Người có lòng ghen ghét, tật đố chính là người đáng thương nhất trên đời
Tâm đố kỵ, ghen ghét là nguồn gốc sinh ra tham lam và độc ác, người khác có chuyện tốt, thì nên vui mừng cho họ, cảnh giới này nhất định phải tu dưỡng mới có được.
Một vị Thiên sứ được Thượng Đế phái đến nhà một người nông dân và nói với ông ấy:
-“Thượng đế thấy con có khá nhiều đức tính tốt, nên quyết định ban cho con ba điều ước. Nhưng kèm theo một điều kiện: Dù là con ước điều gì thì người hàng xóm của con đều có cơ hội được hưởng phúc gấp hai lần con”.
Người nông dân đó quá đỗi vui mừng, nói:
-“Hãy ban cho con một núi thóc gạo, để một năm trời con không lo thiếu lương thực”.
Sáng sớm ngày hôm sau, quả nhiên trước cửa gạo chất thành đống tựa như một quả núi nhỏ. Lão nông dân vô cùng cao hứng, chuẩn bị tu sửa kho thóc để chứa số gạo kia.
Thế nhưng, chợt ông lão nhìn thấy trước cửa nhà hàng xóm có đến hai đống gạo tựa như hai quả núi nhỏ, cặp vợ chồng hàng xóm này bình thường rất nghèo khó, nên mừng quýnh lên và vội vội vàng vàng ra sân mà vơ lấy, điều này khiến lão nông kia cảm thấy trong tâm rất khó chịu.
Mấy hôm sau, vị Thiên sứ kia lại đến, lão nông dân liền ước điều ước thứ hai:
-“Ước sao Thượng đế ban cho con một mụn con”.
Quả nhiên, mười tháng sau, vợ của người nông dân liền sinh hạ một bé trai rất kháu khỉnh. Người nông dân vui mừng, mình đã có con trai, một việc đại hỷ đến nhường nào.
Người hàng xóm cạnh nhà sau khi nghe tin vui, liền mang trứng gà sang chúc mừng, đồng thời họ cũng vui mừng mà báo tin vui cho lão nông dân kia:
-“Đêm hôm trước, bà nhà tôi cũng vừa sinh hạ, còn sinh đôi nữa, một trai một gái.”
Lão nông dân đang vui nhưng nghe vậy lại cảm thấy vô cùng khó chịu và nhớ ra lời của thiên sứ là “Dù con ước gì thì người hàng xóm sẽ được gấp đôi”.
-“Hàng xóm kia vừa nghèo vừa không có khả năng gì vượt trội mình, người vợ thì mặt toàn nếp nhăn, vừa thấp vừa xấu, vì cớ gì mà lại có phúc phận gấp đôi mình kia chứ?” Càng suy nghĩ, lão nông dân càng thấy bất bình, khó chịu trong tâm.
Nhá nhem tối ngày hôm đó, Thiên sứ lại một lần nữa hạ thế, hỏi lão nông dân đề xuất điều ước thứ ba của mình. Lúc này, lão nông dân quỳ trên mặt đất thống khổ nói:
-“Thưa Thiên sứ, cầu xin người hãy chém đứt một tay của con được không?”.
Thiên sứ ngạc nhiên:
-“Vì sao lại thế?”.
Lão nông dân nói:
-“Con quả thực không sao hiểu nổi, tại sao người hàng xóm của con lại được gấp đôi phúc báo? Tại sao thế ạ? Con thà mất đi một cánh tay, cũng là vì muốn cho ông ta bị mất đi hai cánh tay, làm vậy thì trong tâm con mới thấy đôi chút dễ chịu”.
Một lúc lâu không thấy Thiên sứ nói gì, lão nông dân liền ngẩng đầu lên nhìn Thiên sứ, thấy Thiên sứ lệ rơi đầy mặt, nói:
-“Ngươi hà tất phải hủy hại bản thân, lại còn làm hại người khác nữa? Ngươi biết không? Những kiếp trước ngươi cũng đã từng là người tu Đạo, tâm gì ngươi cũng tu được tốt, duy chỉ còn tâm tật đố là không buông bỏ được mà tu không thành, kiếp này lại phải rơi rớt đến cõi hồng trần này mà chịu khổ.”
-“Còn người hàng xóm của ngươi, đã từng là Sư phụ của ngươi, phúc đức của ông ấy vĩnh viễn lớn hơn của ngươi gấp bội, nhưng bởi vì ngươi mà ông ấy muốn theo xuống để giúp ngươi tu. Thượng Đế muốn hồi báo cho ông ấy là chủ yếu, và mượn đó để xem ngươi còn tật đố kỵ hay không? Vì sao không nghĩ cho thấu đáo thế?”
-“Hơn nữa việc này, cũng là đã được an bài cả rồi. Nếu như ngươi có thể không đố kỵ như vậy, khi thấy hàng xóm có chuyện tốt, thì lẽ ra nên nói lời chia vui với họ, thì sinh mệnh của ngươi cũng sẽ đắc phúc báo còn hơn rất nhiều”.
Lão nông dân liền tỉnh ngộ, đáng tiếc là hiểu ra quá muộn màng, không còn cơ hội nữa, ông ấy nhìn Thiên sứ biến mất, mà ra sức đập đầu của mình xuống đất tỏ ý hối tiếc khôn thấu.
Hoàng đế Khang Hy từng có giáo huấn: “Nói chung người ta phải giữ mình mà xử thế, cần phải có khoan dung ở trong tâm. Thấy người gặp việc đắc ý, thì nên sinh tâm vui mừng. Thấy người gặp việc thất ý, thì nên sinh tâm cảm thông. Đây đều là chỗ khiến bản thân được thoải mái thực sự. Nếu như đố kỵ với thành công của người khác, vui mừng trước thất bại của người khác, thì nào có ích chi? Chỉ là khiến tâm của mình xấu đi mà thôi. Cổ ngữ nói: ‘Thấy cái được của người khác, như tự mình đắc được vậy. Thấy cái mất của người khác, như chính mình bị mất vậy.’ Nếu như trong tâm được như vậy, Thiên thượng nhất định sẽ bảo hộ loại người này”.
Tâm đố kỵ là nguồn gốc sinh ra tham lam và độc ác, người khác có chuyện tốt, thì nên vui mừng cho họ, cảnh giới này nhất định phải tu dưỡng mới có được.
Người có tâm ghen ghét, đố kị không những hại mình mà còn hại người khác, đối với người tu luyện lại càng cực kỳ nghiêm trọng. Vậy nên, chúng ta nhất định cần phải tu bỏ để có thể đắc phúc báo cho riêng mình.
Lan Hòa biên tập
Nguồn: Tinh Hoa