Mọi chuyện xảy ra trên đời đều không phải là vô duyên vô cớ
Cổ nhân thường nói “trên đầu ba thước có thần linh”, tất cả mọi việc chúng ta nghĩ, chúng ta làm đều dưới sự chăm chú và giám sát của Thần linh, chỉ là do con người không chịu tin nên nghĩ rằng làm việc xấu mà không ai nhìn thấy thì không sao, vì vậy sống trên đời tạo rất nhiều nghiệp, đến khi cuộc sống không hạnh phúc thì lại đi trách than với Thần Phật.
Chính vì vậy tất cả những gì xảy ra với chúng ta trong cuộc sống đều không phải là vô duyên vô cớ, tất cả đều là có nguyên nhân. Tuy nhiên có nhiều người không hiểu được nhân duyên bên trong nên hay tham gia vào chuyện của người khác mà vô tình tạo nghiệp nhưng không hay biết.
Có một “câu chuyện ngụ ngôn” kể rằng, một kẻ lang thang đi vào chùa, thấy Bồ Tát ngồi trên Đài Sen nhận cúng bái của mọi người, thì vô cùng ngưỡng mộ.
Kẻ lang thang nói: “Con có thể đổi chỗ ngồi với Người một lát không?”
Bồ Tát trả lời: “Con không thể. Con còn chưa biết yêu cầu của mình bất kính đến nhường nào. Con hãy đứng bên cạnh đây và nhìn đi, chỉ cần con không mở miệng, không ai sẽ nhìn thấy con hết.”
Kẻ lang thang đứng cạnh đài sen. Trước mắt của anh ta là cả ngày hỗn loạn ầm ĩ, người đến phần lớn là cầu điều này cầu điều kia. Anh ta vẫn cố gắng chịu đựng trước sau không mở miệng.
Mấy ngày sau, một người giàu có đến trước tượng Bồ Tát cầu xin: “Cầu Bồ Tát ban cho con một đức tính tốt.”
Nói xong ông ta dập đầu, đứng dậy, nhưng ví tiền lại bị rớt xuống mặt đất. Kẻ lang thang vừa muốn mở miệng nhắc nhở, nhưng kịp nhớ đến điều kiện của Bồ Tát nên ngừng lại.
Sau khi người giàu có đi ra, thì có một người nghèo bước vào. Người nghèo nói: “Cầu xin Bồ Tát ban cho con ít tiền. Người nhà con lâm bệnh nặng, đang rất cần tiền ạ.”
Cầu xong ông ta dập đầu, đứng dậy và nhìn thấy một túi tiền rơi trên mặt đất. Người nghèo khổ thốt lên: “Bồ Tát quả thật hiển linh rồi.”
Người nghèo khổ cầm túi tiền bước đi. Kẻ lang thang muốn mở miệng nói không phải hiển linh, đó là đồ người ta đánh rơi, nhưng anh ta lại nhớ đến điều kiện của Bồ Tát nên cũng kịp ngậm miệng lại.
Lúc này, một người ngư dân đi vào. Người ngư dân cầu xin: “Cầu Bồ Tát ban cho con bình an, ra biển không gặp sóng gió.”
Người ngư dân dập đầu, đứng dậy, ông vừa muốn đi, lại bị người giàu có vừa quay trở lại níu áo. Người giàu có cho rằng người ngư dân đã lấy túi tiền của mình, mà ngư dân thì cảm thấy bị oan uổng không cách nào chịu đựng nổi. Vì túi tiền, hai người đánh nhau túi bụi.
Kẻ lang thang đến lúc này đã không thể nhịn được nữa, anh ta liền hô to: “Dừng tay!” Rồi đem sự việc nói ra. Tranh chấp nhờ đó mà được yên.
Chuyện qua rồi, Bồ Tát mới nói: “Con cảm thấy làm vậy là đúng chăng? Con hãy tiếp tục đi làm kẻ lang thang đi! Con tự cho mình rất công bằng, nhưng người nghèo vì vậy mà không có tiền cứu chữa người thân, người giàu không có cơ hội tu đức hạnh, còn người ngư dân lần này ra biển gặp sóng gió chôn thân dưới đáy biển.
Nếu con không mở miệng, mạng sống người nhà kẻ nghèo kia được cứu, người giàu tốn chút tiền nhưng sẽ tu được tâm tích được đức, ngư dân cũng vì dây dưa kéo dài thời gian mà không có cách nào lên thuyền.”
Trong cuộc sống tất cả mọi việc xảy ra đều có lý do, nhiều khi chúng ta cảm thấy chuyện xảy ra với mình thật tệ, thật xấu nhưng đối với Thần Phật thì đó có thể là chuyện tốt. Bạn bị chậm chuyến xe cũng chưa hẳn là việc xấu, bạn gấp rút đi làm một việc nào có nhưng có người khác giữ lại thì có thể bạn đã tránh được một nạn lớn.
Chính vì vậy sống một cách tùy kỳ tự nhiên là tốt nhất, không nên quá can thiệp vào chuyện của người khác, bởi tất cả mọi việc xảy ra trên đời không bao giờ là vô duyên vô cớ.
Chân Kiến biên tập