Người có thể Nhẫn ắt tránh được rắc rối, sống tiêu diêu mà không sợ phiền muộn
Trong cuộc sống, người có tính cách thô bạo, thường dễ dàng nổi nóng. Còn người có tính cách nhân hậu, khoan dung, khiêm nhường thì dễ dàng nhẫn nhịn. Có câu rằng, muốn tu tâm trước hết phải tu dưỡng đạo đức, muốn tu thân phải kìm được tức giận.
Một số người cho rằng, hỷ nộ ai lạc là lẽ thường tình của con người. Sống trong một thế giới đầy mâu thuẫn, ai mà chưa từng gặp phải những điều khiến mình tức giận, không thoải mái, khiến mình phẫn nộ?
Tuy nhiên, tức giận và phẫn nộ, bất luận là đối với việc dưỡng sinh thân thể hay tu dưỡng tâm tính cũng vậy, đều là trăm phần hại không có một phần lợi.
Người xưa nói: “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Nếu con người có thể khoan dung độ lượng, nhẫn chịu mà không tranh biện thì tự nhiên sẽ tránh được rắc rối, vô lo vô nghĩ, sống tiêu diêu tự tại.
Trong “Luận Ngữ.Vệ Linh Công” có nhắc một câu: “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu”, ý nói việc nhỏ mà không nhẫn được thì việc lớn ắt sẽ hỏng.
Tư Mã Thiên trong “Sử ký” cũng nói: “Tiểu bất nhẫn hại đại nghĩa”, ý nói là việc nhỏ không nhẫn được thì có hại tới đại nghĩa.
Trong dân gian có câu: “Nhẫn nhịn có thể sinh trăm phúc, có thể đạt ngàn điềm lành”. Còn một câu tục ngữ nữa là: “Nhất cần thiên hạ vô nan sự, bách nhẫn đường trung dưỡng thái hòa”, nghĩa là chỉ cần siêng năng thì trên đời không có chuyện khó, nhẫn chịu được thì trên đường sẽ bình yên.
Vào thời nhà Đường, Trương Công Nghệ có viết trong cuốn “Bách nhẫn ca” rằng:
Người nhân từ có thể nhẫn được điều khó nhẫn, bậc trí giả có thể nhẫn được chỗ không đáng nhẫn.
Có nhẫn thì có thể đi khắp thiên hạ, kết giao được nhiều người.
Chịu được đạm bạc có thể dưỡng thần, chịu được cơ hàn có thể lập chí, chịu được gian khổ có thể có tích lũy; tránh được hoang dâm sẽ không sinh bệnh tật”.
Thời nhà Thanh, có một vị quan khâm sai đại thần tên là Lâm Tắc Từ, từng tự ghi một tấm bảng cảnh báo, nhắc nhở bản thân rằng: “kiềm chế cơn giận”, được treo trên cao ở tiền sảnh.
Có một lần, Lâm Tắc Từ đến gặp Tổng đốc Quảng Đông và Quảng Tây, trong một lần không kiềm chế được khi thi hành công vụ, ông tức giận đập vỡ một tách trà. Đến khi ngẩng đầu lên nhìn thấy tấm bảng cảnh báo “kiềm chế cơn giận” của mình, ông mới chợt nhận ra bệnh cũ của mình lại tái phát. Vì vậy, ông lập tức tự mình dọn sạch tách trà bị vỡ, từ chối sự giúp đỡ của người hầu nhằm bày tỏ sự hối hận.
Điều này cho thấy, người xưa từ lâu đã hiểu được sự nguy hại của cơn tức giận.
Vậy nên, khi đối xử với mọi người, không phân biệt họ đúng hay sai, lời nói mà không hợp ý mình thì liền phát hỏa, đó là biểu hiện của sự không có hàm dưỡng. Người nóng giận nên nhìn vào gương của Lâm Tắc Từ, cần tự hiểu rõ bản thân mình, tăng cường tu dưỡng tâm tính, chú ý “kiềm chế nóng giận”, bình tĩnh và thuyết phục mọi người bằng lý trí, không nên phóng túng sự nóng giận trong lòng. Nếu không sẽ dễ làm tổn thương người khác và chính mình.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc cũng từng có một cuộc thảo luận sâu sắc về sự “tức giận”, đại ý rằng, tức giận được sinh ra từ khí. Trong đó, khí và sự giận dữ được ví như anh em sinh đôi. Từ phẫn nộ bất bình, mà lửa tức giận bộc phát. Thông thường, tức giận có thể gây ra “khí huyết tiêu hao, can hỏa vượng, tức giận thì hại gan”, điều này từ lâu đã được mọi người biết đến.
Điển hình trong cuộc sống hiện tại, không thiếu những người mà tức giận, thịnh nộ đến chết. Như câu: “Một bát cơm không no được bao tử, một khẩu khí có thể làm chết người”.
Phần lớn sự giận dữ của thế gian đều xuất phát từ lòng tham và sự ích kỷ, những cuộc cãi vã giữa hàng xóm, hay những cuộc cãi vã trên đường, chẳng qua chỉ là vì muốn giữ chút lợi cho mình hoặc vì chịu một chút tổn thất mà không sao chịu được.
Nếu bạn có thể đối xử với công danh lợi lộc thế gian bằng một trái tim vô cảm, thì cơn giận dữ của bạn tự nhiên sẽ ít đi, và bạn cũng sẽ không dễ nổi giận vì một chút lợi ích hay mất mát.
Trong cuộc đời mỗi người, luôn có nhiều điều khiến chúng ta cảm thấy rất tức giận. Nhưng nếu chúng ta có thể chuyển trạng thái tức giận đó thành sự biết ơn, thì chúng ta có thể làm được việc biến sự giận dữ thành bình an, đạt đến cảnh giới tinh thần cao thượng.
Vậy nên:
Hãy biết ơn những người làm tổn thương bạn, vì họ chính là đang giúp bạn rèn luyện ý chí.
Hãy biết ơn những người đã làm bạn vấp ngã, vì họ đang giúp bạn củng cố khả năng của mình.
Hãy biết ơn những người đã lừa dối bạn vì họ đang giúp bạn thông minh hơn.
Hãy biết ơn những người trách cứ bạn, bởi họ đã dạy bạn học được cách nhẫn nại.
Hãy biết ơn tất cả những sinh mệnh đã kết duyên với bạn, bởi sự tồn tại của họ làm cho cuộc sống bạn trở nên phong phú và đầy màu sắc hơn.
Nguồn Kuaibao
Đường Vân