Lòng dũng cảm chân chính là được sinh ra từ lòng nhân nghĩa
Về cái dũng của kẻ thất phu và cái dũng của người mưu trí, trong “Luận ngữ – Thuật nhi” có ghi lại một đoạn như sau:
Tử Lộ hỏi Khổng Tử: “Nếu thầy dẫn quan ra chiến trường, thầy sẽ chọn ai làm trợ thủ?” Khổng Tử trả lời: “Tay không mà dùng để đánh hổ, chân đất mà dùng qua sông, người chết không hối tiếc, là ta không thể cho đi cùng. Phải là người biết cẩn thận suy nghĩ khi gặp sự việc, giỏi lập kế hoạch để hoàn thành nhiệm vụ thì ta mới cho đi cùng được.” Theo Khổng Tử loại người “tay không đánh hổ, chân đất qua sông” này mặc dù coi thường cái chết nhưng hữu dũng vô mưu, dễ mắc sai lầm.
Còn một điển cố nữa vào thời Đông Hán nói về nhà quân sự và ngoại giao Ban Siêu thời Đông Hán; một lần ông làm đặc sứ triều Hán đi sứ sang các nước Tây vực. Khi đến nước Thiện Thiện ông được vua đón tiếp rất cung kính, nhưng sau đó vị vua của nước này lại thay đổi thái độ, trở nên lãnh đạm, lạnh nhạt. Nguyên do là một đoàn sứ thần của nước Hung Nô tới. Ban Siêu liền nắm lấy thời cơ này và lập ra một kế, ông lập tức triệu tập 36 tuỳ tùng đi cùng tới bày kế:
“Không vào hang cọp, sao bắt được cọp. Kế hoạch của ta là cần tấn công trước để chiếm được ưu thế, dùng hỏa công tấn công vào ban đêm để tiêu diệt toàn bộ quân Hung Nô, khiến quân thần Thiện Thiện phải khiếp sợ, như vậy là đại công cáo thành”. Nửa đêm, Ban Siêu thống lĩnh đoàn tùy tùng 36 người của mình đến nơi quân Hung Nô cư ngụ và xảy ra một trận chiến ác liệt, và cuối cùng giành được chiến thắng, nước Thiện Thiện chứng kiến sức mạnh của Ban Siêu nên đã quy phục nhà Hán, về sau nhất định không dám hai lòng. Ban Siêu bằng cái dũng và mưu trí của mình đã thu phục được nước Thiện Thiện.
Lòng dũng cảm không phân bất kỳ ai, người giữ gìn và truy cầu chính nghĩa là người dũng cảm; người quên mình xông pha chiến đấu trên chiến trường là người dũng cảm; trong sự nghiệp, người mạnh dạn đi đầu, trong khó khăn không ngừng phấn đấu là người dũng cảm; trong quá trình trưởng thành, người kiên cường vượt qua trắc trở cũng là người dũng cảm; người có thể khoan dung, độ lượng với người khác, có thể chiến thắng dục vọng quan niệm xấu của bản thân cũng là người dũng cảm. Dũng cảm không giới hạn ở sức mạnh mà chính là ở tâm trí của mình.
Khổng Tử xem “nhân, trí, dũng” là một thể thống nhất không thể phân tách, người nhân đức luôn vui vẻ, hiểu rõ sự đời mà không ưu phiền; người có trí huệ thì sẽ không bị mê hoặc hay dụ dỗ; người dũng cảm thì có thể chiến thắng nỗi sợ hãi của mình.
Khổng Tử có một vị là Tử Lộ (Chu Trọng Do) nổi tiếng là người ngay thẳng và dũng cảm, trong “Luận Ngữ – Công Dã Tràng”, Khổng Tử từng có lời nói về sự dũng cảm của Tử Lộ như sau: Khổng Tử nói: “Nếu ý tưởng của ta không thể thực hiện được, người có thể cùng ta ngồi trên thuyền nhỏ ra biển khơi chỉ có Trọng Do thôi”. Tử Lộ nghe xong thì vô cùng mừng rỡ. Khổng Tử lại nói: “Trọng Do, con dũng cảm hơn ta, nhưng các phương diện khác thì thật sự không có được.”
Trong Luận ngữ – hiến vấn Khổng Tử cho rằng: “Có ba đạo của người quân tử: nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ”, ông cũng không tán thưởng những người hữu dũng vô mưu, mà luôn tôn sùng người biết kết hợp “nhân, trí, dũng.” Trong đó “Nhân” là trung tâm; “Trí” là trí nhân, có thể tạm hiểu là trí tuệ và nhân nghĩa; “Dũng” để hành nhân, cũng có thể hiểu là hành động dũng cảm cùng nhân nghĩa.
Người “Nhân” sẽ có “Dũng”, người có “Dũng” không thể thiếu lòng “Nhân”. Lòng dũng cảm chân chính là được sinh ra từ lòng nhân nghĩa, là để con người bảo hộ điều đúng đắn. “Dũng” là một phẩm hạnh trong phạm trù đạo đức của Khổng Tử, nhưng dũng cảm không phải là ỷ mạnh, mà là người trí dũng song toàn. “Dũng” là cái dũng cảm của người nhân nghĩa, là cái dũng của người có mưu trí chứ tuyệt đối không phải là cái dũng của kẻ thất phu, hữu dũng vô mưu.
Minh Hoàng biên dịch
Theo zhengjian