Ngay cả khi phải đối diện với thất bại, thua thiệt, bạn vẫn cần phải sống trung thực
Cuộc sống của bạn là do bạn chọn, con đường của bạn là do bạn tự đi, nhưng muốn người khác trung thực với mình thì trước tiên mình phải là người trung thực. Ngay cả khi phải đối diện với thất bại, thua thiệt, bạn vẫn cần phải sống trung thực. Bởi trung thực là chìa khóa mở cánh cửa đến hạnh phúc.
Trong cuộc sống, tính trung thực giúp bạn trở nên đáng tin cậy trong mọi mối quan hệ, giao dịch, đó là sức mạnh lớn nhất giúp thuyết phục người khác. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kì việc gì. Trung thực làm nên nhân cách con người. Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ, nó đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc với bản thân.
Walter Anderson từng nói rằng: “Cuộc sống sẽ thay đổi khi chúng ta biết nắm bắt các cơ hội cho mình, nhưng cơ hội đầu tiên và khó khăn nhất lại là việc chúng ta phải thành thật với chính bản thân mình”.
Ngay cả khi phải đối diện với thất bại, thua thiệt, ta vẫn cần phải sống trung thực, có thế, ta mới có thể ngẩng cao đầu mà sống và cảm thấy thanh thản trong lòng.
Có một câu chuyện như thế này: Vào một buổi tối thứ Sáu nọ, một nghệ sĩ trẻ nghèo khổ đang đứng gần lối vào ga tàu điện ngầm như thường lệ và đang chơi đàn viôlông mà không để ý đến điều gì khác. Điệu nhạc thật đẹp đẽ, du dương và cảm động. Mặc dù người ta đang hối hả trở về nhà vào cuối tuần, nhiều người vẫn không kìm được ngoài việc rảo bước chậm lại khi đi ngang qua đó. Cứ một lúc, lại có người bỏ vài đồng vào chiếc mũ của người nghệ sĩ trẻ đặt trên nền đất.
Tối hôm sau, người nghệ sĩ trẻ lại xuất hiện trước lối vào ga tàu điện ngầm như thường lệ. Anh cởi chiếc mũ trên đầu và đặt nó lên sàn. Điều khác so với lần trước là anh lấy ra một tờ báo lớn trong túi xách và cũng cẩn thận đặt nó lên sàn. Anh đặt lên tờ báo vài viên đá nhỏ mà anh mang theo. Sau khi xếp đặt mọi thứ xong xuôi, anh chuyển sang chiếc đàn viôlông và chơi nó. Tiếng nhạc lần này nghe còn cảm động và du dương hơn trước đó nữa.
Không lâu sau, một đám đông tụ tập xung quanh chàng nghệ sĩ viôlông trẻ tuổi. Người ta bị thu hút bởi những chữ lớn viết trên tờ báo đặt trên sàn. Một số người thậm chí còn kiễng chân lên để xem. Chữ trên tờ báo viết: “Ngày hôm qua, một quý ông tên George Sung đã bỏ nhầm một vật quan trọng vào mũ của tôi. Xin nhanh chóng tới nhận lại.”
Mọi người đều muốn biết vật được nói đến là gì. Một số người thậm chí còn chờ đợi quanh đó để mong kiếm chác. Sau nửa giờ, một người đàn ông trung niên hớt hải chạy đến trước chàng nghệ sĩ trẻ. Ông vỗ vai anh ta và hỏi một cách rời rạc: “Ôi chao, đúng là anh rồi! Anh thực sự đã quay lại. Tôi biết anh là một người thành thực và anh chắc chắn sẽ quay lại.”
Chàng nghệ sĩ viôlông trẻ điềm tĩnh hỏi: “Ông có phải Mr. George Sung không?” Người đó gật đầu rất nhanh. Chàng nghệ sĩ viôlông lại hỏi: “Ông đã quên mất vật gì?” Quý ông đáp: “Chiếc vé số trúng giải của tôi, vé số trúng giải của tôi.” Chàng nghệ sĩ trẻ bèn lấy chiếc vé số ra khỏi túi áo.
Cái tên “George Sung” được viết trên tấm vé. Chàng nghệ sĩ trẻ cầm tấm vé số trong tay, giơ cao lên và hỏi: “Có phải nó không?” George Sung gật đầu lia lịa, sau đó giật lấy tấm vé và hôn nó. Rồi ông ta ôm chặt chàng trai, nâng anh ta lên, và xoay anh ta hai vòng trên sàn.
Câu chuyện là như thế này. George Sung là một nhân viên tại một công ty. Mấy ngày trước, ông đã mua một tấm vé số của ngân hàng. Trưa ngày hôm trước, ngân hàng công bố người trúng giải. Tấm vé của ông đã trúng giải nửa triệu đô-la!.
Sau khi đi làm về, tâm trạng của ông rất vui vẻ và ông cảm thấy tiếng nhạc thật tuyệt vời. Do đó ông đã lấy tờ 50 đô-la trong ví và bỏ vào chiếc mũ. Nhưng ông lại sơ ý bỏ chiếc vé số trúng giải lẫn với tờ tiền.
Chàng nghệ sĩ viôlông trẻ là sinh viên của một trường cao đẳng nghệ thuật. Anh đã lên kế hoạch tới Vienna để học lên cao hơn. Chuyến bay của anh lẽ ra đã khởi hành vào sáng hôm ấy. Nhưng khi sắp xếp hành lý vào ban đêm, anh đã phát hiện thấy chiếc vé số trúng giải 500 nghìn đô-la. Nghĩ rằng người mất nó sẽ quay trở lại để tìm, anh đã hủy vé chuyến bay buổi sớm để kịp tới trả lại đồ cho người bị mất.
Sau đó, có người hỏi chàng nghệ sĩ viôlông trẻ: “Anh cần tiền đi học. Để kiếm tiền vì điều đó, anh đã tới ga tàu điện ngầm mỗi ngày và chơi đàn. Tại sao anh không giữ tấm vé trúng giải 500 nghìn đô-la cho riêng mình?” Chàng nghệ sĩ đáp: “Ngay cả khi không có nhiều tiền, tôi vẫn sống hạnh phúc. Nếu mất đi sự chân thật và tin cậy của mình, tôi sẽ không hạnh phúc, thậm chí một ngày nào nữa.”
Abraham Lincoln – Tổng thống thứ 16 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1861 – 1865) đã gởi bức thư sau cho thầy giáo của con mình: “Kính thưa thầy! Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có những con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với 5 đôla nhặt được trên hè phố…”
Trung thực là thành thực với người và cả với chính mình, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức chân thật trong từng lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính.
Muốn người khác trung thực với mình thì trước tiên mình phải là người trung thực. Ngay cả khi phải đối diện với thất bại, thua thiệt, bạn vẫn cần phải sống trung thực. Bởi trung thực là chìa khóa mở cánh cửa đến hạnh phúc
Nguồn: Chanhkien.org
Chân Kiến biên tập