Giáo dục trên bàn ăn cho con trẻ, bài học của người Mỹ
Có lẽ chúng ta đã từng bắt gặp không ít tình huống như thế này: Nếu trong nhà có ông bà, thì ông bà giống như những người phục vụ tại “nhà hàng lẩu” vậy; nhiều ông bà già cầm bát với đôi bàn tay run rẩy chạy theo bón từng thìa cơm cho đứa cháu…
Vậy chúng ta hãy nhìn sang những quốc gia khác, trẻ em trên bàn ăn có biểu hiện như thế nào?
1. Trẻ em Hàn Quốc trên bàn ăn
Cha mẹ Hàn Quốc trên bàn ăn đóng vai trò là những bậc trưởng bối. Những trẻ nhỏ trong nhà, mỗi lần trước khi ăn, đều phải bận rộn thêm thức ăn cho mọi người trong nhà theo thứ tự từ già đến trẻ. Làm xong, mắt không được ngó nghiêng, mà cần phải ngồi nghiêm chỉnh, cung kính nói với những người lớn tuổi ở bàn ăn rằng: “Cảm ơn ba mẹ vì đã cho con một bữa ăn thịnh soạn như vậy!”. Trẻ em Hàn Quốc khi ăn cơm đều phải tỏ lòng biết ơn.
2. Trẻ em Mỹ trên bàn ăn
Cha mẹ Hàn Quốc trên bàn ăn đóng vai trò là những người bạn. Khi trẻ có thể cầm thìa, cha mẹ Mỹ sẽ không còn phải bón cơm cho con. Đứa trẻ chỉ đưa ra gợi ý về việc trẻ thích ăn gì, sau đó, dù trẻ có thích thịt hay rau, cha mẹ Mỹ cũng sẽ không bao giờ can thiệp hay ép buộc. Thậm chí đối với việc kiểm soát việc trẻ ăn bao nhiêu, các bậc cha mẹ Mỹ cũng làm một cách miễn cưỡng. Bởi vì trong con mắt của cha mẹ Mỹ, đứa trẻ phải có trách nhiệm với chính mình, nó biết mình cần gì. Kết quả là, trẻ em Mỹ thể hiện tính cách độc lập ngay trên bàn ăn.
Ở đây, không phải muốn rằng tất cả trẻ em nên học cách ăn uống như trẻ em Hàn Quốc hay Mỹ. Mà điều muốn nói là chúng ta không thể bỏ qua việc giáo dục hành vi của con trẻ trên bàn ăn.
Các gia đình Hàn Quốc giáo dục con cái thông qua bầu không khí tại bàn ăn, để trẻ em học cách biết ơn một cách tự nhiên; các gia đình Mỹ cũng giáo dục con cái thông qua các thói quen trên bàn ăn, để trẻ học cách tự lập và chịu trách nhiệm.
Điều mà nhiều gia đình ngày nay thiếu ở bàn ăn nhất chính là “giáo hóa” con cái. Trên bàn ăn, chúng ta chỉ chú ý xem đứa trẻ có ăn no và ăn ngon không, chính xác là thiếu “sự giáo hóa”. Và kiểu giáo dục này đang gửi một tín hiệu sai lầm cho trẻ em: ‘bởi vì con là một đứa trẻ, chúng ta phải phục vụ con vô điều kiện’. Kết quả là, đứa trẻ cho rằng việc cha mẹ làm như vậy là lẽ đương nhiên.
Tuy vậy, chúng ta đã bỏ qua những điều có thể nói với con mình rằng: tình yêu chúng ta dành cho con là để con biết rằng con phải học cách báo đáp người khác và học cách yêu thương người khác.
Kết quả là, những đứa trẻ không được “giáo hóa”, khi chúng lớn lên, ngoài việc nghĩ rằng cha mẹ phải làm việc, thì trong mắt chúng sẽ lấp đầy những lỗi sai của cha mẹ: chúng không tìm được việc làm tốt, đó là lỗi của cha mẹ; không mua được nhà riêng, đó là lỗi của cha mẹ; không tìm được người yêu, cũng là lỗi của cha mẹ…. Khi những đứa trẻ ấy lớn lên, chúng ‘vênh mặt hất hàm’ sai khiến cha mẹ, chúng ta nên oán trách chúng hay nên trách mình đã dạy con không đủ thông minh?
