Giàu mà có đức là tài sản lớn nhất của đời người
“Con người khi trở nên giàu có rồi thì nên làm gì?” Đó là câu hỏi mà người ta khi chưa có tiền lúc nào cũng nghĩ đến. Có người muốn hưởng thụ, có người muốn phát triển cơ nghiệp, có người muốn làm từ thiện, có người lại muốn nổi danh, phát tài. Nhìn nhận về vấn đề này, trí huệ của cổ nhân Trung Quốc thật khiến chúng ta phải khâm phục.
Người giàu có được coi là đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên – lập công, có của cải dồi dào rồi thì không còn phải lo cơm áo gạo tiền nữa. Rất nhiều người có tiền rồi lại muốn có nhiều tiền hơn, họ không ngừng kiếm tiền, trở thành nô lệ của tiền bạc, rơi vào vòng xoáy của kim tiền.
Nhiều người giàu sau khi hoàn thành giai đoạn đầu tiên là lập công, vẫn chưa hài lòng với bản thân, họ muốn làm những điều lớn lao hơn như lập ngôn, họ muốn viết lại những kinh nghiệm thành công của mình làm thành sách để lưu truyền cho đời sau. Đến giai đoạn này, người ta đã không còn lấy việc kiếm tiền làm mục tiêu duy nhất nữa, họ kỳ vọng rằng những kinh nghiệm của mình sẽ trở thành động lực và nguồn cảm hứng cho nhiều người hơn, họ hy vọng rằng sẽ có nhiều người giàu lên nhờ những kinh nghiệm của họ.
Tuy rằng trong đó cũng bao hàm cả tâm lý muốn nổi danh nhưng rốt cuộc cũng giúp được người khác, cũng coi như làm được một chút việc tốt. Người đến giai đoạn này đã tương đối ít, muốn tiến tới giai đoạn thứ ba lại càng vô cùng khó khăn, đó chính là lập đức.
Lập đức là một sự nghiệp lưu truyền muôn đời, tiền đề là người lập đức phải có đạo đức cao hơn nhiều so với người bình thường, đồng thời họ phải có chủ trương và kiến giải độc lập của riêng mình, lời giáo huấn của họ có thể lưu truyền muôn đời. Từ xưa đến nay loại người này không có mấy người.
Đến giai đoạn này lại phân thành hai hình thức, một là Thánh nhân, Giác Giả, hội tụ trí huệ của đất trời, truyền lại cho các thế hệ sau, sáng lập các tôn giáo, môn phái để người đời sau kính ngưỡng; hai là có đóng góp to lớn và tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển của nhân loại. Đến giai đoạn này đã không còn liên quan chút nào tới tiền bạc nữa, người ta chỉ thấy được thành tựu và trí huệ của họ.
Qua những tấm gương thời xưa, chúng ta thấy rằng lập đức không chỉ đơn thuần là đề cao giá trị đạo đức, mà còn phải nỗ lực trở thành người sống có đạo đức để làm tấm gương sáng cho thế hệ sau. Ca ngợi đức không chỉ là làm việc thiện mà là ca ngợi tinh thần cao thượng của người lập đức, để cho nhiều người biết và noi theo.
Ngày nay có rất nhiều người giàu làm từ thiện, nhưng họ đều dùng tiền để giải quyết vấn đề khó khăn vật chất của con người, nhưng họ lại không giúp con người trở về với giá trị đạo đức tinh thần, hành động của họ chỉ giới hạn ở giai đoạn lập công, lập ngôn mà thôi, dưới đây là một câu chuyện ngoại lệ, khiến chúng ta phải suy ngẫm:
Diễn viên Châu Nhuận Phát dùng số tiền 17 nghìn tỷ đồng để làm từ thiện, kèm theo những dòng chia sẻ rất cảm động:
“Số tiền đó vốn không phải của chúng ta. Chúng ta đi vào thế giới này bằng hai bàn tay trắng và sẽ ra đi cũng như thế/ Có biết bao người ngoài đường không cơm ăn áo mặc mà tôi lại ăn mặc sung sướng để làm gì. Tiết kiệm một đồng làm những việc có ích chẳng hay hơn sao”
Bởi vậy, muốn thành công lớn, hãy lo sống đạo đức, vị tha, nhân ái trước đã. Thành công sẽ đến.
Quốc gia nào có “chứa đựng” nhiều công dân với trái tim lớn như thế thì quốc gia đó sẽ phát triển giàu mạnh.
Nhưng người có trái tim lớn lại là người sẽ chịu khó làm những việc rất nhỏ như nhặt một chiếc rác, nhường một chỗ ngồi, khuyên một điều hay… Những việc nhỏ như thế sẽ tích lũy dần để tạo ra những con người lớn lao. Châu Nhuận Phát đã nhặt lại hộp cơm của một diễn viên khác vất bỏ để ăn, và khuyên các đồng nghiệp đừng phí phạm thức ăn. Việc rất nhỏ nhưng cần trái tim rất lớn.”
Câu chuyện của diễn viên Châu Nhuận Phát để lại cho người hiện đại về tấm gương vừa “có tài, có đức”.
Từ xưa đến nay, các bậc Thánh nhân và Giác giả cũng tuân theo Thiên ý không ngừng bồi đắp đạo đức cho nhân loại. Những bậc thầy nghệ thuật tuân theo ý chỉ của Thần, dẫn dắt nhân loại trở lại con đường nghệ thuật truyền thống. Người giàu có tài có đức, đồng thời cũng giúp Thánh Nhân, Giác Giả truyền bá đạo đức, giúp nhân loại quay trở về nghệ thuật chính thống, đây chính là phù hợp với Thiên ý, sau này mới có thể lưu lại danh tiếng ngàn thu.
Lan Hòa tổng hợp/biên tập