Lá thư cảm động của người cha không biết chữ
Giờ trả bài kiểm tra môn Ngữ văn luôn là giờ học sôi động nhất của lớp tôi, vì thầy giáo sẽ chọn ra hai bài văn, một bài điểm cao nhất và một bài điểm thấp nhất để đọc.
Bài văn viết hay nhất sẽ nhận được sự tán dương và khen ngợi của mọi người và đương nhiên bài văn điểm thấp nhất sẽ đem lại những trận cười vỡ bụng.
Hôm nay lại đến giờ trả bài kiểm tra văn. Đề bài văn là: “Em hãy kể lại một kỉ niệm sâu sắc nhất của em.” Trước khi trả bài thầy nói: “Lớp có 40 bạn chắc hẳn sẽ có 40 kỷ niệm khác nhau.” Thầy giáo tôi tiếp tục dí dỏm nói: “Vậy có nhiều bài vẫn trùng lặp ha!”
Sau đó thầy đưa tập bài cho lớp trưởng đi phát còn thầy chỉ giữ lại duy nhất một bài trên tay. Cả lớp đứa nào cũng hồi hộp không biết bài trên tay thầy là của ai.
Đứa bên cạnh tôi suy đoán, chắc là bài của nhỏ Thảo, nó là đứa học giỏi văn nhất lớp mà, lúc nào cũng được điểm cao. Nhưng ngạc nhiên là Thảo ngay sau đó nhận được bài kiểm tra mà lớp trưởng phát, điều này càng làm tôi ngạc nhiên và tò mò, rốt cuộc bài kiểm tra đó của ai.
Mấy đứa xung quanh tôi lại nhao nhao lên, nếu không phải nhỏ Thảo vậy thì là thầy giữ bài tệ nhất rồi. Mọi con mắt lại hướng đến Cường kèm theo tiếng cười khúc khích, Cường thì vẫn mải nói cười với mấy bạn trai bên cạnh mà chả biết gì.
Vậy mà cũng không phải, Cường nó nhận được bài rồi. Không phải Thảo cũng không phải Cường, khó đoán quá. Môn văn luôn khó mà biết trước được điểm mà, bài trước được 6 điểm kèm theo lời phê: Hành văn trong sáng nhưng dẫn chứng chưa phong phú, cần cố gắng thêm, thì bài sau đã ăn ngay con ngỗng với lời phê: “Dông dài, sai chủ đề”. Còn điểm cao hơn nữa thì lớp tôi chưa có, được 7 văn của thầy là ước mơ xa xỉ với chúng tôi.
Lớp trưởng đã trả xong bài kiểm tra, tôi cũng nhận được rồi. Mọi con mắt liền đổ dồn vào Hoan, đứa chưa có bài kiểm tra, Hoan vẫn ngoảnh mặt ra cửa sổ lớp, không thấy mặt cậu ấy nhưng ai trong lớp cũng thấy tai và cổ của cậu ấy đã đỏ ửng lên. Hoan là cô bạn mới chuyển đến lớp tôi được 2 tháng, cậu ấy thường ngày học bình thường không có điểm gì nổi trội. Vậy mà cậu ấy có thể lấy được 8 điểm văn của thầy, tôi nhìn thấy rõ vì thầy đứng gần tôi.
Thầy giáo lấy tay đẩy cặp kính lên, giọng thầy trầm trầm nói: Cả lớp im lặng. Chúng tôi chưa hết tò mò, nên liền chăm chú nhìn thầy giáo, không đứa nào nói chuyện riêng nữa. Thầy giáo bắt đầu đọc bài văn trên tay:
Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với em là lần nhận được thư của ba gửi từ quê lên. Nhà em nghèo lắm nhưng ba má em cố cho em ra phố học tập đề sau này em bớt khổ, để em có tương lai tốt hơn. Cho em ra phố học, đồng nghĩa với việc ba mẹ em phải vất vả hơn, những việc mà trước đây em có thể phụ giúp thì nay ba em phải gánh vác thêm. Mỗi lần em từ phố về quê thăm bố mẹ đều thấy họ làm việc rất nhiều. 4h sáng họ đã cùng nhau ra đồng, dưới trời nắng gắt họ làm việc cho đến 11 giờ trưa mới nghỉ. Về ăn vội vài bát cơm với canh rau muống, nghỉ trưa 1 – 2 tiếng, họ lại ra đồng làm việc cho đến 7h tối mới trở về.” Họ cứ như vậy, cũng chưa một lời oán thán chỉ nói với em duy nhất một điều: “Dáng học nhe con, sau này đỡ khổ!”
Ở đây cách nhà em hơn 200 cây, về quê với ba mẹ là điều rất khó khăn, có việc gì em thường chủ động gửi thư cho ba má nhưng ít khi nhận được thư hồi âm của họ vì ba má em ít viết chữ, ba em thì không biết chữ, mẹ em thì biết nhưng hơn chục năm rồi không viết vì hồi trước ở nhà đã có em viết thay.
Thầy giáo đọc đến đây liền dừng lại và nhìn cả lớp: Các em, thầy sẽ chép lại nguyên văn bức thư của ba bạn Hoan lên bảng.
“Con gai a, ba dạo nai đi làm mướn cho người ta duoc thêm chut tiền ba gưởi cho con , con nhớ nhà khôn? Cả nhà nhớ con nhìu lấm
Cố hoch nhe con khi nào dỡ bận song ba me xẻ ra thăm con”
Lá thư vẻn vẹn có 45 chữ. Khi Thầy giáo quay lại thì Hoan đã úp mặt xuống bàn, hai bờ vai rung rung. Mắt Thầy cũng đỏ hoe.
Cả lớp tôi im phăng phắc, nhiều bạn nữ đọc xong thư của ba Hoan mà cứ khóc sụt sùi. Mấy đứa con trai quậy nhất lớp tôi như Cường cũng trầm ngâm, mắt hồng hồng.
Lá thư đầy lỗi chính tả trên bảng kia là niềm hy vọng của người làm cha làm mẹ đối với con cái của họ. Ba mẹ lặng thầm hy sinh cho con cái, họ cố gắng làm việc cũng chỉ mong con cái sau này có cuộc sống tốt hơn, sẽ không phải chịu nhiều khổ như họ. Mong ước đơn giản ấy liệu những người làm con có hiểu không?
Biên tập: Thiên Hà
Nguồn tham khảo: NCCTV