Huyền thoại Trương Tăng Diêu – Phần 1: Kỳ tích “Vẽ rồng điểm mắt”
Trương Tăng Diêu giỏi vẽ rồng, chim ưng, hoa cỏ, trong đó công phu khiến mọi người thích thú nhất chính là vẽ rồng. Rồng ông vẽ có thể xứng gọi là “Thần diệu”. Câu thành ngữ “Vẽ rồng điểm mắt” chính là từ Trương Tăng Diêu mà ra…
Trương Tăng Diêu (479 – ?) là người Ngô Trung (Giang Tô, Tô Châu ngày nay) triều Lương thời Nam Bắc Triều. Những năm Thiên Giám (502 – 519) đời Lương Võ Đế, ông làm Vũ Lăng Vương Quốc thị lang, chủ trì hội họa ở Mật các cung đình. Ông đã làm các chức Hựu quân Tướng quân, Ngô Hưng Thái thú.
Hết ngày dài lại đêm thâu không lúc nào nhàn
Cả đời Trương Tăng Diêu khổ học. Sách Tục họa phẩm (Bình phẩm hội họa) ghi chép, ông “suốt ngày dài lại đêm thâu chưa bao giờ mệt mỏi, duy chỉ làm việc công mà không nói đến việc tư, tay không rời bút. Trong mấy chục năm, không có lúc nào nhàn rỗi”.
Có thể thấy Trương Tăng Diêu tay không lúc nào rời bút, coi đêm là ngày, hết ngày dài lại đêm thâu, nỗ lực vẽ tranh, mà lại không cảm thấy mệt mỏi. Bởi ông đã khổ công như thế, nỗ lực không ngừng như thế, do đó ông vẽ tranh về Đạo, Phật, nhân vật, rồng, ngựa… không bức nào không tinh xảo, hơn nữa đại đa số là tranh cuốn và bức họa. Ông cùng Cố Khải Chi, Lục Thám Vi và Ngô Đạo Tử đời Đường được tôn xưng là “Họa gia tứ tổ” (4 ông tổ hội họa).
Mẫu mực bích họa trên tường ngôi chùa
Lương Võ Đế là vị hoàng đế tôn sùng Phật giáo, mà Trương Tăng Diêu lại là họa sĩ vẽ tranh Phật được Lương Võ Đế coi trọng nhất, vì thế hễ có chùa nào thờ Phật cần trang sức hoặc tô điểm thì đều nhờ Trương Tăng Diêu làm. Tranh bích họa vẽ rất nhiều rồi thì bất tri bất giác ông cũng đã có thủ pháp và phong cách riêng của mình. Vì phong cách của ông độc đáo nên mọi người gọi ông là “kiểu Trương gia”. Kiểu Trương gia này không chỉ là mẫu mực của giới điêu khắc và giới vẽ tranh bích họa đương thời mà còn là một dạng thức vẽ tranh bích họa ở các chùa chiền cổ đại thường dùng, cùng với “kiểu Tào gia” của Tào Trọng Đạt đời Bắc Tề, “kiểu Ngô gia” của Ngô Đạo Tử đời Đường.
Nghệ thuật hội họa của Trương Tăng Diêu đạt đến mức kiệt xuất, ông biết cách tiếp thu sở trường của nghệ thuật nước ngoài, Trương Tăng Diêu đã sử dụng kỹ thuật sfumato (hòa sắc màu) lồi lõm của nước Thiên Trúc, lợi dụng các sắc màu đậm nhạt để vẽ mặt sáng tối của vật thể, khiến bức vẽ phẳng (2D) trở thành hình tượng lập thể (3D). Vì vậy nhân vật và các bức tranh tượng Phật, sơn thủy, hoa cỏ dưới nét bút của ông đều sống động như thực, khiến người xem ca ngợi là tuyệt đỉnh. Tương truyền có câu chuyện kể như sau:
Một lần Lương Võ Đế suy nghĩ phong đất cho các vương ở ngoài triều đình nên lệnh cho Trương Tăng Diêu vẽ tranh chân dung các vương. Không phụ ủy thác của Lương Võ Đế, Trương Tăng Diêu đã vẽ từng vị vương đều tinh xảo sống động và rất mực truyền thần. Lương Võ Đế xem tranh mà thấy giống như đang được gặp các vương vậy, lòng vô cùng vui mừng ca ngợi tranh của ông là “xem tranh như gặp mặt”.
Chùa Nhất Thừa biến thành chùa Ao Đột (lồi lõm)
Sách Kiến Khang Thực lục (Ghi chép việc thực ở thành Kiến Khang, tức Nam Kinh) của Hứa Tung đời Đường có viết rằng, có ngôi chùa Nhất Thừa do Thiệu Lăng Vương – Vương Luân đời Lương xây dựng, cổng chùa có vẽ Hoa Ao Đột (lồi lõm), tương truyền do đích thân Trương Tăng Diêu vẽ. Kỹ pháp mà Trương Tăng Diêu sử dụng là kỹ thuật sfumato của Thiên Trúc. Ông dùng chu sa và màu lục, thiên thanh để vẽ, từ xa trông thấy lồi lõm rất tinh tế, vô cùng sống động, có cảm giác lập thể, đến gần thì mới thấy là phẳng. Bức tranh này do đó đã trở thành nét đặc sắc của ngôi chùa, mọi người cảm thấy không thể tưởng tượng nổi, nên kể từ đó mới gọi chùa Nhất Thừa thành chùa Ao Đột (lồi lõm).
