Lão Tử luận bàn về hạnh phúc: Hóa ra hạnh phúc đơn giản như vậy
Hạnh phúc là trạng thái đầy đủ sung túc đối với cuộc sống thực tại, đồng thời cũng là cảm giác thỏa mãn trong lòng. Lão Tử cho rằng, có một cuộc sống phù hợp với Thiên đạo, thuận theo tự nhiên, con người sống trong “vô họa vô cữu”, được bình an và thoải mái, đó chính là hạnh phúc.
Sống thuận theo tự nhiên: Bình hòa thản đãng
Theo lý niệm vạn vật chính thống của đạo Nho, con người muốn đạt được trạng thái bình hòa, thản đãng thì phải sống thuận theo Thiên địa, thuận theo tự nhiên.
“Dùng ánh sáng của Đạo, để quay về sự quang minh của Đạo, thân không sợ tai ương, đó là tìm về vĩnh cửu”. Ngược lại, “Bất tri thường vọng tác hung”, tức rằng: trở về bản mệnh là quy luật bất biến của vạn vật. Biết quy luật bất biến thì sáng suốt, không biết quy luật bất biến thì vọng động mà gây họa.
Dục vọng là “kẻ thù” số một của hạnh phúc
Trong cuộc sống, nhiều người coi việc thỏa mãn dục vọng là đạt được hạnh phúc, còn Lão Tử lại nhìn thấy mặt tương phản của sự việc, ông nhận định rằng, dục vọng lại chính là kẻ thù của hạnh phúc.
Bởi vì lòng tham vô đáy sẽ “ăn mòn” cảm giác thỏa mãn của con người, khiến cho sự “thỏa mãn dục vọng” luôn khó khăn để thực hiện.
Lão Tử viết trong Đạo Đức Kinh: “Không tội nào lớn bằng có dục vọng, không họa nào lớn bằng không biết đủ, không hại nào lớn bằng mong có. Cho nên biết mình có đủ, thì luôn đủ“. Ham muốn và lòng tham vô đáy sẽ không con người xa rời Thiên đạo, nếu không thỏa mãn sẽ cố tình làm bậy, thiên tai nhân họa xảy ra nhiều cũng là vì nguyên do đó.
Chính dục vọng đó đã hủy hoại cuộc sống bình yên và hạnh phúc, liệu có thể đem đến hạnh phúc hay không?
Dục vọng sẽ đánh mất hạnh phúc
Từ biểu hiện bên ngoài, con người vì muốn có được hạnh phúc mới truy cầu dục vọng, tuy nhiên, sự vận hành của Thiên đạo với biểu hiện bên ngoài đó thì tương phản hẳn lại. Con người dung túng cho dục vọng, nhưng về bản chất đã đánh mất đi hạnh phúc, đây là lỗi lầm và bất hạnh của nhân loại.
Nhân vật chính trong tiểu thuyết kinh điển “Kim Bình Mai” là những người nhanh trí, có một cuộc sống giàu sang, sung túc, nhưng đáng tiếc là, họ đã trở thành nô lệ của dục vọng, bị dục vọng khống chế và luôn cảm thấy không tự do, chính dục vọng đã hủy hoại cuộc sống và hạnh phúc của họ, khiến cho họ tự dồn mình vào trong một hoàn cảnh rất đáng thương.
Xã hội đương đại xuất hiện nhiều hiện tượng tham quan hối lộ, phần đông là xuất phát từ lòng tham chi phối, khiến con người rơi vào vực sâu không đáy, không kiểm soát được chính bản thân mình, từ đó cũng không thể cảm nhận được dư vị của hạnh phúc đích thực. Bởi vậy mới nói: “Dục vọng quả thực là kẻ thù của hạnh phúc”.
“Vô dục” mới có thể đạt được hạnh phúc
Dục vọng không thể dẫn đến cảnh cửa hạnh phúc, bởi vậy Lão Tử cho rằng, “vô dục” mới có thể đạt được hạnh phúc đích thực. Ông cho rằng, để đạt được hạnh phúc cần phải “vô tri vô dục”, “biết đủ sẽ luôn thấy hài lòng, thỏa mãn”.
Trong cuộc sống luôn vứt bỏ những dục vọng, vào mọi thời khắc đều cảm thấy thỏa mãn, đây mới là hạnh phúc dài lâu và đích thực. Lão Tử cho rằng, con người nên tự giác khống chế dục vọng của bản thân.
“Cam kì thực, mĩ kì phục, an kì cư, lạc kì tục”, từ đó mới có thể an bình và thong dong thoải mái. Theo quan điểm của Lão Tử, vứt bỏ tham vọng mới có thể mở ra cánh cửa hạnh phúc.
Vứt bỏ tham vọng, lấy đủ làm vui
Lão Tử nói: “Giữ và đổ đầy mãi, không bằng dừng lại. Mài cho nhọn sắc, không giữ được lâu. Vàng ngọc đầy nhà, chẳng thể giữ được. Giàu sang mà kiêu căng, sẽ tự chuốc họa. Công đã thành, danh đã toại, thì hãy rút lui; đó là đạo Trời”. Đây chính là quan điểm về hạnh phúc lâu dài, là vô dục, biết đủ.
Ông cho rằng: “Đại Đạo thậm di nhi dân háo kính”, ý tứ rằng: Đường lớn thật bằng phẳng, mà ta lại thích con đường nhỏ quanh co.
“Đại Đạo chí giản chí dị”, ban đầu vốn là bằng phẳng, dễ đi, nhưng con người lại dễ đi trên con đường nhỏ hẹp rồi thường tự chuốc lấy thất bại. Kì thực, nếu bạn vứt bỏ dục vọng, biết trân trọng những gì bản thân đang có, hạnh phúc sẽ ở ngay trước mắt bạn.
Lan Hòa biên tập
Nguồn: Dusheng