Không chỉ ở Trung Quốc, lịch sử Việt Nam cũng có ‘Tứ đại mỹ nhân’ rất nổi tiếng
Công chúa Huyền Trân, An Tư, công chúa Ngọc Hân, … tài sắc vẹn toàn, đều là những mỹ nhân Việt được đánh giá có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử.
1. Công chúa Huyền Trân
Công chúa Huyền Trân là con gái yêu của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và là em gái vua Trần Anh Tông. Huyền Trân chào đời trong khung cảnh đất nước mới trải qua cơn binh biến tàn khốc do nạn ngoại xâm. Giặc Nguyên thất bại thảm hại khi 3 lần rắp tâm thôn tính Đại Việt không thành, nhưng vẫn tìm cách báo thù. Nhiều lần nhà Nguyên cho sứ sang hoạnh họe, bắt bẻ, dọa nạt.
Do vậy, triều đình ngày đêm lo lắng đối phó với kẻ thù. Phía Tây và phía Nam nhiều lần bị giặc quấy phá khiến nhân dân điêu đứng, lầm than. Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã tới nhiều nơi để hoằng pháp giáo lý. Ngài từng đến cả Chiêm Thành tỏ tình hòa hảo, được vua Chiêm Chế Mân và các vị tu hành ở đây vô cùng cảm phục.
Qua bảy, tám tháng sống ở đất Chiêm, Thượng hoàng ngày càng yêu mến mảnh đất này, vốn là nơi có nền văn hóa cổ sơ, người dân lại có tài xây dựng đền đài chùa tháp. Đồng thời, người muốn xóa đi mối hận thù, mặc cảm Chiêm – Việt từ bao đời nên hứa gả con gái yêu Huyền Trân cho Chế Mân. Thượng hoàng hẹn sau 4 năm sau khi công chúa đủ 18 tuổi thì sẽ cho Chế Mân mang sính lễ sang cầu hôn.
Trở về nước, vua Trần Nhân Tông kể về chuyến du hành phương Nam và ông vua trẻ Chế Mân văn võ song toàn cho con gái Huyền Trân. Người bảo Huyền Trân giơ bàn tay lên và nói: “Con có thấy trên bàn tay con có hình bóng của phụ hoàng và Thái Hậu không? Trên bàn tay con không những có ta, có mẹ con mà còn có cả giống nòi đất nước”. Câu nói đầy ý nghĩa ấy khiến Công chúa Huyền Trân hiểu được trọng trách mà Phụ hoàng giao phó trên đôi vai bé nhỏ của mình.
Tháng sáu năm Bính Ngọ (1306) lễ rước dâu được cử hành trọng thể. Huyền Trân vái lạy Phụ hoàng, Thái hậu cùng vua Anh Tông lên kiệu hoa về nhà chồng ở phương Nam xa lạ. Chế Mân cho mở hội 3 ngày cả nước đón mừng cô dâu. Đây cũng là ngày lễ đăng quang Hoàng hậu, còn cho khắc bia đá ghi sự kiện lịch sử này.
Sống trên đất Chăm, Hoàng hậu Huyền Trân được vua yêu quý cho đi du hành, vãn cảnh, đồng thời tìm hiểu cuộc sống, hoàn cảnh của dân. Những thực tại đói khát, vất vả, bệnh tật nơi thôn dã khiến Hoàng hậu không vui. Bà tâu bày với vua quan tâm đến dân, chỉ ra những tồn tại yếu kém của bộ máy quan lại nhũng nhiễu dân cần được khắc phục.
Chế Mân cảm phục tấm lòng từ bi, bác ái của Huyền Trân nên đã có những chấn chỉnh để gần dân hơn. Thế nhưng chỉ sau gần một năm nghĩa tình đằm thắm, hương lửa mặn nồng, vua Chiêm bị ám sát. Huyền Trân trở thành góa bụa. Theo lệ người Chăm khi vua mất, Hoàng hậu, phi tần phải lên giàn hỏa chết theo. Việc này sẽ đến với Huyền Trân ngay sau khi bà sinh con.
Sợ em gái bị tổn thương, Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung tới Chiêm Thành cứu Huyền Trân về. Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu Huyền Trân. Bày kế thành công, Khắc Chung đã cứu được Huyền Trân đưa xuống thuyền về Đại Việt bằng đường biển. Còn Huyền Trân thì như xác không hồn, khi tỉnh mới rõ cơ sự. Tháng 8 năm Mậu Thân (1308), công chúa Huyền Trân về đến Thăng Long. Theo di mệnh của Thượng hoàng, công chúa xuất gia ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh) vào năm (1309) và được ban pháp danh “Hương Tràng”.
Cuối năm Tân Hợi (1311), Hương Tràng cùng một thị nữ quy y đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay thuộc Nam Định), lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Sau đó, am tranh trở thành điện Phật, tức chùa Nộm Sơn hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự. Thương chúng sinh, giúp người cơ nhỡ, để lại tiếng thơm trên quê hương Nam Định, khi bà mất, dân trong thôn còn tạc tượng tôn thờ.
