Không phải dáng vẻ bề ngoài, mà khí chất mới là thứ người đàn ông cần có
Cổ nhân có câu “Tướng tại tâm sinh hay tâm sinh tướng tướng sinh mệnh”. Một người có thần thái an định, điềm tĩnh, mắt sáng, lời nói gọn ghẽ, súc tích là người có nội tâm vững vàng, sẵn sàng đối diện với khó khăn, vượt qua được gian nan thử thách, và khí chất mới là thứ cần có của một người đàn ông.
Các cao nhân trong quá khứ có khả năng dùng thuật nhìn người không chỉ giúp đánh giá nhân cách và cá tính của một người, mà họ có thể nhìn tướng biết tâm nhìn tâm biết mệnh, nhìn ra số phận của người đó.
Không giống như ngày nay, người xưa không chú trọng nhiều đến quần áo, dáng vẻ bề ngoài của một người, thay vào đó, họ quan tâm đến tướng mạo, khí chất bên trong phát ra.
Chúng ta cùng cùng tìm hiểu thêm về thuật nhìn người của người xưa qua những câu chuyện lịch sử dưới đây để hiểu thêm về môn khoa học cổ đại này:
Tào Tháo (155 – 220) là một nhà chính trị, quân sự tài ba của Trung Quốc cổ đại, là người có ảnh hưởng rất lớn thời Tam Quốc. Ông là người đặt nền móng đầu tiên cho việc thiết lập nên vương triều Tào Nguỵ.
Một lần, khi tiếp đón sứ giả Hung Nô, Tào Tháo tự thấy bản thân thấp bé, tướng mạo không có gì nổi bật, đã cho Thôi Diễm đóng thế mình. Còn bản thân Tào Tháo đứng cạnh Thôi Diễm và cầm một thanh kiếm, giả làm lính hầu.
Khi vị sứ giả này về nước, được hỏi về ấn tượng với Thừa tướng của nhà Hán (tức Tào Tháo), vị sứ giả trả lời: “Thừa tướng trông trang nghiêm và lịch sự, nhưng người cầm kiếm đứng cạnh ông ta mới thực sự là anh hùng”.
Bởi thế, bất kể hình thức bề ngoài của một người không được hoàn mỹ, ấn tượng lắm nhưng khí chất toát ra từ họ thì có thể khiến người ngoài cảm nhận rõ. Tào Tháo cố tình hoá trang thành một kẻ hầu nhưng chỉ là giấu đi vẻ bề ngoài, còn khí khái anh hùng của ông thì vẫn toát lên mạnh mẽ.
Một câu chuyện khác: Năm 742, Lý Bạch lần đầu tiên rời quê hương đến kinh đô Trường An ứng thí. Ở đây, ông có dịp gặp gỡ với Hạ Tri Chương, cũng là một nhà thơ nổi tiếng đương thời. Hai người mới gặp nhau mà tựa đã quen từ lâu, đàm đạo cả ngày không biết chán.
Hạ Tri Chương ngỏ ý muốn đọc thơ, Lý Bạch liền đưa cho ông xem bài “Thục lộ nan” (một trong những tuyệt phẩm của họ Lý). Chỉ vừa mới đọc được vài dòng, Hạ Tri Chương đã hết lời khen ngợi Lý Bạch. Ông cởi đai lưng kim quy trên người xuống để tặng Lý Bạch, nói đùa rằng để đổi lấy một ít rượu và cùng thi nhân họ Lý cạn chén trong vui sướng.
Khí chất hào hoa của Lý Bạch thể hiện ra ở ngay chính những câu thơ của mình. Chẳng thế mà mới vừa chỉ gặp nhau, vừa chỉ đọc đôi hàng, Hạ Tri Chương đã lập tức kết làm huynh đệ, khen ngợi mãi không thôi. Hãy nhớ rằng Hạ Tri Chương khi ấy đã là một nhà thơ nổi tiếng còn Lý Bạch chỉ bất quá là một anh nho sinh còn chưa có tên tuổi gì.
Khí phách của một người là khí chất, là những gì biểu hiện ra ngoài của nội tâm, là sức mạnh vô hình toát ra từ tố chất của người ấy. Nó đòi hỏi phải trải qua rèn luyện, tích lũy dần trong cuộc sống hàng ngày mà có được.
Sáu đức tính thể hiện một người đàn ông có khí phách gồm: Nhẫn nhịn, điềm tĩnh; thận trọng, tỉ mỉ; can đảm, giám chịu trách nhiệm; khiêm nhường; khoan dung, độ lượng; chân thành, giữ chữ tín.
Đối với một người đàn ông mà nói, khí phách vô cùng quan trọng. Nó không chỉ thể hiện trí tuệ, mức độ tu dưỡng, cách đối nhân xử thế mà còn phân biệt họ với người khác. Một người đàn ông có thể gánh vác được gia đình, gây dựng được sự nghiệp lớn thì không thể là người khuyết thiếu khí phách.
Nguồn: dkn.tv
Chân Kiến biên tập