư cao từ 8 – 16 tầng
Nên chọn căn hộ chung cư trong khoảng từ tầng 8 đến tầng 16, không quá thấp và cũng không quá cao. Vừa tránh khói bụi, có không khí trong lành vừa bảo đảm an toàn, dễ di chuyển nếu xảy ra cháy nổ, mất điện, giông bão hay hỏa hoạn.
Biên tập: Thiên Hà