2. Công chúa An Tư
An Tư công chúa là một trong 2 vị công chúa nổi tiếng nhất lịch sử nhà Trần vì các cuộc hôn nhân mang tính trọng đại, cùng với Huyền Trân công chúa. Công chúa An Tư Là con gái vua Trần Thái Tông, em gái út của vua Trần Thánh Tông. Công chúa An Tư liễu yếu đào tơ, bất đắc dĩ trở thành người đẹp “mỹ nhân kế” dưới trướng Trấn Nam Vương Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt.
Tuy công chúa An Tư đã có công lớn góp vào chiến thắng chung của cả dân tộc, nhưng sử sách ghi chép rất sơ lược về cuộc đời bà. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chỉ viết vẻn vẹn: “Sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy“.
Tháng Chạp năm Ất Dậu (1285), hơn nửa triệu quân nguyên do Thoát Hoan cầm đầu, tràn sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Khi giặc áp sát kinh thành Thăng Long, tình hình trở nên vô cùng căng thẳng, nhiều tôn thất nhà Trần như: Trần Kiện, Trần Lộng và hoàng thân Trần ích Tắc đã đem toàn bộ gia quyến, liêu thuộc đi đầu hàng.
Trần Khắc Chung được sai đi sứ để giảng hòa, làm chậm tốc độ tiến quân của giặc nhưng không có kết quả. Nhằm tận dụng thời gian củng cố lực lượng, vua Trần Thánh Tông không còn cách nào khác, phải dùng đến kế mỹ nhân, tức sai dâng em gái út cho Trấn Nam Vương Thoát Hoan để tạm cầu hòa.
Tuân theo lệnh vua và vì an nguy của xã tắc, công chúa An Tư đã từ bỏ cuộc sống êm ấm, nhung lụa trong cung đình, vĩnh biệt bè bạn để hiến dâng tuổi trẻ, kể cả tính mạng để làm nội gián cho triều Trần. Tháng 3 năm 1285, An Tư vào dinh Thoát Hoan (ở bờ bắc sông Hồng). Ở trại giặc, công chúa đã sống như thế nào, làm được những gì, không ai biết. Song, một điều rõ rằng, bà đã phải âm thầm nuốt nhục, chiều chuộng con trai của Hốt Tất Liệt.
Đúng là “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”. Vì quá si mê An Tư, Thoát Hoan rơi vào ma trận tình cảm, đã quên cả việc tấn công Thăng Long, tạo cơ hội quý giá cho quân nhà Trần có thể rút lui một cách an toàn. Đến tháng Tư cùng năm, quân Đại Việt phản công dữ dội ở hầu khắp các mặt trận khiến cho quân Nguyên đại bại. Riêng Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn qua biên giới.
Số phận công chúa An Tư vẫn còn là một bí ẩn. Trong cuốn “An Nam chí lược” của Lê Tắc có ghi: “Trước, Thái tử (chỉ Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con”. Người con gái họ Trần này có thể là công chúa An Tư, tuy nhiên chưa có chứng cứ rõ ràng khẳng định điều này. Sau chiến thắng, các vua Trần làm lễ tế lăng miếu khen thưởng công thần, truy phong tướng lĩnh, nhưng không ai nhắc đến An Tư. Thế nhưng, Dù triều Trần và sử sách có quên nàng thì các thế hệ đời sau vẫn dành cho nàng sự kính trọng, thương cảm…
3. Công chúa Ngọc Hân
Công chúa Lê Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (1770) tại kinh thành Thăng Long. Bà là con gái thứ 9 của vua Lê Hiển Tông. Mối tình Ngọc Hân – Quang Trung lâu nay vẫn được xem là một mối tình đẹp: Trai anh hùng, gái thuyền quyên. Mối tình ấy có căn nguyên từ những diễn biến lịch sử chính trị dồn dập.
Nửa cuối thế kỷ 18, ở hai miền Nam – Bắc nước ta, hai nhà Trịnh – Nguyễn sau 7 lần chiến tranh thôn tính nhau không thành đều sức cùng lực kiệt. Giữa lúc đó, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ nổi lên như một thế lực ở đất Tây Sơn và mau chóng lật đổ hoàn toàn họ Nguyễn ở Đàng Trong.
Năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc và và tiếp tục nhanh chóng đè bẹp quân Trịnh với chiêu bài “phù Lê diệt Trịnh”. Diệt xong họ Trịnh, Nguyễn Huệ tới yết kiến vua Hiển Tông. Do sự mai mối của tướng Bắc Hà vào hàng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngọc Hân vâng mệnh vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ. Khi đó bà mới 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ 33 tuổi.
Lễ cưới được tổ chức linh đình vào ngày 11 tháng 7 năm Bính Ngọ (tức 4/8/1786 Dương lịch). Mối tình của Ngọc Hân và Quang Trung ban đầu chỉ là sự sắp đặt theo mưu đồ chính trị của Nguyễn Hữu Chỉnh và tôn thất nhà Lê nhằm tạo một sự ràng buộc bằng tình cảm giữa Nguyễn Huệ với nhà Lê.
