Khám phá lại bản chất thuần chân tốt đẹp của chúng ta qua tác phẩm kinh điển “Tam Tự Kinh”
“Tam Tự Kinh” là tác phẩm kinh điển nổi tiếng nhất thời Trung Quốc cổ đại dành cho trẻ em, được viết bởi Vương Ứng Lân (1223 – 1296) vào thời nhà Tống, tác phẩm được nhiều thế hệ người Trung Quốc từ già đến trẻ học thuộc lòng. Cho đến những năm 1800, “Tam Tự Kinh” là tác phẩm đầu tiên mà mọi đứa trẻ đều học.
Mỗi câu thơ gồm 3 từ, ngắn gọn, đơn giản và nhịp nhàng, dễ đọc và dễ nhớ nhưng ẩn chứa nhiều nội hàm. Tác phẩm không chỉ giúp trẻ học các ký tự Trung Quốc, cấu trúc ngữ pháp, những bài học lịch sử cùng những danh nhân, thánh hiền, mà trên hết giúp trẻ hiểu biết về văn hóa truyền thống 5000 năm của Trung Hoa, về cách đối nhân xử thế trong cuộc sống hằng ngày, cách để trở thành một người tốt, có ích cho xã hội.
Bản tính lương thiện
Bài học đầu tiên trong “Tam Tự Kinh” dạy trẻ em về bản chất thuần khiết nguyên sơ của chúng:
Trích nguyên văn:
“Nhân chi sơ, tính bản Thiện
Tính tương cận, tập tương viễn
Cẩu bất giáo, tính nãi thiên
Giáo chi đạo, quí dĩ chuyên”
Tạm dịch:
Con người mới sinh ra, thiên tính vốn thiện lương
Tính ban đầu giống nhau, thói quen dần khác xa
Nếu chẳng được giáo dục, bản tính sẽ biến đổi
Đường lối giáo dục, quý ở sự chuyên tâm”
Bản tính tiên thiên của con người là thiện, mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều có bản tính thiện lương, ngây thơ và thuần khiết. Bản tính thiện này mang con người đến gần với nhau khi họ còn trẻ.
Nhưng khi lớn lên, học từ xã hội và tiếp xúc với môi trường xung quanh, họ lớn lên theo cách tách riêng ra và trở nên khác nhau. Nếu họ không nhận được sự hướng dẫn đúng đắn, họ có thể bị lệch khỏi bản tính thiện nguyên thủy. Để học và dạy, chuyên cần là quan trọng nhất, nếu không nỗ lực của người đó sẽ không mang lại kết quả.
Ví dụ, một số người học cách coi gia đình và đức hiếu thảo là quan trọng nhất; những người khác quý trọng tiền bạc trên tất cả mọi thứ. Một số tìm thấy sự thoả mãn thông qua lợi ích vật chất; những người khác tìm thấy ý nghĩa trong việc theo đuổi đời sống tâm linh. Bởi vậy, điều quan trọng nhất trong đời người là có thể tìm thấy được một lối đi đúng đắn để tạo dựng nên một tương lai tươi sáng cho chính bản thân mình.
Bách thiện hiếu vi tiên
Trích nguyên văn:
“Thủ hiếu đệ, thứ kiến văn
Tri mỗ số, thức mỗ văn.
Nhất nhi thập, thập nhi bách,
Bách nhi thiên, thiên nhi vạn.”
Tạm dịch:
Hiếu thuận trước, tri thức sau
Hiểu con số, biết được chữ
Một tới mười, mười tới trăm
Trăm tới ngàn, ngàn tới vạn.
Trong văn hóa truyền thống phương Đông từ xưa đến nay đề rất coi trọng hiếu thuận, cho nên từ xưa đến nay mới có câu “Bách thiện hiếu vi tiên”, tức trăm điều thiện thì hiếu thuận đứng đầu.
Làm người trước tiên phải biết hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương anh chị em. Hiếu thuận với cha mẹ, là bổn phận mà người làm con nên làm, đã có rất nhiều câu chuyện về lòng hiếu thuận của con cái dành cho bậc sinh thành, một nguời biết yêu thương, quan tâm cha mẹ có thể không thành danh nhưng nhất định sẽ thành nhân, sẽ là một người có ích cho xã hội.
Không ngừng rèn luyện và tu dưỡng bản thân
Trích nguyên văn:
“Ngọc bất trác, Bất thành khí
Nhân bất học, Bất tri lý
Vi nhân tử, Phương thiếu thời
Thân sư hữu, Tập lễ nghĩa”
Diễn nghĩa:
Ngọc không mài giũa, thì không thành món đồ quý
Người không học, thì không biết lí lẽ
Là người con, khi còn nhỏ
Thân với thầy với bạn, để học tập lễ nghĩa
Một hòn đá ngọc, nếu không trải qua quá trình mài giũa tỉ mỉ thì không thể trở nên đẹp đẽ và cũng không thể dùng được. Con người cũng vậy, dù cho có tư chất bẩm sinh rất tốt, nhưng không chịu khó học tập thì cũng không cách nào hiểu được đạo lý đối nhân xử thế.
Là con cái, cần phải tranh thủ lúc còn trẻ mà năng gần gũi với thầy tốt bạn hiền, khiêm tốn tiếp thu những lời dạy bảo và khuyên răn, đồng thời học tập lễ nghi đối nhân, xử sự, đối đáp.
Ba đoạn thơ trên không chỉ nói lên rằng sự dạy dỗ và định hướng là cần thiết để nuôi dưỡng tính cách của một con người, mà còn mang một thông điệp sâu sắc hơn: Bản chất tiên thiên của mỗi con người chúng ta là lương thiện, ngay cả những người đã đi lạc lối cũng có thể tìm lại bản chất tốt đẹp của họ và quay về với bản nguyên chân chính, miễn là họ nhận ra những thiếu sót của mình và quyết tâm thay đổi, thì mọi thứ đều không bao giờ là quá muộn.
Tam Tự Kinh sở dĩ đi sâu vào lòng người chính là vì tôn chỉ cao minh, đồng thời chính nhân tâm, ngôn ngữ giản dị, lại sáng sủa trôi chảy, người người đều có thể đọc hiểu, không chỉ là khai sáng gợi mở tốt đẹp cho trẻ em, mà đối với cha mẹ cùng dân chúng thế giới cũng có tác dụng cảnh tỉnh và giáo đạo sâu sắc.
Trung Quốc cổ đại vì sao có thể trở thành “lễ nghi chi bang” khiến cả thế giới kính ngưỡng và học tập? Có thể thấy chỉ với cuốn giáo trình khai sáng nho nhỏ này cũng đủ cho lòng người sáng tỏ.
Nguồn: Zhengjian
Chân Nhiên biên tập