Giáo dục để dưỡng thành tính cách cho trẻ là vô cùng trọng yếu. Tại sao nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rất mệt mỏi, trên thực tế hầu hết là vì họ tự mang xiềng xích vào cho mình. Dưới đây là một ví dụ thực tế thuộc chủ đề này, hy vọng rằng trong việc dạy bảo con cái mình, các bậc cha mẹ sẽ đủ thông thái hơn.
Tôi đã ‘choáng váng’ khi lần đầu tiên ăn tại một nhà người bạn ở Mỹ. Đứa trẻ hai tuổi rưỡi của cô ấy ngồi trên ghế ăn và tự ăn từ đầu đến cuối. Mặc dù cầm thìa còn vụng về, nhưng cậu bé không hề lo sợ mà ngồi ăn một cách nghiêm túc, hơn nữa còn tự nhiên nhặt và ăn những hạt cơm bị rơi vãi trên bàn. Khi ăn xong, cậu bé cởi bỏ chiếc khăn trên cổ và nói: “Con ăn xong rồi!”. Sau đó bố mẹ sẽ đưa cậu ra khỏi ghế ăn. Ngạc nhiên hơn nữa là, cậu bé bê chiếc bát của mình, rồi đổ thức ăn thừa từ bát vào thùng rác, tiếp đó đặt bát vào bồn rửa. Mọi thứ diễn ra thật khéo léo và tự nhiên. Chứng kiến cảnh này, tôi mới biết rằng cậu bé đã phát triển thói quen này từ rất sớm.
Ở Hoa Kỳ, giáo dục trên bàn ăn là một phần rất quan trọng trong nội dung nuôi dạy con cái. Họ chú ý đến những thứ khác hơn là “ăn no”, chẳng hạn như: trẻ có thể chủ động ăn và tận hưởng quá trình ăn; có khả năng tuân thủ các nghi thức trong quá trình ăn uống, học cách sắp xếp và dọn dẹp bàn trước và sau bữa ăn, và học cách tiếp khách, v.v.
Trẻ em Mỹ bắt đầu tự ăn khi chúng bắt đầu biết cầm thìa. Cho dù những lần đầu tiên, chúng sẽ làm rơi vãi cơm và thức ăn ra bàn, nhưng sau vài tháng luyện tập, tay và não của chúng đã cân bằng và chúng có thể đưa thìa vào miệng một cách nhịp nhàng… Đứa trẻ tự quyết định ăn bao nhiêu, vì ăn là việc riêng của chúng. Chỉ khi chúng chủ động và tích cực ăn, chúng mới thực sự tận hưởng niềm vui thú khi ăn cơm. Hơn nữa đến giờ ăn cơm, quá giờ là không đợi, nếu như đứa trẻ lúc ấy bởi vì mải chơi đùa mà không chịu ăn cơm, thì chúng phải chịu ‘hậu quả’ bị đói bụng.
Điều này có lẽ sẽ không thể tưởng tượng được đối với các bậc cha mẹ ở châu Á như Việt Nam, hay Trung Quốc: Làm sao có thể để trẻ bị đói được? Nếu đứa trẻ khóc khi đói, cha mẹ sẽ rất đau khổ và ngay lập tức nấu cho trẻ ăn. Nhưng cũng vì điều này, lại khiến những đứa trẻ thấy rằng rằng đến giờ ăn mà mải chơi không chịu ăn cũng sẽ không hề gì, “dù sao, mẹ sẽ nấu cho ta ăn 24 giờ; nếu ta đói thì ba mẹ sẽ cho ta ăn thứ gì đó”. Cứ như vậy, chúng không có khái niệm chủ động ăn uống, chúng cũng sẽ nghiêm túc đối đãi với giờ giấc của bữa ăn. Đây là lý do tại sao nhiều bậc cha mẹ thường phàn nàn rằng con cái họ không thích ăn.
