Một điều Đức có thể tiêu trăm điều Họa, tích đức hành Thiện đắc Phúc báo
Lưu Nguyên Phổ nhờ tích được âm đức lớn nên không chỉ thay đổi được thọ mệnh của mình, mà con cháu ba đời còn được hưởng phúc, không phải chịu tai họa. Ông Trời luôn đối đãi công bằng với người tốt, phúc phận đều là nhờ tích đức hành thiện mà có được.
Trong《Thái Bình Quảng Ký》ở thời nhà Tống có ghi chép một câu chuyện về Lưu Hoằng Kính (Lưu Nguyên Phổ) nhờ tích được đại âm đức mà đắc được phúc báo: Lưu Hoằng Kính, người Bành Thành thời nhà Đường, tự là Nguyên Phổ. Gia đình ông nhiều thế hệ sống ở khu vực sông Hoài, Phì Thủy, tài sản hàng trăm vạn lạng. Ông thường tu tâm tích âm đức, nhưng trước giờ không hề khoe khoang, vì vậy mọi người đều không hề hay biết. Nhà ông tuy giàu có, nhưng không hề ghét bỏ hay phàn nàn ai, thường lấy tiền giúp đỡ người nghèo, bố thí cho người kém may mắn hơn mình, mà không mong được hồi đáp.
Vào những năm đầu Trường Khánh ở Đường Mặc Tông, có một thuật sĩ giỏi về thuật coi tướng mặt, ông đang trên đường đến Thọ Xuân và gặp Lưu Nguyên Phổ, ông bèn nói: “Quân tử xin dừng chân, tôi có lời muốn nói”. Lưu Nguyên Phổ bèn mời ông vào quán xá bên đường và hỏi chuyện.
Người thuật sĩ nói: “Gia tài của Ngài tuy nhiều, nhưng chỉ qua hai ba năm nữa thôi đại nạn sẽ đến, phải làm sao đây?”. Lưu Nguyên Phổ rơi lệ nói: “Thọ mệnh của con người là thiên mệnh do ông Trời định đoạt, liệu tiên sinh có cách gì giúp tôi không?”. Người thuật sĩ nói: “Tướng mạo không bằng phẩm đức, phẩm đức không bằng độ lượng.
Thọ mệnh của Ngài tuy không dài nhưng đức dày, có tấm lòng độ lượng, bao dung thoáng đãng. Tôi sẽ nói cho Ngài chuyện của sau này, trong hai năm này, Ngài hãy chăm chỉ tu tích mỹ đức, hy vọng có thể kéo dài thọ mệnh. Một điều đức có thể tiêu trăm điều họa, hơn nữa còn được hưởng tước lộc. Hãy cứ nỗ lực như vậy, ba năm sau tôi sẽ lại đến”, nói xong người thuật sĩ bèn rời đi, Lưu Nguyên Phổ rơi lệ tiễn biệt.
Kể từ đó, ông bắt đầu chuẩn bị kế hoạch hậu sự của mình. Ông có một người con gái sắp gã cho gia đình ở Dương Châu, người con gái thỉnh cầu ông xin mấy cô hầu gái đi cùng, ông dùng 80 vạn quan tiền mua bốn cô hầu gái, trong đó một cô tên là Phương Lan Tôn rất xinh đẹp và có phong thái đoan trang, không giống như người sinh ra trong gia đình nghèo khó.
Lưu Nguyên Phổ hỏi han sự tình, cô trầm ngâm rất lâu rồi mới trả lời: “Tiện nữ mang tử tội, vốn không dám nhắc đến nữa. Chủ nhân đã hỏi tiện nữ cũng không dám giấu. Gia đình tôi đời đời là danh tộc, quê ở Hà Lạc. Cha tôi làm quan ở Hoài Tây, không may gặp giặc Ngô phản loạn hống hách. Vì thấy họ của ông giống với họ của cường đạo, nên triều đình nghi ngờ là người thân của bọn phản tặc, do vậy cha tôi bị triều đình giết, cả gia đình bị tịch thu tài sản.
Từ đó tôi lâm vào cảnh hèn mạt, không có nơi nào để kêu oan. Sau khi giặc Ngô bị dẹp, toàn bộ những người thân khác trong gia đình tôi bị quan quân bắt làm tù binh, cũng không biết lưu lạc ở đâu. Bản thân tiện nữ đã bị đổi hai chủ, giờ mới vào đây”.
