Hạnh phúc đâu ở nơi xa, khoan dung tất cả ấy là niềm vui
Khoan dung được ví như một sợi dây vô hình nối trái tim với trái tim, làm cho cuộc sống giàu tình thương, xã hội hoà bình, thân ái. Thế cho nên, Phật mới dạy rằng: “Tài sản quý giá nhất của đời người chính là lòng khoan dung”.
Một buổi tối nọ có một vị thiền sư già đi dạo trong thiền viện, chợt trông thấy một chiếc ghế dựng sát chân tường nơi góc khuất. Đoán ngay ra đã có chú tiểu nghịch ngợm nào đó làm trái quy định vượt tường trốn ra ngoài chơi, nhưng vị thiền sư không nói với ai, mà lặng lẽ đi đến, bỏ chiếc ghế ra rồi quỳ xuống đúng chỗ đó.
Một lúc sau, quả đúng có một chú tiểu trèo tường vào. Khi đặt chân xuống, chú tiểu mới kinh ngạc khi phát hiện ra dưới đó không phải là chiếc ghế mà là vai thầy mình, vì quá hoảng sợ nên không nói được gì, đứng im chờ nhận được những lời trách cứ và cả hình phạt nặng nề.
Không ngờ vị thiền sư lại chỉ ôn tồn nói: “Đêm khuya sương lạnh, con mau về thay áo đi”. Sự khoan dung của vị thiền sư già đã khiến chú tiểu suốt đời không quên được bài học đó. Nhất là đối với cuộc sống, công việc và học tập của con trẻ, việc khoan dung đem lại hiệu quả vượt trội hẳn so với việc áp dụng bất kỳ hình phạt nào.
Thậm chí, khoan dung với người cũng chính là khoan dung với mình, giải thoát mình khỏi những sự giận dữ, căm tức, hận thù, tranh chấp…, nhờ đó mà cân bằng được cuộc sống của mình.
Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). “Chiến Quốc sách” kể rằng, Tín Lăng Quân đánh bại quân Tần, cứu được Hàm Đan, bảo toàn được nước Triệu, cho nên Triệu Vương tự mình thân chinh đến vùng ngoại ô nghênh đón ông. Đường Tuy bảo Tín Lăng Quân rằng: “Tôi từng nghe người ta nói: Có chuyện không thể biết, có chuyện không thể không biết, có chuyện không thể quên, có chuyện lại không thể không quên”.
Tín Lăng Quân hỏi: “Như vậy ý tứ là thế nào?”.
Đường Tuy trả lời: “Người ta căm hận ta, việc như thế này không thể không biết. Nếu ta phụ lòng người khác, như thế ta cần phải tìm cách bồi thường cho họ. Căm giận người ta, tâm thái như thế thì không nên có, cần dùng lòng khoan thứ mà hóa giải.
Nhưng trong lúc hóa giải, không nên đồn đại khắp nơi mà mang đến cho người khác sự quấy nhiễu và khẩn trương. Người ta có ân đức với mình, việc như thế không thể quên, cần cảm ơn báo đáp. Mình có ân đức với người ta, việc như thế không thể không quên, nếu không sẽ làm chính mình và người ta phải chịu áp lực lớn.
Bây giờ ông đã đánh bại quân Tần, cứu được Hàm Đan, bảo toàn được nước Triệu, đó là ân đức rất lớn đối với họ! Triệu Vương tự mình đến ngoại ô nghênh đón ông, gặp Triệu Vương, chỉ mong ông quên cái ân đức của mình đi!”. Tín Lăng Quân nói: “Tôi nhất định cẩn thận nghe theo lời Ngài dạy bảo!”.
Người xưa chú trọng vào tu thân dưỡng tính, lúc nào cũng chú trọng kiểm tra lại bản thân mình, đồng thời có thể dùng lòng khoan dung mà lượng thứ cho khuyết điểm của người khác. Điều đó không chỉ khiến cho đức hạnh của bản thân mình có thể nâng cao lên mà còn có thể cảm hóa, thiện hóa người khác.
Người xưa chú trọng vào tu thân dưỡng tính, lúc nào cũng chú trọng kiểm tra lại bản thân mình. Với kẻ thành tín, lấy thành tín mà đãi, với kẻ không thành tín vẫn lấy thành tín mà đãi. Nghĩ kỹ thêm mới thấy, hai chữ khoan dung thốt ra nhẹ nhàng biết bao nhiêu mà thực hành lại nặng nề bấy nhiêu, bởi nếu lòng dạ hẹp hòi thì không chứa nổi hai chữ ấy.
Khoan dung, với giá trị sâu sắc của nó, được ví như một sợi dây vô hình nối trái tim với trái tim, làm cho cuộc sống giàu tình thương, xã hội hoà bình, thân ái. Dù vậy, chúng ta không nên cho rằng khoan dung là nhân nhượng, là chùn bước, dễ dàng đầu hàng cái xấu, cái ác. Khoan dung chính là cảnh giới của người quân tử.
Thế cho nên, Đức Phật mới dạy rằng: “Tài sản quý giá nhất của đời người chính là lòng khoan dung”.
Khi Mahatma Gandhi quyết tâm đòi quyền lợi cho dân Ấn, ngài vẫn có lòng khoan dung trước những hành vi quá quắt của thực dân Anh. Ngài nói: “Vì điều xấu ác chỉ có thể được duy trì bởi bạo lực, điều quan trọng là tất cả mọi hoạt động bạo lực đều phải từ bỏ.Nếu chúng ta đáp trả bạo lực bằng bạo lực thì những nhà lãnh đạo tương lai của chúng ta chẳng qua cũng được đào tạo trong môi trường bạo lực.Nếu cứ ăn miếng trả miếng thì đất nước mà chúng ta giành lại được chỉ là một xứ sở mù lòa”.
Có thể nói Gandhi đã thực hành đúng lời Phật dạy: “Oán trả oán, oán ấy chồng chất, lấy ân trả oán, oán ấy tiêu tan”. Trong cuộc sống mười phần thì bảy, tám phần là không như ý, hãy biến nghịch cảnh của mình thành mùa xuân thì chúng ta đi đến nơi đâu cũng có bạn hiền, càng khoan dung thì chúng ta càng trở nên vĩ đại cho nên người xưa dạy : Rộng lớn nhất thế giới là đại dương, rộng lớn hơn cả đại dương là bầu trời, rộng lớn hơn cả bầu trời chính là lòng từ bi.
Biên tập: Quang Minh