Hiểu biết không đủ thì lo nghĩ, uy thế không đủ thì giận dữ
Một người mà hiểu biết không đủ thì trong lòng không có chủ kiến, làm việc thường trông trước ngó sau, sẽ lo lắng nghĩ ngợi quá mức, bị rơi và trạng thái lo nghĩ sợ hãi rối bời.
Người xưa đã tổng kết ra những câu nói trí tuệ, đem lại hiệu quả cho hành động, có tính gợi mở và cảnh báo đối với người đời sau, thế nên được lưu truyền rộng rãi qua nhiều đời. Bộ sách Ngũ Chủng Di Quy của Đông các Đại học sĩ Trần Hoằng Mưu đời Thanh chính là bộ sách như vậy, trong đó có những câu như sau:
Tài năng không đủ thì mưu toan lắm, hiểu biết không đủ thì lo nghĩ nhiều.
Uy thế không đủ thì giận dữ lắm, chữ tín không đủ thì nói năng nhiều.
Dũng cảm không đủ thì nhọc sức lắm, sáng suốt không đủ thì xem xét nhiều.
Lý lẽ không đủ thì biện giải lắm, tình cảm không đủ thì nghi thức nhiều.
“Tám điều không đủ” này dường như bao quát các loại nguyên do khốn khổ cầu mà không được trong đời sống của con người.
1 – Tài năng không đủ thì mưu toan lắm
Người tài năng không đủ, gặp sự việc thì không có phương pháp, nên sẽ nhọc sức mưu toan tính toán.
Tài năng chính là sự tích lũy thông qua việc nâng cao phẩm đức và tài học, thì mới có thể có năng lực phán đoán quyết đoán sáng suốt phân biệt thị phi thẳng vẹo.
2 – Hiểu biết không đủ thì lo nghĩ nhiều
Một người mà hiểu biết không đủ thì trong lòng không có chủ kiến, làm việc thường trông trước ngó sau, sẽ lo lắng nghĩ ngợi quá mức, bị rơi vào trạng thái lo nghĩ sợ hãi rối bời.
Tuy nhiên hiểu biết chỉ là một loại phẩm chất đến từ học thức bản thân và sự rèn luyện mài giũa trong cuộc sống, cũng là dấu hiệu đánh giá năng lực phân biệt của cá nhân.
3 – Uy thế không đủ thì giận dữ lắm, chữ tín không đủ thì nói năng nhiều
Người có uy thế thì không cần nổi giận cũng tự đã oai nghiêm.
Uy tín không đủ thì không khiến mọi người phục được, làm việc thường nóng nảy nổi giận, vọng tưởng như thế sẽ có uy thế lấn át đối phương, nhưng lại bộc lộ ra sự bất tài và thiếu phẩm đức của họ.
Hàn Phi Tử cũng có viết: “Vua giận giữ nhiều thì thích dùng binh”. Quân chủ hay giận dữ thường thiếu lý trí thiếu uy đức, thích thể hiện mình là kẻ hơn nên thích dùng quân sự chinh chiến.
Nhìn từ góc độ Đông y, hay giận dữ là một loại bệnh thái. Đông y nói: “Người nhiều âm thì hay giận dữ”; “thể chất hư nhược thì hay giận dữ”; “Mộc khí không sung mãn thì hay giận dữ”.
Phẩm đức cao nhất là như nước mà Lão Tử nói, tự nhiên có thể thiện hóa người khác, thiện hóa mâu thuẫn. Nổi giận trái lại sẽ khiến đối phương tăng oán hận, là gieo mầm họa cho bản thân.
4 – Chữ tín không đủ thì nói năng nhiều
Nhìn từ quan niệm người hiện nay, người có chữ tín sẽ giảm được giá thành trao đổi bàn bạc, thành tín chính là thương hiệu cá nhân.
Trái lại, người thiếu chữ tín thì dẫu lời hay ý đẹp nói hết, quà cáp tặng khắp nơi, vẫn khiến người ta liên tưởng đến những kẻ bịp bợm bán hàng đa cấp.
Thế nên, người không đủ chữ tín thì phải khua môi múa mép, thậm chí lời ngon tiếng ngọt để thuyết phục đối phương.
Trong Chu Dịch có viết: “Người tốt lành ít nói năng, người bộp chộp lời lẽ lắm, người gièm pha người tốt thì nói hoa mỹ”. Người có đức tính tốt đẹp, thường làm nhiều việc mà nói ít. Người nông nổi thì nói nhiều. Người gièm pha nói xấu người tốt thì giả bộ qua lại hai bên, nói lời hoa mỹ mà không thực chất.
