Không nên ăn thịt động vật quý hiếm vì bảo vệ cân bằng sinh học cho con cháu đời sau
Năm 2005, Tony đi Anh có gặp bà Iris, người Hà Lan. Lúc đó mình tranh thủ tiếp thị đất nước, gặp ai cũng líu lo “welcome to Vietnam”. Về email qua lại, rồi thân thiết. Một hôm, bà Iris rủ thêm bà Catherine đi qua Việt Nam chơi .Tony đưa đi ( Mekong Delta) chèo thuyền ăn mận, hai bà say mê lắm.
Trên đường về Sài Gòn, một bà nhác thấy bên đường là cửa hàng bán các con chó quay đang bị móc họng treo lủng lẳng, mới hỏi bán thịt gì vậy, thằng tài xế tài lanh tài lọt nói dog dog rồi cười ha hả. Hai bà tự nhiên im lặng, một lúc sau thì khóc. Tối đến hai bà không ăn gì. Tony mời ăn đồ ăn Việt, hai bà kiên quyết không ăn, mặc dù hôm trước là khen ngon và ăn khí thế, chỉ mua bánh mì rồi về khách sạn.
Sáng hôm sau bà Iris viết cái mail, nói là tối qua không ngủ được, và nói thôi đổi vé máy bay về nước sớm vì không có tinh thần đi tham quan nữa. Và cũng không muốn nói chuyện với người Việt, vì cứ nhìn thấy những cái miệng xinh đẹp kia từng cắn xé từng miếng thịt chó là hai bà bị ám ảnh. Vì đối với người phương Tây, chó mèo là bạn bè. Không ai ăn thịt bạn. Thôi thì chiều ý, Tony đặt vé cho bà đi Angkor Wat rồi nối tuyến bay về Amsterdam, dù sao đến Đông Nam Á thì cũng nên đi Angkor, chứ già rồi sợ không có dịp quay lại.
Một tuần sau về nước, bà Irish mới gửi một cái mail khoe hình và nói ở Angkor, hai bà đã có một khoảng thời gian tuyệt vời. Nhắc đến Việt Nam, bà nói về có kể lại cho bạn bè ở Hà Lan nghe, ai cũng ngạc nhiên sao người Việt lại ăn thịt thú nuôi.
Chó và mèo là thú nuôi, thú cưng chứ đâu phải động vật được sinh sản nhân tạo như heo bò gà, cá sấu, ba ba, đà điểu…nếu được nuôi trong nông trại vẫn có thể xem là thực phẩm. Bà nói, con gì thật ra cũng ăn được cả, thịt người nếu ướp gia vị vào thì vẫn ngon, nhưng phải tự đưa chuẩn mực đạo đức vào. Không ăn thú nuôi vì tình cảm, không ăn thú hoang quý hiếm vì bảo vệ cân bằng sinh học cho con cháu muôn đời sau.
Bà kể truyện ngụ ngôn kể rằng ngày xưa, khi muôn loài được sinh ra, chó mèo vẫn còn ở trong rừng. Loài người mới kêu về ở chung, loài chó sẽ trung thành tuyệt đối, là loài thú duy nhất tôn thờ con người, ăn chất thải của con người.
Dù có giàu có hay nghèo khổ, nó vẫn vẫy đuôi mừng, nên mình có quyền định đoạt, tức có thể đánh, nó sẽ nằm im cho đánh chết, nhưng có ra điều kiện là không được ăn thịt nó. Loài người hứa rồi quên. Người châu Âu cũng từng ăn thịt chó mấy thế kỷ trước, dẫn đến hành vì báo oán, tai họa dịch bệnh liên miên, có dịch chết mấy triệu người.
Bà nói, tao 75 tuổi rồi, tao biết gì đúng gì sai Tony à. Ai ăn thịt chó thì nó thấy là nó sủa dữ dội, và trước sau gì cũng bị tai ương vì lời nguyền ngày xưa. Nên bà nói, mày nói người ta ai nghe thì nghe, còn ai không nghe thì ăn kệ họ, nhưng mày đừng ăn.
Tony từng lê la từ khu cầu Thị Nghè, khu cư xá Bắc Hải, khu K26 Gò Vấp, Hải xồm Hải không xồm, Tú béo Tú gầy Tú thật Tú giả gì cũng ghé qua, nên nghe bà nói vậy, dù biết là truyền thuyết nhưng thấy đây là văn minh, cần phải học tập. Không phải vì sính Tây hay áp đặt văn minh phương Tây gì cả, mà đó là văn minh của nhân loại. Nên sau đó thấy thịt chó thịt mèo, tự nhiên bị ớn óc liền.
