Người quân tử không ghi hận, không nhớ báo thù
Trong cuộc đời của một con người, chắc chắn sẽ không tránh khỏi có những việc làm bạn không vui, có những con người làm bạn đau khổ. Nó tồn tại như một qui luật. Vậy khi ta đã xác định nó là một qui luật thì việc gì phải để nó trong lòng, việc gì phải sân hận cho mệt tâm mà hãy xem nhẹ tất cả thì ta sẽ được sống thanh thản hơn. Vậy người quân tử nhìn thấy sự đáng sợ của sự thù hận như thế nào?
Lòng hận thù như kẻ mù lòa; cơn giận dữ cuốn bạn đi; và người để cho sự báo thù tuôn chảy chịu mạo hiểm sẽ phải nếm trải cơn hạn hán đắng cay. Vậy nên việc gì mà phải thù hận. Thù hận cũng giống một loại vết thương trong xương, khi nó không đau, bạn sẽ quên nó. Nhưng bạn không biết lúc nào nó dùng sự đau đớn nhắc nhở bạn rằng nó đã từng bị tổn thương. Bạn có thể dùng hạnh phúc trộm được mà gây tê nỗi đau, nhưng bạn không thể phủ nhận nó còn tồn tại…Thời gian và lòng khoan dung sẽ xóa mờ mọi thứ. Vậy người quân tử đối đãi với người đã gây ra nỗi khổ đau cho mình như thế nào?
Chìa khóa để hóa giải sự hận thù là Tha Thứ.Sự tha thứ là chìa khóa mở cánh cửa oán trách và chiếc còng tay của hận thù. Nó là thứ sức mạnh có thể phá vỡ xiềng xích của cay đắng và gông cùm của lòng ích kỷ.
Có một câu ngạn ngữ rằng “Quân tử báo thù, mười năm chưa muộn”, câu này nghĩa là một người quân tử luôn giữ được tâm thái ung dung, thấy vui chưa vội hoan hỉ, thấy buồn chưa vội oán trách. Họ không muốn để tâm những chuyện có thể làm xao động tâm thái đĩnh đạc của bậc hiểu rõ đạo lý cuộc đời. Họ hiểu sâu sắc luật nhân quả mà không ai tránh được cho việc hành thiện tích thiện, hành ác tích ác. Và sự ung dung của họ càng làm cho kẻ gây tội ác run sợ.
Theo ghi chép của Triều dã thiêm tái có viết: Lý Nghi vốn mang thân phận địa vị thấp kém, phản bội chủ nhân mà bỏ trốn. Về sau vào cuộc chính biến dưới thời Đường Huyền Tông, Lý Nghi và Vương Mao Trọng lập được đại công, được bổ nhiệm làm tướng quân hộ vệ. Một ngày nọ, Lý Nghi đang đi trên đường tình cờ gặp lại chủ nhân cũ, lập tức Lý Nghi trốn sang một góc, không dám gặp mặt ông ta. Sau đó Lý Nghi đã ra lệnh cho tùy tùng của mình đi tìm vị chủ nhân trước đây, mời ông ta đến nhà của Lý Nghi, khiến vị chủ nhân cũ rất sợ hãi. Sau khi vị chủ nhân cũ đến nhà, Lý Nghi mời vị ấy ngồi ghế trên, lại tự mình cung kính bưng nước rót rượu cho vị ấy. Lý Nghi còn mời vị chủ nhân cũ ở lại nhà ông vài ngày.
Sau đó, khi Lý Nghi thượng triều đã trình tấu với hoàng đế rằng: “Thần nhận được ân huệ của quốc gia, được phong chức quan cao và bổng lộc hậu đãi. Nhưng vị chủ nhân xưa của thần nay thân phận lại thấp kém, thần nguyện ý đem một nửa chức quan và bổng lộc cấp cho vị chủ nhân xưa. Kính xin bệ hạ chấp thuận tâm nguyện ngu xuẩn của vi thần”. Hoàng đế khen ngợi nghĩa khí của Lý Nghi, cũng đề bạt vị chủ nhân xưa của Lý Nghi làm tướng quân, đồng thời vẫn giữ nguyên chức quan của Lý Nghi, nhờ điều này mà trong triều đình thịnh hành bầu không khí đạo nghĩa.
Những gì Lý Nghi đắc được chính là minh chứng cho ý nghĩa của câu “Lấy đức báo oán”. Hoàng đế khen ngợi nghĩa khí của Lý Nghi, lưu lại tấm gương cho thế gian học tập, từ đó mà đề cao chữ ‘Nghĩa’. Người quân tử chân chính không nên là người ghi hận nhớ thù đợi đến 10 năm, mà nên giống như Lý Nghi lấy đức báo oán. Nguyên nhân Lý Nghi rời bỏ vị chủ nhân xưa là vì ông ta đối xử không tốt với Lý Nghi, thế nhưng Lý Nghi không ghi nhớ hiềm khích cũ, điều này xứng đáng để chúng ta học tập.
Nguồn: chanhkien.org
Nhung Nguyễn