Trong bài văn “Cao ngạo đa ngôn, hung hăng thất bại”, Tăng Quốc Phiên cũng tổng kết:
Từ xưa đến nay, mọi người cho rằng do phẩm đức không tốt mà dẫn đến thất bại thì đại thể có 2 phương diện:
“Thứ nhất là cao ngạo, thứ hai là đa ngôn”, nhìn khắp những công khanh đại thần nổi danh trong lịch sử, “đa phần mạng mất nhà tan đều bởi hai điều này”.
5 – Dũng cảm không đủ thì nhọc sức lắm
Dũng là một năng lực và mỹ đức, đối diện với những biến hóa của gió mưa cuộc đời vẫn kiên trì giữ vững lương tri và bổn phận, vững vàng không khuất phục.
Khổng Tử nói: “Người nhân ắt có dũng, người dũng chưa chắc có nhân”.
Dũng mà vô đức thì chính là cái dũng của kẻ thất phu, bất chấp hậu quả vì không khống chế được tâm trạng, thế nên trái lại, đây chính là một loại yếu đuối bất lực.
Sợ hãi và dũng cảm là hai thái cực trái ngược, sẽ sinh ra thái độ hoàn toàn trái ngược.
6 – Sáng suốt không đủ thì xem xét nhiều
Sáng suốt là trí tuệ sắc bén và có tầm nhìn xa trông rộng. Trong sách Mạnh Tử có viết: “Sáng suốt đủ để xem xét việc nhỏ như đầu sợi lông tơ”. Có thể quan sát được những phán đoán lý tính nhỏ bé nhất, đó chính là sáng suốt.
Câu danh ngôn của Tăng Quốc Phiên “Sáng suốt rồi quyết đoán gọi là ‘anh đoán’, không sáng suốt mà quyết đoán gọi là ‘võ đoán'”, cũng là đạo lý “Sáng suốt không đủ thì xem xét nhiều”.
7 – Lý lẽ không đủ thì biện giải lắm
Trong cuộc sống, người càng không có lý lẽ thì càng thích tranh luận biện giải, thậm chí cãi chày cãi cối bằng được.
Khổng Tử nói: “Trời đâu cần nói gì mà tứ thời vận hành, vạn vật sinh sôi. Trời đâu cần nói gì”; “Người nói năng khéo léo, nét mặt tươi cười lấy lòng người, thì hiếm khi có lòng nhân”.
Tứ thời vận hành, vạn vật sinh trưởng, Trời đâu cần nói gì đâu, không nói mà thành công.
Những người mồm mép khéo léo thì rất ít thiện tâm. Bậc chính nhân quân tử chân chính thì trực ngôn, sắc mặt đoan chính.
8 – Tình cảm không đủ thì nghi thức nhiều
Lễ nghi là quy phạm hành vi đối nhân xử thế của con người, cũng là cự ly xã giao an toàn.
Tuy nhiên, giữa những người thân cận thì luôn luôn chân thành thẳng thắn với nhau.
Trong bài thơ “Tích vũ Võng Xuyên Trang tác”, Vương Duy có viết: “Ta lão nhà quê đâu chiếm chỗ, vì sao âu biển cứ nghi ngờ?”
Nếu giữa bạn bè thân thích đều khách khí, lễ nghi thì đó là biểu hiện của sự xa cách, tình cảm lạnh nhạt.
Con người vốn không biết đủ, nên thường thở than mình gặp cảnh ngộ bất hạnh.
Người xưa đều đã trải qua những chuyện không như ý nguyện: “Ta vốn có tâm hướng minh nguyệt, minh nguyệt lại soi chiếu rãnh ngòi”.
Đây cũng chính là lời than thở thiên cổ của Tô Thức: “Người có bi hoan ly hợp, trăng có tròn khuyết tỏ mờ, việc này xưa nay khó vẹn toàn”.
Luận 10 thắng 10 bại
Trong Tam Quốc Chí có viết, trước trận Quan Độ lấy yếu thắng mạnh, Tào Tháo có chưa đầy 2 vạn quân đối địch với 10 vạn tinh binh của Viên Thiệu. Mưu sĩ Quách Gia với khả năng quan sát nhận biết người siêu việt, đã đề xuất “Thập thắng thập bại luận” (luận về 10 thắng 10 bại), đã cổ vũ sĩ khí mạnh mẽ.
