Hàng xóm qua đời để lại 2 đứa con đỏ hỏn, người phụ nữ mang về nuôi quên cả chuyện lấy chồng
Cuộc đời có những mâu thuẫn kì lạ, trong khi một số người mẹ nhẫn tâm bỏ con ruột còn nguyên dây rốn của mình ở hố ga, bụi rậm thì có người đàn bà sẵn sàng lại nhận nuôi cả hai “con tu hú“ của người ta như máu mủ, đến mức chẳng tha thiết gì đến hạnh phúc riêng.
Đó là câu chuyện của chị Ngọc – năm nay 53 tuổi, sinh ở huyện Gò Công Đông, Tiền Giang – theo cha mẹ lên ở Xóm Than bên sông Sài Gòn tại Q.2 (TP.HCM). Xóm Than thuở ấy là xóm nghèo, cha mẹ chị Ngọc làm thuê làm mướn nuôi một bầy 14 con. Là con thứ 9, chị Ngọc học đến lớp 2 cũng nghỉ học mưu sinh, ai thuê gì làm nấy.
Lúc ấy, gần bên phòng trọ của chị Ngọc có đôi vợ chồng trẻ quê Phú Thọ. Chồng buôn phế liệu, vợ bán vé số. Họ đến xóm trọ nghèo một thời gian rồi sinh con trai đầu lòng. “Cha nó đặt tên nó là Lương Phước Đạt.” còn gọi là thằng Tí. Chị Ngọc vẫn nhớ thằng Tí sinh ở bệnh viện Q.2, ba mẹ nó trốn viện mang con về. Cái nghèo chẳng ngăn nổi đứa con thứ 2 tiếp tục được hoài thai chỉ hơn 1 năm sau đó, 2 vợ chồng dắt díu nhau khám ở bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ khuyên bỏ cái thai bởi bệnh tim người mẹ nặng, việc sinh nở rất nguy hiểm “Nhưng mẹ thằng Tí nói thôi đời khổ rồi, mẹ chết cho con sống cũng được. Ai ngờ cổ nói vậy mà sinh thằng Bin xong, trốn viện về được đúng 2 tuần thì chết thật.” – chị Ngọc kể..
Đứa con thứ 2 là thằng Bin, đặt tên Lương Đạt Phát. Cái tên như nỗi đau đáu của cha mẹ vào một cuộc sống khấm khá hơn.
Ngày mẹ 2 đứa trẻ lìa đời, cả xóm trọ chung tay lo đám tang từ áo quan cho đến phí hỏa táng. 3 ngày sau đám tang, cha 2 đứa ôm bình tro của vợ bỏ đi lặng lẽ chẳng để lại 1 lời. Mọi người chỉ phát hiện ra khi tang tảng sáng, nghe tiếng thằng Tí khóc to quá, hàng xóm đổ qua xem thì thấy cửa khóa bên ngoài nên xúm vào phá cửa. Thằng Tí khóc khản giọng, còn thằng Bin lúc này chưa đầy tháng, người tím tái. Mẹ chị Ngọc pha sữa bột nhỏ vào miệng thằng Bin một hồi nó mới khóc được.
Việc người cha bỏ hai đứa con được báo chính quyền. Rồi chị Ngọc nhận nuôi luôn hai đứa trẻ. Lúc đó chị Ngọc chưa lấy chồng, phụ quán bán bánh canh để nuôi mẹ. Và chị nuôi thêm con của người ta. 3 năm sau thì mẹ mất, chị Ngọc vừa nuôi 2 đứa trẻ vừa lo cha đứa trẻ quay về “đòi” lại, nhưng kể cả thế, chị vẫn sẽ giao bởi “máu mủ người ta mà”.
Nhưng người cha mãi không thấy tăm hơi. Chị Ngọc chẳng hờn trách gì, mặc kệ những lời ong ve xung quanh bảo chị nuôi con tu hú làm gì cho phí công: “Sáng sớm, tui ngủ dậy thấy con mình nằm ngủ đó là đã thấy vui một ngày rồi”.
Thương con, chị Ngọc quên bẵng cả chuyện mình cũng cần 1 tấm chồng.
Người lao động nghèo, sấp mặt vào cơm áo ngẩng lên thì trời đã tối khuya. Thời gian trôi tới khi khi thằng Tí đến tuổi đi học, chị mới biết… muốn đi học phải có giấy khai sinh. Một lần chị đi đổ cát thuê, ông chủ thấy hoàn cảnh thương quá nên cho chị Ngọc… mượn giấy khai sinh của hai đứa cháu ngoại con bà chị ruột ông ta cũng bằng tuổi thằng Tí, thằng Bin. Rồi ông chủ ấy cầm tờ khai sinh này đi xin cho hai con chị Ngọc nhập học.
Trẻ con nghèo khó thì sớm khôn. Thằng Tí đến trường với giấy khai sinh mượn cho đến hè năm lớp 6, nó quyết định nghỉ học ở nhà đi làm kiếm tiền mặc mẹ nó ngăn cản. Tí đi bán vé số được hai tháng thì ông chủ công ty sản xuất áo phao thấy nó có vẻ thông minh lanh lợi nên nhận vào làm trong xưởng với mức lương tốt. Còn thằng Bin, vẫn tờ giấy khai sinh mượn mà nay đang học lớp 4.
Chị Ngọc chưa bao giờ giấu hai con về chuyện tụi nó là con nuôi. Nhưng tụi nhỏ lại luôn cho là mẹ… đùa. Cho đến tháng 3 vừa qua, khi chị nghiêm túc đưa ra tấm ảnh thẻ của người mẹ ruột- kỷ vật duy nhất còn sót lại của cha mẹ chúng. Chị sợ 1 ngày bản thân chẳng may gặp chuyện thì khổ cho các con mờ mịt về nguồn gốc của mình.
Thằng Tí khóc một hồi thì gạt nước mắt chạy đi xin ứng ông chủ 300.000 đồng. Việc đầu tiên là rửa ảnh mẹ ruột nó đặt lên góc tủ phòng trọ mà thờ, rồi nó lặn lội mua nửa con vịt, mấy trái quýt đường về thắp nhang làm bữa giỗ đầu tiên cho người mẹ sau 12 năm qua đời mà nó không hề nhớ mặt…
Cúng mẹ ruột xong, nó lại ôm chặt mẹ nuôi. Người mẹ đã che chở chúng lúc ngặt nghèo nhất chẳng chút do dự, người đã nhận nuôi và coi chúng như con ruột dù chẳng một tấm giấy tờ chứng minh, người đã kệ cho tuổi xuân qua đi cuốn phăng cả hạnh phúc riêng để lo cho chúng bữa ăn giấc ngủ. Cuộc sống có những câu chuyện khiến người ta đọc mà ngán ngẩm khi chứng kiến sự độc ác nhẫn tâm của con người, nhưng cũng có những mẩu chuyện đời nho nhỏ như của chị Ngọc- sưởi ấm người ta khi biết: thì ra còn tồn tại những tấm lòng nhân hậu đến phi thường như vậy.
Đăng Dũng biên tập
Nguồn: xaluan.com