Giữ lời hứa là chìa khóa mở ra cánh cửa niềm tin của người khác dành cho bạn
Trong cuộc sống, hứa và thực hiện lời hứa chính là chìa khóa mở ra cánh cửa niềm tin của người khác dành cho bạn, nhưng hứa mà không làm cũng chính là con dao cắt đứt đi sợi dây niềm tin, sự uy tín của của bạn.
Nhiều người chúng ta vẫn luôn biết giữ lời hứa, giữ chữ Tín là diều quan trọng để làm nên giá trị của một con người, nhưng trong cuộc sống bon chen vội vã, trong tâm trí còn rất nhiều việc phải làm nên chúng ta thường bỏ qua hoặc lãng quên đi những lời hứa với người khác.
Nhưng bạn có biết không?, cổ nhân từng nói rằng: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”, ý là nếu một lần bạn không giữ chữ tín (lời hứa) thì sau này những người bị bạn thất hứa sẽ không còn tin tưởng lời hứa của bạn nữa, và vị trí của bạn trong lòng người khác cũng sẽ bị hạ thấp xuống.
Thực sự thì lời hứa đối với mỗi người là khác nhau nhưng đừng tùy tiện dùng nó khi bạn biết là sẽ làm cho người khác hy vọng vô căn cứ. Bạn chỉ nên hứa hẹn khi biết rằng điều mình nói chắc chắn được thực hiện.
Thực tế đã chứng minh rằng, những người thành công thường là những người coi trọng lời hứa, một khi đã nhận lời hứa với ai, cho dù lời hứa đó có thể làm họ mất mát nhiều thứ thì họ vẫn nhất quyết thực hiện bằng được. Bởi vì với những người này thì lời hứa chính là sinh mệnh thứ hai của họ.
Nhắc đến bài học về lời hứa, người ta không thể không kể đến vị tỷ phú châu Á nổi tiếng Lý Gia Thành. Chữ Tín của ông không chỉ nặng trong sự nghiệp mà còn nặng trong đời sống, nặng trong cả những giây phút hiểm nguy nhất cuộc đời.
Năm 1996, vị tỷ phú Hồng Kông đã gặp một biến cố lớn khi con trai của ông là Lý Trạch Cự bị một nhóm tội phạm bắt cóc đòi tiền chuộc. Chúng dặn ông không được phép báo cảnh sát, nếu không sẽ ngay lập tức xử lý con tin và Lý Gia Thành đã đồng ý.
Ngay khi bọn bắt cóc tới, chúng lùng sục khắp nơi vì nghi ngờ có cảnh sát đang ẩn núp xung quanh. Nhưng Lý Gia Thành chỉ nói: “Cả cuộc đời kinh doanh của tôi chẳng có thành tựu gì lớn, ngoại trừ chữ Tín trong từng lời nói của mình”. Rồi ông để mặc bọn bắt cóc tìm kiếm khắp một vòng quanh nhà, mở cửa tất cả các phòng để tự kiểm chứng không có bóng dáng cảnh sát nào gần đây.
Bấy giờ, bọn bắt cóc yêu cầu 2 tỷ đô la Hồng Kông làm tiền chuộc. Lý Gia Thành chỉ có thể gấp rút chuẩn bị một nửa số tiền đó từ ngân hàng và hứa sẽ chuyển nốt một nửa còn lại đến tận tay bọn họ sau 2 ngày. Lúc đầu, đám bắt cóc còn bán tín bán nghi, nhưng sự thật sau đó đã chứng minh rằng, dù con trai đã trở về, vị tỷ phú Hồng Kông vẫn giữ đúng lời hứa và chuyển cho họ 1 tỷ đô la còn lại.
Khi được hỏi tại sao lại hành động như vậy, Lý Gia Thành đã khẳng định: “Chữ Tín là sinh mệnh thứ hai, một khi đã mất đi thì dù có đánh đổi bao nhiêu tiền bạc và công sức cũng không thể lấy lại được. Do đó, tôi đã bằng lòng điều gì, thì nhất định tôi sẽ thực hiện điều đó đến cùng.”
Đó chính là bản lĩnh giúp cho người đàn ông này xây dựng nên cả gia tài và sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Nó đại biểu cho một phần đạo đức, một phần nhân phẩm không thể thiếu của mỗi con người.
Vào thời Đông Hán, có một vị quan đức hạnh rất tốt, tên gọi là Quách Cấp. Ông đảm nhiệm một chức quan địa phương ở một nơi. Khi ông đi tuần ở một thôn, đột nhiên có một đám trẻ chạy đến trước mặt, nói với Quách Cấp: “Thưa đại nhân, lần sau khi nào ngài lại đến ạ”.
Quách Cấp tính thời gian, sau đó nói với đám trẻ, vào ngày đó năm đó ta sẽ lại đến nơi này. Ông nói xong, đám trẻ liền tiễn ông đi. Lần sau, Quách Cấp lại đến nơi này để đi tuần, có sớm hơn một ngày so với thời gian đã hẹn với đám trẻ, ông đã đến sớm hơn một ngày.
Quách Cấp liền nói với người hầu, hôm nay chúng ta không được vào, vì Quách Cấp đã thất tín với đám trẻ thế này, nên ông đứng ở chòi hoang ngoài thôn đợi một đêm, đến sáng ông mới vào trong thôn, còn đám trẻ đó đều đã đợi ông ở đó.
Quách Cấp đã làm được già trẻ đều phải tôn trọng, dù con trẻ có nhỏ đi nữa, cũng không muốn thất tín với chúng. Cho nên, Quang Vũ Đế vô cùng khen ngợi đức hạnh của ngài Quách, phong ngài là “Chí Tín”, uy tín của ông đã đạt đến cực điểm.
Có thể nói, giữ lời hứa là một trong những việc làm khó khăn nhất của con người. Trước khi hứa phải suy nghĩ cẩn thận, xem mình có đủ khả năng để thực hiện lời hứa đó hay không và đã hứa thì phải giữ, nếu không thực hiện được thì phải gánh chịu hậu quả, không được che dấu, lờ đi hoặc đổ lỗi cho người khác.
Việc giữ lời hứa không chỉ chứng minh rằng bạn là người đáng tin cậy mà còn chứng minh bạn rất đáng để người khác ủy thác trách nghiệm. Còn nếu không giữ lời hứa, người khác sẽ không những không tin tưởng bạn mà còn xa lánh bạn.
Người xưa có câu: “Nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay”. Câu nói này mang ý nghĩa khẳng định tầm quan trọng của việc giữ đúng lời hứa, cũng là giữ đúng chữ Tín cho tất cả những lời nói và hành động của mình.
Một khi đã hứa thì nhất định phải làm, còn nếu không làm được thì đừng nên nói ra để không ảnh hưởng niềm tin của những người xung quanh. Lời hứa trong cuộc sống không chỉ là sự tôn trọng dành cho người khác mà đó còn là tôn trọng danh dự của chính mình.
Biên tập: Quy Chân