Người biết hài lòng là giàu có nhất
Cuộc sống là một hành trình không ngừng nghỉ của con người hướng về phía trước. Có người theo đuổi công danh, lợi lộc, có người nỗ lực học hành, có người lại bận rộn với gia đình của mình. Vậy nên người ta hiếm khi hiểu được cảm giác hài lòng chính là một sự giàu có.
Tổ tiên của chúng ta thuộc thời đại văn minh nông nghiệp, tỷ lệ người làm nông nghiệp chiếm phần lớn. Vì vậy mùa màng bội thu đã trở thành sự đảm bảo cho mức sống của con người, nên người xưa quan tâm đến sự thay đổi của thời tiết và họ thường làm những tế lễ linh thiêng khác nhau để cầu thần linh phù hộ mưa thuận gió hoà, một mùa bội thu.
Cuộc sống của người xưa rất đơn giản và hạnh phúc. Các nhân vật cổ đại nghĩ gì về sự giàu có và dư dả? Họ tin rằng chỉ cần họ có quần áo để mặc và có thức ăn thì họ sẽ giàu có. Được no ấm, họ biết ơn ông trời ban tặng, đó chính là một tâm lý mãn nguyện và hạnh phúc giản đơn!
Có một câu thành ngữ như thế này “đắc lũng vọng thục”. Dục vọng của con người vô tận, có được thứ này liền muốn thứ khác. Người bị dục vọng khống chế cũng giống như bị gông kiềng xiềng xích, tự mình không thể thoát thân. Quần áo mua rất nhiều mà không mặc đến, nghĩ cách tìm kiếm những món cao lương mỹ vị để hưởng thụ, nhưng cuối cùng chúng không thể đáp ứng ham muốn của mọi người.
Một số người càng ăn càng muốn khám phá thêm vì chưa thỏa mãn, thậm chí giết động vật trực tiếp để làm những món ăn tươi sống. Nhưng rốt cuộc vẫn không vui, không tìm thấy sự thanh thản đích thực của nội tâm, cảm giác trống rỗng càng ngày càng mạnh, tinh thần càng ngày càng nặng nề.
Tất cả đều bắt nguồn từ mong muốn không biết thế nào là đủ của một số người, bởi vậy ngay cả khi họ có tất cả, họ vẫn cảm thấy bản thân đang bị thiếu. Trong cuốn “Trang Tử – Ngư Phủ” có giảng rằng: “Người giỏi kỹ xảo thường mệt mỏi nhất, người thông minh hàng ngày thường lo lắng, chỉ những người không chấp vào bản sự mới không truy cầu.”
Một người hiểu được nhu cầu của bản thân, làm việc và tận hưởng cuộc sống biết lượng sức mình, không mù quáng ganh đua, chạy theo những dục vọng, muốn làm được như vậy cần phải biết buông bỏ rất nhiều mới có được tâm thái này. Người như vậy không chỉ không làm lỡ đại sự, thậm chí còn đưa đến tác dụng tốt nhất.
Đạo gia còn có một câu nói nổi tiếng: “Cầu nhi bất đắc, bất cầu nhi đắc”, cầu thì không đắc, không cầu lại đắc. Có thể nói vô cầu là “đường tắt” đi tới thành công. Một người vô sở cầu, tâm ý đơn giản, khi giao thiệp với người khác sẽ không mang theo mục đích, chỉ thuần túy, thánh khiết, nên dễ được người khác đón nhận. Họ lại biết sống thuận theo tự nhiên, không sinh chuyện thị phi, nên có thể tránh khỏi những điều trái ý, có thể thuận theo thời thế mà đắc được thời cơ.
Thần y Biển Thước từng nói: “Tâm loạn bách bệnh sinh”. Tâm nhẹ nhàng ắt sẽ khoẻ mạnh, vô bệnh. Vậy nên tâm cảnh an yên là nguyên tắc đầu tiên giúp thân thể khỏe mạnh.
Ước muốn của con người là vô tận, nó là điều cần thiết trong cuộc sống, nhưng đôi khi, người ta biến nó thành những ham muốn thái quá. Điều đó dần trở thành tham vọng và chúng chính là cội nguồn của những rắc rối không nên xuất hiện trong đời.
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, mặc dù văn minh vật chất tiến lên nhưng văn minh tinh thần đang mất phương hướng và có dấu hiệu đi xuống. Người ta thường nói về một cuộc sống cân bằng, đó là khi mà tâm thái của chúng ta luôn luôn giữ được bình tĩnh và tỉnh táo. Đôi khi, cần bước chậm lại để thấy mình đang mơ mộng hão huyền và ta cần phải nỗ lực để từ bỏ những mơ mộng ấy. Hàng ngàn năm qua, chẳng phải các tôn giáo trên thế giới đều cố gắng nói với con người điều này: “Ham muốn chỉ làm ta thêm đau khổ” và rằng “Biết đủ thì sẽ là hạnh phúc, an nhiên”.
Khi tham vọng quá lớn, con người ta cũng dễ mất đi sự ước thúc của đạo đức, các mối quan hệ dần trở nên xấu đi. Có người muốn nổi tiếng bằng cách làm một ngôi nhà độc đáo, hoặc có người mua xe hơi đắt tiền, có người yêu người có vị thế… họ vất vả để đạt được những tham vọng cá nhân.
Có câu nói rằng: “Cao ốc ngàn gian, đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”. Vậy hà cớ gì người ta không biết đủ, mà phải lao tâm khổ tứ truy cầu nhiều thứ như thế?
Một người biết đủ ở phương diện công danh lợi lộc có thể không thành công như người khác nhìn vào nhưng hẳn là sẽ vui vẻ, hạnh phúc. “Biết đủ” chính là cách nắm giữ hạnh phúc trong tay. Người ta nói rằng “vui vẻ” là nguyên tố không thể thiếu của mỗi người.
Có tâm biết đủ là quý trọng những gì có ở hiện tại. Chúng ta đừng nên nghĩ mình thiếu những gì mà nên nghĩ nhiều về những thứ mình đã có. Nếu không quý trọng, thì những thứ đang có hiện tại cùng rời bỏ chúng ta mà đi. Cách tránh được tai họa chính là coi trọng phúc phận mình đang có. Ví như sinh mệnh và sức khỏe là tài phú lớn nhất của mỗi người nhưng mọi người lại thường xem nhẹ, đến lúc sắp mất đi rồi mới thấy hối tiếc thì đã muộn.
Hài lòng là giàu có,những người đạt được giàu có là người hạnh phúc. Có câu nói rất hay rằng: “Đừng khóc vì không có giày đi bởi vì có người còn không có chân để đứng”. Hạnh phúc đối với rất nhiều người dường như chỉ là một ước mơ xa vời. Nhưng kỳ thực ước mơ ấy vẫn luôn nằm sẵn trong tâm mỗi chúng ta. Người xưa nói: “Tri túc giả, lạc thường dã”, chính là biết đủ thì thường vui.
Người biết đủ, biết hài lòng là những người hạnh phúc nhất. Họ không tham lam những thứ không thuộc về mình, không truy cầu những thứ cao xa, không có lòng dạ đen tối, không hám danh hám lợi, không mong muốn vinh hoa phú quý. Trong lòng họ không có buồn lo, ưu sầu, có chăng chỉ là bình an, vui vẻ.
Nguồn: Secretchina
Hằng Tâm