Nhận diện 4 đặc điểm của kẻ giả tạo, “ngụy quân tử”
Người xưa có câu: “Sông sâu biển thẳm dễ dò, đố ai lấy thước mà đo lòng người”, thật không dễ để có thể nhìn nhận, đánh giá một người. Trong cuộc sống ngày nay người ta thường hay nói rằng, người ngụy quân tử còn đáng sợ hơn cả kẻ tiểu nhân, bởi người ngụy quân tử thường tỏ ra bề ngoài thành thật, khiêm tốn, nhã nhặn và nhiệt tình. Với những kẻ “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm” như thế, thật không dễ dàng mà nhận diện, phân biệt rõ được.
Tuy nhiên, Quỷ Cốc Tử là một nhà tư tưởng, cũng là một nhà truyền giáo nổi tiếng của Trung Hoa xưa đã đúc kết và truyền đạt lại những kinh nghiệm để nhận biết sự khác biệt giữa người quân tử chân chính và kẻ ngụy quân tử.
1. Giúp đỡ người khác để có được danh tiếng tốt cho bản thân
Vui vẻ, nhiệt tình vô tư giúp đỡ người khác là một đức tính tốt, đó không phải là một thủ đoạn trục lợi. Nhưng nếu mục đích của việc giúp đỡ người khác là để có danh tiếng tốt cho bản thân, có được “tiếng thơm” cho riêng mình hoặc để lôi bè kết phái, thì điều đó đã mất đi ý nghĩa vốn có ban đầu của nó rồi.
Tục ngữ có câu: “Làm thiện mà muốn người khác thấy, điều ấy không phải là chân thiện”, những người như vậy thường xem trọng danh lợi hơn là trọng nghĩa.
Giúp đỡ người khác một cách vô tư, vô điều kiện, không màng danh lợi mà âm thầm lặng lẽ, tương trợ người yếu thế lúc gặp phải gian nan, ấy mới thực sự là đáng quý.
2. Làm thiện nhưng lại muốn tự cao, tự đại hơn người
Làm việc tốt là vì để bản thân có được sự vui vẻ, thanh thản và hạnh phúc, khiến bản thân sống có giá trị, khiến cuộc sống có ý nghĩa hơn thì chính là lẽ sống của người quân tử.
Làm việc tốt một cách hữu ý để nâng cao danh tiếng cho bản thân, nung nấu ý đồ vượt mặt người khác, lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng làm việc thiện để cầu bình an và may mắn, làm từ thiện để “đánh bóng bản thân”, nâng cao danh dự, tên tuổi, tích lũy danh vọng. Đây đích thị là suy nghĩ và hành động một kẻ ngụy quân tử, giảo hoạt và tinh tướng.
Ý nghĩa chân chính của việc hành thiện là biểu dương đạo đức, nội tâm được thăng hoa, người được giúp cũng theo đó mà trở nên tốt hơn.
3. Dựng hình tượng cao thượng cho bản thân theo cách “chơi trội”, “khác biệt”
Người ngụy quân tử luôn muốn thể hiện mình là người có đạo đức, có khí tiết nhưng đồng thời lại muốn phô trương cho thiên hạ thấy mình “chơi trội”, khác biệt với đám đông.
Một người có đạo đức khí tiết thực sự sẽ luôn nghiêm khắc với bản thân ngay cả khi chỉ có một mình, luôn tự ước thúc nhắc nhở bản thân chứ không phải vì hư vinh.
Danh thần nhà Thanh Tăng Quốc Phiên là một trong “tứ đại danh thần” của triều đại nhà Thanh, không chỉ là một viên quan uy tín mà ông còn là một nhân vật rất biết nhìn người.
Ông đã từng nói, có 3 kiểu người không thể hợp tác cùng, chính là: “Người đặt mục tiêu quá cao nhưng năng lực lại quá thấp, người không giảng đạo lý và người lập dị thích nổi trội hơn người khác”.
“Người lập dị” là người không giống những người khác, tất nhiên không thể nói họ tất cả đều sai, chỉ có thể nói rằng người không thể dung hòa với mọi người thì thường có những bước đi rất khó khăn, không có chỉnh thể để hòa nhập cùng, nội tâm khó đoán, hai bên đều không dễ hiểu được nhau, càng không dễ dàng để phối hợp.
4. Xây dựng sự nghiệp chỉ để chứng tỏ với người khác, khiến người khác phải “kinh ngạc” về mình
Phấn đấu hết mình để có một phen thành tựu trong sự nghiệp, để chứng tỏ với người khác, khiến người khác cảm thấy nể phục, kinh ngạc, đó không phải là biểu hiện của một người quân tử. Nếu nỗ lực làm việc chỉ vì những tiếng reo hò, vỗ tay của người khác, thì tiêu chuẩn của người đó quả thực quá nông cạn.
Một người muốn gây dựng nên một sự nghiệp lớn hoặc làm những việc đại sự thường hướng đến sự khát khao, theo đuổi một cuộc sống tươi đẹp xuất phát từ nội tâm, mục đích là để vượt lên chính bản thân mình, góp phần tạo nên những điều tốt đẹp hơn cho thế giới.
Với những người chỉ chú ý đến sự hào nhoáng, hy vọng có được sự tôn trọng, tán dương và công nhận từ người khác, sự tự tin của họ được thiết lập trên sự đánh giá của người khác chứ không được xây dựng từ nội tâm chân chính của mình.
Những người như vậy thường thích khoa trương bản thân, thích mọi người đều coi mình là trung tâm, người như vậy là những kẻ giả tạo nhất.
Thế gian hiểm ác, thế sự đa đoan, lòng người khó đoán, duy chỉ có những người thật sự thiện lương, chân chính và có tấm lòng bao dung khoáng đạt, giúp đỡ người với tấm lòng “vô tư vị ngã”, sẽ luôn được Thần Phật bảo hộ, có một tương lai tươi sáng.
Nguồn: EpochtimesTV
Lan Hòa biên tập