Hầu hết trẻ em Mỹ ngay từ khi hai tuổi đã đã học phép tắc lễ nghi dùng cơm: ăn cơm nhai kỹ nuốt chậm, không để phát ra âm thanh, dao nĩa không được gõ đĩa, nếu không cẩn thận để phát ra tiếng vang, nhất định phải nói với mọi người xung quanh rằng “Thật xin lỗi”. Quan tâm đến cảm xúc của người khác trên bàn ăn là một bài học rất quan trọng đối với trẻ em Mỹ. Ngoài việc không làm ảnh hưởng đến người khác, thì việc ăn uống cũng cần phải tính đến cảm thụ của người khác; bởi vì thích ăn một món nào đó mà ăn uống bừa bãi – đây là việc không được phép. Trẻ lớn hơn một chút cũng sẽ giúp cha mẹ chuẩn bị trước bữa ăn và dọn dẹp sau bữa ăn để giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ, đồng thời cho trẻ có ý thức tham gia cùng gia đình, học lễ nghi tiếp đãi khách trên bàn ăn.
Đối với người Mỹ, bàn ăn không chỉ là nơi giáo dục trẻ em mà còn là nơi ấm cúng nhất để gia đình ngồi bên nhau. Cha mẹ người Mỹ rất coi trọng thời gian dành cho con cái. Cho dù là người dân bình thường hay Tổng thống của đất nước, đoàn tụ với gia đình sẽ được coi là quan trọng hơn bất cứ điều gì. Sau khi đi làm về, mọi người vội vã về nhà, để cả gia đình ngồi quanh bàn ăn càng sớm càng tốt và thưởng thức bữa tối ngon miệng.
Có lẽ nhiều cha mẹ của chúng ta đã không nhận ra rằng thật hạnh phúc khi cả gia đình chuẩn bị, tận hưởng và nói chuyện cùng nhau. Chúng ta hiếm khi từ chối xã giao để về nhà dùng bữa cơm với gia đình, ngược lại, xã giao là lý do đương nhiên để không về nhà ăn cơm.
Bữa sáng của người Mỹ rất đơn giản, tất cả các loại bột yến mạch pha sữa, cũng sẽ thành một bữa ăn. Tuy nhiên, gia đình phải ngồi lại với nhau và tận hưởng từ từ. Đặc biệt vào buổi sáng cuối tuần, bố ngồi vào bàn và đọc báo, mẹ đặt một quả trứng hoặc vài lát thịt xông khói lên đĩa của mọi người, và những đứa trẻ rót nước cam vào ly của cả nhà. Đây là một cảnh rất phổ biến. ‘Nhất niên chi kế tại vu xuân, nhất nhật chi kế tại vu thần’ (một năm mở đầu bằng mùa xuân, một ngày mở đầu bằng buổi sớm). Buổi sáng, cả gia đình trò chuyện và cười đùa cùng nhau, một ngày đẹp trời cũng bắt đầu từ lúc đó.
Từ bàn ăn, trẻ học được tinh thần hợp tác lẫn nhau, cảm nhận sự hiểu biết lẫn nhau, tận hưởng niềm vui khi ăn, và quan trọng hơn, chúng cần tình cảm của cha mẹ hơn là một bữa ăn cao lương mĩ vị.
Chúng ta thường nói rằng nuôi con là thử thách kiên nhẫn nhất. Tuy nhiên, người Mỹ sẽ nói với bạn rằng kiên nhẫn không phải là thời gian chờ đợi, mà là trạng thái chờ đợi. Họ để những đứa trẻ tự ăn khi còn rất nhỏ, và để chúng bình tĩnh khi đối mặt với mớ hỗn độn phủ đầy bàn. Họ để những đứa trẻ vi phạm quy tắc phải chịu đói, đối mặt với những lời năn nỉ của con cái, họ giữ vẻ mặt ‘bất động’; họ gác lại những chuyện vặt vãnh và mong chờ, tận hưởng khoảng thời gian ngồi lại với con cái. Đây là một sự bình yên.
Khi chúng ta vội vã đi làm, chúng ta cảm thấy hụt hẫng, không biết làm thế nào để dạy dỗ con tốt hơn, và lo lắng cho tương lai của chúng. Vậy chúng ta có thể cố gắng từ chối một cuộc vui, để cố gắng về sớm và cùng ăn cơm với con trẻ hay không?
Biên tập: Đăng Dũng
secretchina.com/ntdvn