Lên mạng tìm kiếm thông tin bằng tiếng Hoa, thì mới biết thế giới hiện giờ chỉ còn người Triều Tiên (Nam Bắc Hàn), Trung Quốc và Việt Nam là còn thói quen ăn thịt thú nuôi. Và đây là cái rơi rớt lại của văn hoá Trung Hoa, “cái gì có chân đều ăn được trừ cái bàn” một cách không tình không nghĩa.
Văn hóa ăn thịt chó mèo khởi nguồn từ khu vực Động Đình Hồ trước công nguyên năm trăm năm, bắt đầu từ các thầy cúng, các pháp sư luyện bùa ngãi và sau đó lan ra dân thường, cứ thèm đạm là thấy có con gì là đập chết ăn con đó. Văn hóa bạc bẽo của chị Hoa này, em Nam em Hàn cứ tưởng là của mình, gọi là bản sắc và bảo vệ khí thế.
Qua Hàn Quốc, mấy đệ tử bên đó nói bây giờ chỉ có thế hệ cha chú gốc gác nông thôn, lúc đó còn đói nên mới ăn, giờ tụi trẻ không ai ăn nữa. Ở Hàn Quốc, có nông trại nuôi chó để lấy thịt, giống chó ăn rồi nằm, không biết sủa. Cách đây mấy chục năm, báo chí Hàn Quốc cũng tranh cãi ăn hay không ăn, thậm chí Olympic Seoul 1988, tất cả các cửa hàng thịt chó đều phải đóng cửa trong suốt thời gian diễn ra đại hội, vì họ sợ rắc rối với các tổ chức bảo vệ động vật.
Và thằng Khan còn bảo, em nghe nói các nhà khoa học giải mã ADN của chó, nó là một trong những động vật giống con người nhất, ¾ gene của nó y chang gene người, nên đạm của chó vào cơ thể sẽ được hấp thụ cực nhanh. Nhưng cũng có nhiều phản ứng như co giật, sùi bọt mép sau khi ăn thịt chó do có sự tương hợp khi ăn thịt đồng loại.
Ở Việt Nam, chó thịt bán ở chợ hay quán chủ yếu từ nguồn bắt trộm, vì phần lớn người nuôi quý chó, ít bán. Do nhu cầu quá cao, dẫn đến có một cái nghề trộm chó. Mà không giống như việc bị mất gà, mất bò, mất xe máy, chỉ là mất tài sản, mất chó thuộc về phạm vi tinh thần. Vì ai nuôi chó đều xem nó là thành viên trong gia đình, nên khi phát hiện ai đó giết hại thành viên trong gia đình họ, họ sẵn sàng đánh trả quyết liệt. Và bọn trộm chó phải trang bị hàng nóng, để nếu bị phát hiện, thì ra tay luôn với cả chủ nhà. Nên trộm chó đi đôi với giết người.
Rồi tin trộm chó bị dân làng đánh chết, cũng bỏ vào bao tải đập chết rên ư ử, nói cho mày chừa. Có chừa được không khi nhu cầu thịt chó vẫn cao chất ngất? Có cầu thì ắt có cung. Có chừa được không khi hàng quán thịt chó vẫn đông khách thâu đêm, cô em xinh xinh Tony gặp một lần vẫn có thói quen dùng tay cầm đầu chó gặm từng miếng và khen không biết chó vùng nào ngọt thịt quá, từng sợi thịt chó vẫn giắt vào kẽ răng khi em cười. Có ông ngồi bên cũng bị giắt răng, bèn lấy tăm xỉa ra rồi nuốt lại.
Khác với thịt gà, thịt bò có xuất xứ rõ ràng, phần lớn thịt chó mèo là hàng ăn trộm nên nếu tiêu dùng, mình gián tiếp tiêu thụ hàng gian, và gây ra nỗi đau của bao người. Bọn trộm dùng bã độc Cyanua để đánh bã, chất độc này ngấm vào thịt chó, nên mình ăn vào sẽ bị tích tụ, lâu ngày sẽ bị ngây ngây dại dại, u u mê mê nói gì cũng cãi. Bây giờ, chẳng làng quê Việt Nam nào còn bình yên. Thay vì nuôi chó để giữ nhà, người ta bây giờ phải canh giữ chó.
Có khi nào bên miếng dồi chó thơm phức và ly rượu cay nồng, chợt nhớ ai đó vì miếng ăn này mà phải bỏ mình. Thôi không thương chó thì hãy thương người. Cùng là người Việt, cùng con cháu Lạc Hồng, cùng màu da giọng nói với nhau, ai nỡ.
Sưu tầm: Câu chuyện của Tony buổi sáng