Quách Gia nói với Tào Tháo rằng: “Viên Thiệu có 10 nhân tố chiến bại, còn ngài có 10 ưu thế tất thắng. Vì vậy cho dù Viên Thiệu binh nhiều nhưng không thể làm gì ngài được.
Thứ nhất: Đạo thắng. Viên Thiệu lễ nghi rườm rà, thường bị vướng vào hình thức. Tào Công thuận ứng tự nhiên, đó là Đạo thắng ông ta.
Thứ hai: Nghĩa thắng. Viên Thiệu dấy binh với danh nghĩa phản nghịch nhà Hán. Tào Công dấy nghĩa phục hưng nhà Hán mà chinh phạt, đó là Nghĩa thắng ông ta.
Thứ ba: Trị thắng. Viên Thiệu quản lý quá lỏng lẻo, thiếu sự răn đe. Tào Công quản lý quân nghiêm khắc, trên dưới đều theo phép tắc, đó là Trị thắng ông ta.
Thứ tư: Độ thắng. Viên Thiệu bề ngoài khoan hồng nhưng trong tâm thường nghi kỵ, dùng người nhưng vẫn nghi ngờ, trọng dụng con em thân thích. Tào Công dùng người không nghi, dùng người không hỏi xa gần, chỉ cần có tài là sử dụng, đây chính là thắng ông ta ở sáng suốt và khí độ.
Thứ năm: Mưu thắng. Viên Thiệu đa mưu lại thiếu quyết đoán, thường sau khi sự việc xảy ra mới ý thức được sách lược cần sử dụng, rất dễ mắc bỏ lỡ thời cơ chiến đấu. Tào Công quyết sách quả đoán, ứng biến vô cùng, đó là mưu lược thắng ông ta.
Thứ sáu: Đức thắng. Viên Thiệu nhiều đời làm công khanh, thích được tâng bốc, vì vậy những người theo ông ta đa phần đều giỏi xu nịnh. Tào Công chân thành đối đãi người, không màng hư danh, thưởng phạt phân minh, vì vậy những người trung chính, chân tài thực học đều nguyện dốc sức vì ngài, đó là thắng ông ta về đức hạnh.
Thứ bảy: Nhân thắng. Viên Thiệu thấy người đói rét thì thương xót thể hiện rõ ra mặt, nhưng khi không nhìn thấy người khốn khổ thì ông ta không nghĩ đến, đây là lòng nhân của đàn bà. Tào Công trước việc nhỏ trước mắt thì có lúc bỏ qua, còn việc lớn, thi ân cho mọi người đều vượt ngoài sự mong đợi của họ, suy nghĩ chu đáo, không ai là không được chu tế, đó là thắng ông ta về nhân chính.
Thứ tám: Minh thắng. Viên Thiệu không biết dùng người, đại thần tranh quyền, sàm ngôn hỗn loạn. Tào Công dùng người có phương pháp, dùng Đạo chế ngự, đó là thắng ông ta về minh trí.
Thứ chín: Văn thắng. Viên Thiệu không phân biệt rõ đúng sai, thưởng phạt không minh bạch. Tào Công đối với người và việc đúng đắn thì dùng lễ nghe theo, đối với người và việc sai lầm thì dùng phép tắc quy chính, đó là thắng ông ta về văn trị.
Thứ mười: Võ thắng. Viên Thiệu thích thanh thế hư danh, dùng binh không đắc được yếu lĩnh. Tào Công lấy ít thắng nhiều, dùng binh như Thần, tướng sĩ đều ngưỡng mộ và dựa vào ngài, quân địch đều sợ hãi ngài, đó là thắng ông ta về võ lược.
Từ những lần quyết đoán có tính bước ngoặt trong trận Quan Độ có thể thấy là trận quyết đấu về đức hạnh, tầm nhìn và tấm lòng của Tào Tháo và Viên Thiệu ở mức độ lớn.
Người ta thường nói “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, chỉ cần tận tâm tận lực thực hiện, sau đó thản nhiên đối diện, không hạn cuộc vào được mất nhất thời trước mắt. Quá trình tôi luyện trân quý này chính là tài sản của đời người. Sau khi chúng ta có đủ duyệt lịch và tầm cao, quay đầu nhìn lại, mới có thể thể nghiệm được, có thể làm được tất cả thuận theo tự nhiên, vì đó là sự an bài hoàn mỹ nhất mà Thượng Thiên đã làm cho con người.
Hoàng Mai/NTD.com/Dịch
Theo SOH