Kỹ pháp vô cốt (mogu): tranh sơn thủy vô cốt
Trương Tăng Diêu còn tiến thêm một bước nữa, đem kỹ pháp sfumato của Thiên Trúc hòa hợp với kỹ pháp hội họa truyền thống Trung Quốc, đã sáng tạo ra “kỹ pháp vô cốt”, và trở thành sư tổ của kỹ pháp vô cốt (mogu). Ông vẽ núi, đá không cần vẽ hình dáng bao quanh, hoàn toàn dùng các lớp màu vẽ ra bản thể của dãy núi, đá, cây, sau đó lại vẽ ra gò đồi, hốc đá, vách đá, non xa nước gần…
Bức tranh Tuyết Sơn Hồng Thụ Đồ (cây đỏ núi tuyết) chính là dùng kỹ pháp này vẽ ra. Khung cảnh bức tranh là tuyết tích dày, những dãy núi ngoằn ngoèo uốn lượn rất hồn hậu nối tiếp nhau, tuy mềm mại tinh xảo nhưng rất khí thế. Đưa tầm mắt lại gần thì cảnh tượng đầy sức sống. Ngôi nhà trong núi có người ngồi dựa lan can, dường như biết trước có người lữ khách sắp đến, dáng vẻ nhàn nhã chờ đợi. Ở giữa những dãy núi là một cây cầu khá bề thế, có người lữ khách đang cưỡi lừa chậm rãi qua cầu. Phía sau là một người hầu rất vất vả, vừa phải trông coi hành lý, lại vừa phải xem xét hành trình. Có lẽ họ là những người mà người ở sơn trai kia đang ân cần, nhẫn nại chờ đợi.
Bầu bạn với nhóm nhỏ lữ hành này suốt dọc đường là một thế giới trắng như bạc. Trong thế giới bao phủ bởi băng tuyết này, thành ý thuần phác và tình cảm nồng hậu giữa người với người vẫn đang lặng lẽ lan tỏa. Sắc núi tuyết trắng phau và màu lá cây đỏ đan xen phản chiếu lẫn nhau, tạo ra sự vui vẻ tươi sáng, ngắm bức tranh này khiến lòng người rộng mở, quét sạch tục khí chốn hồng trần.
“Vẽ rồng điểm mắt”: câu thành ngữ do tài vẽ của Trương Tăng Diêu mà ra
Trương Tăng Diêu giỏi vẽ rồng, chim ưng, hoa cỏ, trong đó công phu khiến mọi người thích thú nhất chính là vẽ rồng. Rồng ông vẽ có thể xứng gọi là “Thần diệu”. Câu thành ngữ “Vẽ rồng điểm mắt” chính là từ Trương Tăng Diêu mà ra.
Theo sách Lịch đại danh họa ký, quyển 7 có chép rằng, vào một năm, Trương Tăng Diêu vẽ 4 con rồng trên tường ngôi chùa An Lạc ở Kim Lăng, con nào cũng sinh động, xuất thần. Rất nhiều khách hành hương và du khách nghe được chuyện này liền tới tấp đến xem, ai nấy đều ca ngợi không dứt. Nhưng rất nhiều người cảm thấy những con rồng này tuy được vẽ sinh động như thực, dường như sắp bay lên trời bất cứ lúc nào, nhưng vẫn còn chút khiếm khuyết là cả 4 con rồng đều không vẽ mắt. Thế là có người mời Trương Tăng Diêu điểm thêm mắt cho rồng. Ai ngờ Trương Tăng Diêu nói: “Nếu vẽ thêm mắt thì rồng sẽ bay mất”.
Mọi người cảm thấy ông nói quả là hoang đường, hoàn toàn không tin, cứ một mực yêu cầu ông điểm thêm mắt cho rồng. Ông từ chối không được, cuối cùng ông đành vẽ thêm mắt cho 2 con rồng. Ông vừa vẽ xong không lâu sau thì trời bỗng tối sầm, sấm vang chớp giật, mưa gió mịt mù. Đúng lúc ấy, có hai con rồng lớn phá vách tường vọt lên không trung, cưỡi mây bay lên trời. Dân chúng đứng xem đều ngây người đờ đẫn nhìn theo. Sau đó quay đầu nhìn lại, 2 con rồng không vẽ mắt kia thì vẫn còn nguyên đó trên bức tường.
(Còn tiếp…)
Hoàng Mai (biên dịch)
Tác giả: Trịnh Hành Chi
Nguồn epochtimes.com