Một người có lòng cảm ân, họ sẽ có tất cả, một người không có tâm cảm ân, họ sẽ mất tất cả
Ngày vui cũng là một ngày, ngày buồn cũng là một ngày, mỗi ngày được sống trên đời là một ngày quý giá. Hãy đặt mình trong sự biết ơn! Có như vậy ta mới nhận ra mình đã được ban tặng quá nhiều yêu thương, che chở, bài học, kinh nghiệm, vốn sống, những cung bậc cảm xúc khác nhau, và tha thứ. Cuộc sống luôn luôn là một món quà!
Trong cuộc đời mỗi người chúng ta có rất nhiều lòng biết ơn: Biết ơn ông bà, cha mẹ, biết ơn những người bao bọc, giúp đỡ mình những khi mình gặp khó khăn….
Biết ơn là sự ghi nhớ và trân trọng những gì mình nhận được từ người khác. Có nhiều cách để thể hiện lòng biết ơn và cũng có rất nhiều câu chuyện hay với những bài học giá trị về lòng biết ơn.
Khi đức Phật còn tại thế, có một ông lão có 5 đứa con, nhưng chúng đều không muốn phụng dưỡng cha mình. Không còn cách nào khác, ông lão đành phải đi ăn xin trên đường phố. Ông cảm thấy cuộc sống tràn ngập đau khổ, cũng oán giận vì sự bất hiếu của những đứa con, nhưng cũng đành chấp nhận số phận bi thảm lúc tuổi già của chính mình.
Có một ngày, ông gặp được Đức Phật và hỏi: “Đức Phật từ bi, Ngài có cách nào có thể thay đổi vận mệnh của con không?”. Đức Phật liền hỏi ông ta: “Ông biết cảm ân là gì không?”. Ông lão trả lời: “Con không biết cảm ân là gì, xin Đức Phật khai thị”.
Đức Phật chỉ tay vào cây gậy trong tay ông lão và nói: “Ông có biết ơn cây gậy trong tay mình không?”. Ông lão nghe xong liền nói: “Con rất biết ơn cây gậy này! Lúc con đi xin ăn gặp phải những con chó hung hăng, nó chính là vật dụng giúp con đánh đuổi lũ chó. Và khi đi trên những con đường gập ghềnh, những khi leo dốc, xuống dốc, nó là vật dụng giúp con chèo chống để bước đi thêm vững chắc. Lúc mệt, con gối lên nó để nằm ngủ, nó chính là chỗ dựa tinh thần của con. Vì thế, con thật sự phải cảm ơn nó rất nhiều”.
Đức Phật vui mừng, khen ngợi: “Thiện tai, thiện tai! Vậy từ nay về sau, mỗi ngày ông hãy cầm cây gậy này và đừng quên nói lời cảm ơn, nói đến một thời điểm nào đó, vận mệnh của ông sẽ thay đổi!”. Ông lão nghe xong lời giáo huấn của Đức Phật, cảm thấy rất tin tưởng, từ đó về sau mỗi ngày ông đều nói cảm ơn.
Không chỉ cảm ơn chiếc gậy, ông còn cảm ơn những người tốt bụng đã bố thí cho mình, thậm chí còn cảm ơn những đau khổ mà mình đã trải qua, những kẻ xấu đã lừa gạt mình. Nói lời cảm ơn khiến cho trái tim ông không còn oán hận mà đọng lại chỉ là sự biết ơn. Năm tháng trôi đi, ông đã thành thạo được một phương pháp tu hành, gọi là “phương pháp cảm ơn cây gậy”.
Có một ngày khi Đức Phật đang giảng pháp, ông lão thầm nghĩ: “Cuộc sống hạnh phúc của ta hôm nay chính là do Đức Phật ban tặng, ta phải cảm ơn Ngài”, thế là ông liền đến nghe Đức Phật giảng pháp. Đức Phật thấy ông lão đến, liền nói với đại chúng: “Hôm nay chúng ta mời một người tu hành đến đây để nói về pháp ‘cảm ân tam muội’ của ông ấy’.
Thế là Đức Phật liền mời ông lão lên đài, để ông kể về câu chuyện cảm ân của mình. Đúng vào ngày hôm đó, 5 đứa con của ông cũng ngồi ở phía dưới nghe giảng, khi họ nghe cha mình nói: “Đối với một cây gậy còn phải thành tâm thành ý cảm ơn như thế, huống gì là con người. Đối với cha mẹ, người đã cho ta sinh mạng, nếu như còn không biết đền ơn đáp nghĩa thì người này còn không bằng cả loài cầm thú!”.
Sau khi nghe xong câu chuyện, năm người con đã rất xúc động, chúng lần lượt chạy lên đài, tranh nhau quyền nuôi dưỡng cha, tranh nhau nói: “Về nhà với con! Về nhà với con!”. Lúc đó Đức Phật liền nói với ông lão: “Vận mệnh của ông bây giờ đã thay đổi rồi! Một người có lòng cảm ân, họ sẽ có tất cả, một người không có tâm cảm ân, họ sẽ mất tất cả”.
Phật Pháp chỉ nói tới báo ân mà không giảng báo oán. Đối với ân huệ của người khác, lúc nào cũng phải luôn nhớ rằng: “Thụ ân một giọt, báo ân một dòng”. Còn đối với những thù oán của người khác, thì hãy quên nó càng sớm càng tốt, không nên canh cánh trong lòng, ghi hận trong tâm. Bởi vì lợi người cũng là lợi mình, hại người cuối cùng lại là hại mình.
Năm 2014, nhà tâm lý học Thomas Gilovich của Đại học Cornell đã có bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh “Greater Good Gratitude Summit”. Ông cho rằng, chướng ngại lớn nhất của lòng biết ơn là phương thức được lập trình của bộ não người: Chúng ta thường nhớ rất rõ những gì đã cản trở chúng ta, nhưng lại thường bỏ lỡ những thời khắc đẹp mà cuộc sống ban tặng.
“Bởi vì trong cuộc sống, con người luôn có những mục tiêu phấn đấu hay có những vấn đề trước mắt phải giải quyết, làm chúng ta có xu hướng tập trung khắc phục khó khăn hơn là thưởng thức những điều tốt đẹp. Việc này đối với cuộc sống vật chất chúng ta là tốt, nhưng cũng làm cho ta không ý thức được điều thực sự cần trên con đường dẫn tới thành công”.
Jack Canfield, chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về thành công cá nhân cho rằng thái độ mạnh mẽ nhất trong tất cả các thái độ tích cực chính là Lòng Biết Ơn. Ông từng nhận định: “Để nâng cao năng lực của bản thân, chúng ta cần xem trọng lòng biết ơn. Lòng biết ơn là thành phần đơn quan trọng nhất cho một cuộc sống hạnh phúc tròn đầy”.
Hằng Tâm sưu tầm