Lưu Nguyên Phổ cảm thán hồi lâu rồi nói: “Giày dẫu có mới cũng không thể đội lên đầu, mũ dẫu có cũ cũng không thể dẫm dưới chân. Dù gia đình cô chết oan, nhưng cô vẫn là con gái nhà quan lại, mà nỗi oan của cô ai nghe cũng phải bất bình phẫn nộ, huống hồ ta là bậc nam tử hán.
Hôm nay nếu ta không thể rửa được oan cho cô thì sẽ bị Thần trừng phạt”. Ông bèn hỏi người nhà cô, được biết ông ngoại cô họ Lưu, sau đó bèn đem đốt văn tự bán mình của cô, nhận cô làm cháu ngoại. Dùng 50 vạn quan tiền gả con gái mình, sau đó tìm mối tốt gả Phương Lan Tôn.
Một ngày mùa xuân tháng ba năm Tân Mão năm thứ hai Trường Khánh, Phương Lan Tôn đã xuất giá, Lưu Nguyên Phổ nằm mơ thấy một người mặc áo màu xanh, tay cầm thẻ ngà, hướng xuống trần mà bái lạy, Lưu Nguyên Phổ lại gần, ông ấy đột nhiên rơi nước mắt nói: “Tôi chính là phụ thân của Phương Lan Tôn, ân đức của ngài, tôi nhất định sẽ báo đáp! Tôi nghe nói âm đức có thể cảm động đến trời xanh. Đến nay thọ mệnh của ngài đã hết, tôi vừa báo cáo lên Thiên đế để cầu xin cho ngài”. Nói rồi đi mất.
Ba ngày sau, Lưu Nguyên Phổ lại nằm mơ thấy phụ thân của Phương Lan Tôn đứng trước tiền đình, mặc áo bào màu tím, thị vệ đứng uy nghiêm xung quanh, ông cảm tạ Lưu Nguyên Phổ, nói: “Kẻ bất tài như tôi may mắn được thỉnh Thiên đế, Thiên đế đã đồng ý kéo dài thọ mệnh cho ngài thêm 25 năm nữa, phúc hưởng ba đời, con cháu không gặp tai ương. Những người đã tàn sát gia đình tôi đều bị xét xử, hiện giờ tai họa khắp thân. Người đã chết thì con cháu phải chịu họa. Thiên đế còn thương xót cho oan tình của tôi, cho khôi phục chức vụ, cai quản vùng sông núi Hoài Hải”. Rồi ông nghẹn ngào cáo biệt.
Trời sáng, Lưu Nguyên Phổ vẫn nhớ rõ cảnh tượng giấc mơ những vẫn không tin. Ba năm sau, vị thuật sĩ xem tướng quả nhiên lại đến, vừa gặp đã chúc mừng Lưu Nguyên Phổ: “Thọ mệnh của Ngài đã được kéo dài rồi. Để tôi xem khoảng cách giữa lông mày và tóc của Ngài nào”.
Lưu Nguyên Phổ bỏ mũ lộ ra vầng trán, thuật sĩ nói: “Ôi, đây đúng là bằng chứng nhờ âm đức mà cảm động đến Thiên đế. Từ nay về sau 25 năm nữa, phúc hưởng ba đời”. Lúc này, Lưu Nguyên Phổ mới kể cho ông ấy nghe chuyện về phụ thân của Phương Lan Tôn. Thuật sĩ nói: “Hàn Quyết nước Tấn thời Xuân thu âm thầm bảo vệ Triệu Thị, Tư Mã Thiên cho rằng mười đời nhà Triệu Thị đều làm đến vương hầu, chính vì có âm đức. Huống hồ gia đình Phương Lan Tôn đã không có người nối dõi, bản thân Phương Lan Tôn chỉ là nô tì. Vậy mà ngài không những không tiếc tiền tài lại không bị mê mẩn bởi nhan sắc xinh đẹp của cô ấy, ngài đã thương cảm giúp đỡ cho cô gái mồ côi, đây đều là âm đức dày của ngài”.
Lưu Nguyên Phổ nhờ tích được âm đức lớn nên không chỉ thay đổi được thọ mệnh của mình, mà con cháu ba đời còn được hưởng phúc, không phải chịu tai họa, ở nhân gian mà nhìn thì đây chẳng phải là việc đại hảo sự có cầu cũng không được hay sao? Ông Trời luôn đối đãi công bằng với người tốt, phúc phận đều là nhờ tích đức hành thiện mà có được.
Nguồn: Zhengjian.org
Chân Nhiên