Người đàn ông ‘chết đi sống lại’ bỗng hết mù hết câm
Ông Nguyễn Văn Bé (67 tuổi, ngụ tổ 19, KV.Long Châu, P.Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, Cần Thơ) bị câm và mù hàng chục năm trời không thể cứu chữa, nhưng sau khi ‘chết đi sống lại’ bỗng nhiên hết mù, hết câm.
Ông Bé say sưa kể những câu chuyện ly kỳ về cuộc đời mình. Nhà nghèo nên từ nhỏ, ông phải lặn lội theo cha làm thuê kiếm sống. Năm 26 tuổi, ông lấy vợ, sinh con và cuộc sống ngày càng chật vật.
Năm 27 tuổi, biến cố bất ngờ ập đến. Trong lúc ông Bé đang cuốc đất thuê ngoài vườn thì thấy khó chịu trong người, chân đứng không vững, người run bần bật, bước được vài bước ông té xuống đất rồi hôn mê suốt 3 ngày. Khi tỉnh dậy ông mới biết mình đang nằm ở bệnh viện. “Bác sĩ đến thăm khám, hỏi han nhưng tôi không thể phát âm thành tiếng được. Lúc đó tôi hốt hoảng nhận ra mình đã bị câm”
Sau hơn một tuần lưu trú tại bệnh viện để theo dõi và điều trị nhưng không có kết quả, ông được chuyển lên tuyến trên. Tại một bệnh viện ở Cần Thơ, qua nhiều đợt điều trị nhưng bệnh tình của ông vẫn không tiến triển tốt. Sau khi đã bán 1 công đất để có tiền trang trải viện phí, thuốc thang, ông đanh ngậm ngùi “bỏ cuộc”. Suốt 20 năm sống chung với bệnh câm, muốn trò chuyện với mọi người xung quanh ông đều phải diễn đạt qua chữ viết. Từ đó nhiều người gọi ông là ông “Bé câm”.
Tháng 9.1995, khi bệnh câm chưa trị được thì biến cố khác ập đến. Đang ngồi uống cà phê với mấy người bạn ở quán nước gần nhà, ông cảm thấy nhức vai và mệt nên được đưa về nhà cạo gió, xức dầu. Một lát sau, ông thấy mệt nhiều hơn, mọi thứ xung quanh bỗng dưng mờ đục rồi tối sầm lại, ông ngã xuống đất. Nghe tiếng động lớn, vợ ông chạy vào, thấy ông nằm bất động, 2 mắt nhắm nghiền, liền đưa đến bệnh viện nhưng bác sĩ cũng không thể tìm ra căn bệnh làm ông bị mù. Từ đó ông đành chấp nhận sống trong bóng tối.
Cuộc sống khi đó khó khăn, nhờ bàn tay người vợ tảo tần, vừa lo kiếm tiền trang trải cuộc sống trong gia đình, vừa chăm sóc cho ông. Không còn ruộng vườn nên gia đình ông kiếm tiền bằng cách làm thúng bán tại chợ. Ba người con của ông cũng không dư dả gì nên cũng không có nhiều tiền gửi về thuốc thang, điều trị bệnh cho ông.
Khoảng 8 – 9 giờ ngày 15.7.2001 âm lịch, ông Bé thấy trong người mệt mỏi nên nằm nghỉ trên bộ ván. Bất ngờ, ông té sấp xuống đất, vợ ông chạy vào thấy, liền đỡ ông lên và hô hoán bà con hàng xóm đến giúp đỡ. Ông Lê Văn Tằng (ngụ cùng địa phương) cho biết: “Tôi và ông Trường sát vách nhà tức tốc chạy sang, sau đó nhiều người trong xóm cũng nhanh chóng đến giúp đỡ.
Suốt 30 phút sơ cứu và theo dõi, tôi thấy ông Bé nằm bất động dưới đất, ngưng thở. Tưởng ông đã chết, tôi và các thành viên trong gia đình chuẩn bị dọn dẹp nhà để lo hậu sự thì đột nhiên ông Bé bắt đầu thở thoi thóp và dần hồi tỉnh khiến mọi người có mặt lúc đó vô cùng kinh hãi”.
“Lúc đó, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy được mọi người đứng vây kín xung quanh mình. Ông Sáu Tằng liền đặt câu hỏi, có biết mẹ và vợ mày đứng đâu không? Tôi liền chỉ về phía vợ và mẹ đang đứng và lời nói cũng bật ra một cách lạ kỳ. Nhiều người chứng kiến vô cùng bất ngờ và tỏ ra hoang mang”, ông Bé kể.
Từ lúc trở về từ cõi chết, ông Bé phát tâm làm việc thiện. Ông tham gia hỗ trợ bốc thuốc tại Phòng thuốc Đông y của cô Tư Bé ở H.Châu Thành (An Giang) trong khoảng thời gian hơn 1 năm. Sau đó, ông xin tham gia Phòng thuốc Đông y tại tại cây xăng Điện Hiền (xã Thới Thuận, Q.Thốt Nốt) trong 4 năm. Để nâng cao chuyên môn, ông tham gia các lớp tập huấn của Hội Đông y TP.Cần Thơ và đăng ký học lớp trung cấp Y học cổ truyền tại TP.Cần Thơ. Sau hơn 2 năm, ông hoàn thành khóa học, nhận được bằng cấp, ông trực tiếp đứng bốc thuốc cứu người tại Hội Đông y từ thiện ở địa phương