Người nghèo nhưng tâm không nghèo
Người đàn ông này cuộc sống cũng không hề dễ dàng, tháng nào ông cũng phải xin ứng trước nửa tháng lương nhưng khi nhặt được chiếc ví có chứa 1000 đô la ông ngay lập tức tìm cách trả lại cho chủ nhân cũ. Ông ấy là một công nhân quét rác.
Vừa lên công ty tạm ứng một nửa tiền lương để xoay xở cuộc sống gia đình, ông Tâm cho biết công việc của mình là dọn vệ sinh trên các tuyến đường ở TP Trà Vinh, từ 21h đến 3h sáng hôm sau.
Rạng sáng một ngày đầu tháng 8, khi quét rác trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, ông thấy bao nylon nằm dưới đường. Tưởng là bịch rác người dân quăng ra, ông nhặt lên định bỏ vào xe rác. “Tôi nắm trúng cái bóp da trong bọc. Đoán là của ai đánh rơi nên tôi treo vào xe máy để sáng ra tìm cách trả lại”, ông kể.
Tan làm, ông Tâm đưa cho vợ chiếc ví để kiểm tra. Lúc dở ra hai vợ chồng họ mới biết trong đó có nhiều tiền Việt và đôla (gồm 1,6 triệu đồng và 10 tờ 100 đôla) kèm theo là giấy tờ, thẻ ATM, hóa đơn mang tên Truyền, 17 tuổi sống tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
“Vợ tôi nói, người mang theo nhiều tiền cùng giấy tờ chắc là tiền làm ăn, mất sẽ khổ lắm nên ủng hộ quyết định của tôi là sớm trả lại cho họ”, nam công nhân quét rác kể.
Ông Tâm nhớ lại cách đây 5 năm khi còn làm công nhân thủy sản, vừa được lãnh tháng lương đầu tiên 2,7 triệu đồng thì ông đánh rơi ví trong lúc uống cà phê cùng bạn bè trước công ty. Tiền lương tháng đầu tiên, gia cảnh gia đình tôi lại khó khăn, đồng tiền mồ hôi mình làm ra quý lắm chứ, nên sót của lắm. Hơn nữa trong ví lại để toàn bộ giấy tờ tùy thân.
“Tôi đi tìm, trong lòng rất lo lắng và đau khổ, không biết sẽ sống như thế nào trong những ngày sắp tới, rồi việc làm lại giấy tờ mất nhiều thời gian, công ty sẽ cho nghỉ việc. Suốt buổi, tôi đến những nơi mình tới để hỏi thăm nhưng ai cũng lắc đầu. Cuối cùng, may mắn là cô chủ quán đã nhặt được và trả lại cho tôi. Lúc đó, tôi vô cùng vui mừng”.
Hôm nay tôi vào vai người nhặt được tiền của người khác, nhất định sẽ tìm lại và trả họ, bởi từng là người trong cuộc tôi hiểu thấu hoàn cảnh này hơn bất cứ ai, lại nói mình lấy của họ làm gì? Tham lam cũng không lại được với Trời, tích đức hành thiện còn cho con cháu.
Từ thông tin trên giấy tờ, ông Tâm liên lạc được với người đánh rơi. Chủ nhân chiếc ví mừng muốn khóc khi nhận lại đầy đủ giấy tờ, tiền bạc. “Truyền lấy hết số tiền Việt đền ơn nhưng tui từ chối. Nếu muốn lấy thì tui đã không liên lạc với cháu ấy. Tui biết cảnh khổ của người mất bóp tiền và giấy tờ nên bằng mọi giá phải trả lại, không cần biết số tiền nhiều hay ít”, ông kể.
Câu chuyện tưởng chừng chỉ dừng lại ở hành động đẹp của ông Tâm nhưng sâu chuỗi lại tôi thấy rằng mọi chuyện đều không thoát khỏi nhân quả.
Người chủ quán cà phê thật tốt bụng, chị trả lại tiền cho ông Tâm gieo hy vọng thiện lương vào lòng ông Tâm, khiến ông cảm kích dẫn đến hành động trả tiền cho cháu Truyền sau nay. Cháu Truyền cũng vậy tôi tin rằng sau này cháu nhặt được của rơi của người khác cũng sẽ tìm mọi cách để trả lại cho họ. Nên trong cuộc sống chúng ta đừng bao giờ bi quan, ở đời còn nhiều người tốt lắm, còn nhiều người sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Hãy cứ sống thiện lương, cởi mở và chân thành nhất định hạnh phúc rồi sẽ mỉm cười với bạn.
Biên tập: Thiên Hà