Một người trong lòng luôn chứa niềm cảm ân với con người với tự nhiên, cuộc sống thì ắt là sẽ luôn được sung túc
Trong suốt cuộc đời mình, mỗi người đều chịu ơn dưỡng dục của tạo hóa và vạn vật xung quanh. Vốn chẳng ai có thể tự mình làm nên tất cả. Một người trong lòng luôn chan chứa niềm cảm ơn với con người với tự nhiên, cuộc sống thì ắt là sẽ luôn được sung túc không cách này thì cách khác.
Người Israel có một thói quen kỳ lạ, đó là họ không bao giờ thu hoạch hoa màu ở bốn góc ruộng ven đường, cho dù phần hoa màu đó đã chín vàng và chỉ chờ bàn tay người hái về. Hoa màu đều để lại đó, bất kỳ ai cần đến đều có thể mang về.
Họ cho rằng Thiên thượng đã ban cuộc sống hạnh phúc cho người Do Thái – một dân tộc đã trải qua biết bao tai ương khổ nạn. Với lòng cảm ân, họ đã để lại hoa màu ở bốn góc ruộng. Đó là để báo đáp Thần, cũng là cung cấp cho những người đói nghèo khi đi ngang qua ruộng đất này. Hoa màu là do tự mình trồng, hãy để lại một ít cho người khác thu hoạch, bởi vì, chia sẻ là một loại cảm ân, cũng là một loại mỹ đức.
Không chỉ riêng người Do Thái mà câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại Hàn Quốc. Bên đường quốc lộ ở vùng nông thôn Hàn Quốc có rất nhiều vườn cây hồng. Đến tiết thu vàng, đâu đâu cũng thấy người nông dân bận rộn hái trái, nhưng họ vẫn không quên để lại rất nhiều trái hồng chín trên cây. Nông dân địa phương nói rằng, cho dù trái hồng có ngon lành hấp dẫn ra sao họ cũng sẽ để lại, vì đó là món quà dành cho chim hỷ thước.
Thì ra nơi đây là chỗ cư ngụ của chim hỷ thước. Mỗi khi mùa đông đến, chim hỷ thước thường làm tổ trên cây để trú đông. Một năm nọ khi mùa đông đến, trời lạnh giá khác thường, tuyết rơi dày đặc, mấy trăm con chim hỷ thước vì không tìm được thức ăn mà bị chết đói chết rét trong một đêm. Năm sau khi mùa xuân về, vườn hồng nảy lộc đâm chồi, đơm hoa kết trái. Nhưng đúng vào thời gian đó, một loài côn trùng kỳ lạ lan tràn khắp nơi gây tai họa. Năm đó vụ hồng thất thu hầu như không còn quả nào.
Từ đó trở đi, mỗi năm vào vụ thu hoạch hồng, người dân Hàn Quốc đều để lại một số quả trên cây làm thức ăn mùa đông cho chim hỷ thước. Những trái hồng hấp dẫn đã thu hút ngày càng nhiều chim hỷ thước đến đây để trú đông. Dường như chim hỷ thước cũng biết cảm ơn người, khi mùa xuân đến, chúng không vội bay đi mà cả ngày bận rộn bắt sâu bọ để năm đó lại có vụ hồng thơm ngon bội thu.
Người dân bảo nhau rằng, đến mùa thu hoạch đừng quên để lại một số trái hồng trên cây. Bởi vì, lưu lại cho người khác cũng chính là lưu lại con đường sống và hy vọng cho chính mình. Hết thảy vạn vật trong thiên nhiên đều dựa vào nhau sinh tồn, một loài hưng thịnh thì tất cả các loài đều hưng thịnh, một loài bị tổn hại thì tất cả các loài bị tổn hại.
Trong suốt cuộc đời mình, mỗi người đều chịu ơn dưỡng dục của tạo hóa và vạn vật xung quanh. Ta sinh ra đã thấy mọi thứ đều được an bài sẵn như vậy. Vốn chẳng ai có thể tự mình làm nên tất . Vậy nên các bậc tiền bối luôn nhắc nhở con cháu của mình rằng “Ở hiền gặp lành” ,“Có đức mặc sức mà ăn”.
Học cách cảm ơn mẹ Thiên Nhiên chính là cách một người đang hướng thiện và sống vị tha hơn. Một người trong lòng luôn chan chứa niềm cảm ơn với con người với tự nhiên, cuộc sống thì ắt là luôn được hạnh phúc, đủ đầy. Mang trong mình một trái tim biết cảm ân, đối diện với cuộc sống, đối đãi với tất cả những vấn đề trong cuộc sống, ít nhất tâm trạng của bạn sẽ luôn tích cực và rộng rãi bao la.
Biên tập và sưu tầm Minh Hoàng