Tuy nhiên, sau đó, cuộc tình này lại trở thành một thiên tình sử đẹp. Khi Nguyễn Huệ xưng Quang Trung hoàng đế để tiến ra Bắc đánh quân Thanh đã phong Ngọc Hân làm Bắc cung Hoàng hậu. Đến khi nhà vua đại phá quân Thanh, giữa không khí thắng lợi tưng bừng vẫn không quên cho người mang một cành đào cấp tốc đưa về Phú Xuân cho Ngọc Hân. Đặc biệt nhất, khi vua Quang Trung mất, Ngọc Hân đã viết nên tác phẩm “Ai Tư Vãn” bất hủ để khóc Quang Trung khiến cho mối tình của họ đi vào văn học.
Theo Chu Quang Trứ trong “Danh nhân Lê Ngọc Hân”, Lê Ngọc Hân đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân ở Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con. Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4 tháng 12 năm 1799) thì mất, lúc đó mới 29 tuổi.
4. Lý Chiêu Hoàng
Lý Chiêu Hoàng sinh năm Mậu Dần (1218), là con gái vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Khi bà chào đời, nhà Lý (1010-1225) đã vào thời kỳ suy tàn. Ông nội của bà, tức Lý Cao Tông được biết đến là ông vua “chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi lên như ong, đói kém nhiều năm” nên cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy.
Tới đời Lý Huệ Tông đất nước càng bi đát hơn. Sử viết: “Bấy giờ thừa hưởng thái bình đã lâu ngày, giường mối dần bỏ, dân không biết việc binh, giặc cướp nổi lên không ngăn cấm được. Vua mới lên ngôi, đem việc nước giao cho Thái uý Đàm Dĩ Mông. Dĩ Mông là người không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày một đổ nát“.
Huệ Tông vào cuối đời thường hay rượu chè, lâm bệnh gần như điên loạn, không thể cáng đáng nổi việc triều chính. Tháng 10 năm Giáp Thân (1224) Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (anh họ Trần Thị Dung) – người nắm quyền lực lớn nhất trong triều đình thời bấy giờ – đã buộc vua xuống chiếu lập Chiêu Thánh làm Hoàng Thái tử, nhường ngôi cho cô công chúa mới 6 tuổi, niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Từ đây sóng gió đã phủ lên cuộc đời vị nữ hoàng nhỏ tuổi này.
Năm 1225, Trần Thủ Độ dàn xếp cho cháu của mình là Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông sau này) vào cung hầu hạ Chiêu Hoàng. Trần Cảnh được Chiêu Hoàng gần gũi, yêu mến, hay trêu đùa. Trần Thủ Độ lấy dịp đó dựng nên cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rồi chuyển giao triều chính bằng cách để Lý Chiêu Hoàng nhường (thực chất là ép) ngôi cho chồng.
Tháng 11 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Một tháng sau, triều đình mở hội lớn ở điện Thiên An, Chiêu Hoàng ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế và trở thành vị vua đầu tiên của nhà Trần.
Hoàng hậu đau ốm liên miên suốt 5 năm. Lúc này Trần Thủ Độ và mẹ ruột của bà là Trần Thị Dung (đã lấy Trần Thủ Độ và được gọi là công chúa Thiên Cực), lại bàn mưu phải giữ được ngai báu cho dòng họ nhà Trần nên đã ép Trần Cảnh lấy Thuận Thiên công chúa (lúc này đang là vợ của Trần Liễu, anh trai của nhà vua) và giáng Chiêu Thánh xuống làm công chúa.
Quá buồn và chán nản, Chiêu Thánh xuất gia đi tu. Đầu năm 1278, bà về thăm quê Cổ Pháp (Bắc Ninh). Tháng 3 âm lịch năm đó, bà mất, thọ 61 tuổi. Tương truyền khi qua đời, tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như son, má vẫn tươi như hoa đà. Bà được táng ở bìa rừng Báng, phía tây Thọ Lăng Thiên Đức.
Bà được người đời sau lập đền thờ, gọi là Long miếu (đền Rồng). Sở dĩ Chiêu Hoàng không được thờ chung tại đền Đô mà phải thờ riêng vì bà là người bị xem là có tội với dòng họ Lý khi để mất nhà Lý. Đền thờ của bà hiện nay tại Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, (tỉnh Bắc Ninh), còn gọi là Đền Rồng.
Từ khi sinh ra cho đến khi từ biệt cõi đời, với bao biến cố đã khiến bà trở thành một người có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 7 lần ở những danh vị khác nhau: Công chúa triều Lý, Hoàng Thái tử nhà Lý, Nữ Hoàng đế nhà Lý, Hoàng hậu nhà Trần, Công chúa nhà Trần, Sư cô (thời Trần) và Phu nhân tướng quân nhà Trần.
Thiên Hà biên tập
Nguồn: DKN