Kiếp trước kiếp này: Nợ và Ân
Buổi tối đi làm về chợt thấy người bạn thân nhắn tin – Tôi chắc bỏ vợ. Vậy là nói chuyện với người bạn hơn một tiếng, nhưng dù tôi có khuyên thế nào cậu bạn vẫn nhất định muốn bỏ vợ. Sau đó, khi sắp đi ngủ thì vợ cậu bạn nhắn tin đến hỏi thăm chồng có nói gì không. Vì cả hai vợ chồng đều là bạn cùng học với tôi, và có dịp nghỉ lễ tết cũng thường xuyên gặp nhau. Giống như cậu bạn, cô vợ cũng không chịu nhường nhịn – ly hôn thì ly hôn chứ không muốn hoàn cảnh như thế.
Tôi nằm suy nghĩ về tình huống này nếu là tôi ở hoàn cảnh đó tôi sẽ cư xử ra sao? Hai người đều là bạn của tôi, đã sống với nhau hơn chục năm, có mấy đứa con rồi, nói li hôn là li hôn sao? Mải suy nghĩ tôi dần dần chìm vào giấc ngủ.
Quá khứ, có một đạo sỹ vừa mới xuống núi đi vân du thì gặp một thương gia cùng với thương đoàn của mình đang chở hàng về kinh đô. Nhìn một cái đạo sỹ liền thấy được vị thương gia này có ánh hào quang vàng kim tỏa ra trên đầu nên biết được người này có căn cơ tu Phật, nhưng vị này không tu nên căn cơ chuyển thành phúc phận đời đó rất giàu có. Đang trầm ngâm suy nghĩ thì vị thương gia đã đến trước mặt cúi chào đạo sỹ, mặc dù không tu luyện nhưng vị thương gia rất có tâm thành kính với Thần Phật, cũng rất kính trọng và ngưỡng mộ người tu Phật, tu Đạo. Nhìn thấy tâm của vị thương gia như thế, đạo sỹ liền đồng ý đi cùng về kinh đô.
Về đến nơi, hàng hóa vị thương gia đều giao cho quản gia trông coi xếp vào kho, còn mình thì tiếp đãi vị khách quý. Hàng hóa lần này về có rất nhiều đồ quý, có giá trị. Ở phía xa có một cô bé giúp việc khoảng hơn 10 tuổi, nhìn thấy một bình ngọc lấp lánh rất đẹp, liền chạy sang sờ vào cái bình, không may cái bình bị rơi xuống và vỡ tan. Chiếc bình ấy rất có giá trị, quản gia kinh sợ liền cho bắt cô bé lại và vội đi bẩm báo cho ông chủ.
Vị thương gia thoáng chốc cau mày, xong lại trở nên bình thản nói – Hôm nay tâm trạng ta tốt nên không trừng phạt như mọi khi, đem giam nó vào chuồng ngựa mấy ngày là được. Quản gia thoáng chốc ngạc nhiên, nhưng liền hiểu ra vì ông chủ mình đang đàm đạo nhân sinh với vị đạo sỹ kia nên mới không xử phạt khắc nghiệt như trước kia nếu có người vi phạm, trước khi quay vào nhà còn nhắc nhở quản gia phải cho cô bé cơm ăn đầy đủ.
Cô bé khi bị bắt thì nghe nói tội mình gây ra sẽ bị đánh gãy tay, sau đó nhốt ở chuồng ngựa 7 ngày, sau 7 ngày còn sống thì mới được hồi phục lại công việc khi xưa. Nhưng mà không ngờ ông chủ lại không phạt như thế, chỉ nhốt ba, bốn ngày nhưng ngồi đó vẫn có cơm ăn đầy đủ. Tự đáy lòng cô dâng lên một sự cảm ân, nguyện sẽ báo đáp ân tình của ông chủ. Còn vị đạo sỹ rời đi ngay hôm đó, tiếp tục quá trình vân du của mình.
Tôi tỉnh dậy ngay sau đó, và chợt nhớ lại giấc mộng vừa rồi rất chân thực nó như vừa xảy ra vậy. Trong mơ tôi chính là vị đạo sỹ đó, vị thương gia chính là bạn tôi, còn cô bé giúp việc chính là vợ của bạn tôi. Như một tia sáng lóe lên trong đầu, tôi đã hiểu vì sao tôi phải chứng kiến cảnh mâu thuẫn giữa hai vợ chồng của họ. Cái bình ngọc bị vỡ đó là Nợ, còn thiện niệm khởi lên không trừng phạt và nguyện lúc đó của cô bé chính là Ân. Vợ chồng họ có cả Ân và Nợ. Giờ mâu thuẫn này chính là do món Nợ cái bình ngọc vỡ đã trả xong, chỉ cần không tạo thêm tội nghiệp thì giữa hai vợ chồng họ sau này chỉ còn Ân nghĩa, cuộc sống sẽ hạnh phúc.
Nợ thì phải hoàn trả đây là lý của thiên địa, không trả trong đời đó thì đời sau cũng phải hoàn trả. Con người vì vô minh mà khi mâu thuẫn đến nợ cũ chưa trả xong đã tạo thêm nợ mới. Trong Phật giáo giảng về thiện duyên và ác duyên; ác duyên chính là đã tạo nghiệp mang Nợ người ta, còn Thiện niệm khởi lên, giúp người khác không cầu báo đáp thì là Ân. Khi không có nợ thì vợ chồng là “Phu thê chi ân”.
Thông Lộ