Nhân phẩm là tấm phiếu thông hành trong cuộc sống
Tài sản thực sự trân quý của một con người không phải tiền bạc, cũng không phải nhan sắc mà gói gọn trong hai chữ nhân phẩm. Vào những thời khắc con người đứng trước sự lung lay dao động giữa cái thiện và ác, nhân phẩm chính là sự dựa dẫm cuối cùng của tâm linh, khi đó nhân phẩm chính là sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai của bạn.
Câu chuyện dưới đây sẽ giúp chúng ta minh chứng được điều đó.
Một thanh niên nọ đi phỏng vấn xin việc, đột nhiên một người cao tuổi ăn mặc đơn giản tiến lên phía trước nói: “Tôi tìm được cậu rồi, thật cảm ơn cậu quá! Lần trước trong công viên, chính là cậu, là cậu đã cứu con gái tôi bị ngã xuống hồ nước lên”.
“Bác à, chắc bác nhận nhầm người rồi! Không phải cháu đã cứu con gái bác đâu ạ!” – Người thanh niên thành thật đáp. “Là cậu, chính là cậu, tôi không thể nhầm được!” – người đàn ông lớn tuổi khẳng định lại một lần nữa.
Trước tình huống đó, người thanh niên đó cũng chẳng biết làm sao, chỉ một mực phủ nhận không phải mình đã cứu cô gái đó. “Không phải cháu đâu bác ạ. Công viên bác nói đến cháu còn chưa đến bao giờ!”. Nghe câu nói đó, người đàn ông cao tuổi buông tay, vẻ mặt đầy thất vọng: “Lẽ nào tôi nhận nhầm người?”.
Về sau, chàng trai trẻ đó nhận được giấy thông báo trúng tuyển. Một hôm, anh lại gặp người đàn ông kia. Anh liền tiến lại chào và hỏi thăm: “Bác đã tìm thấy ân nhân đã cứu con gái bác chưa ạ?”. “Chưa, tôi vẫn chưa tìm được người đó!” – nói đoạn, ông rầu rĩ bỏ đi.
Người thanh niên trẻ trong lòng khá nặng nề, kể lại câu chuyện này với đồng nghiệp. Không ngờ, anh ta cười phá lên, nói: “Ông ấy đáng thương sao? Ông ấy là tổng giám đốc của công ty chúng ta đó. Chuyện con gái ông bị ngã xuống nước được nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần rồi, thực ra ông ấy không có con gái đâu!”.
“Cái gì?” – Chàng trai thốt lên kinh ngạc. Anh bạn đồng nghiệp tiếp tục giải thích: “Tổng giám đốc của chúng ta vẫn thường dùng cách này để chọn nhân tài đấy. Ông ấy nói rằng những người qua được bài kiểm tra về nhân phẩm đều có thể uốn nắn thành tài!”.
Khi nhân phẩm và học thức kết hợp, tương hỗ cho nhau, con người mới có thể bước đến những chân trời càng cao, càng xa hơn… Cổ nhân cũng nói rằng: “Người có đức là vua, người có tài là nô bộc”. Thế mới thấy, nhân phẩm quan trọng thế nào. Ở đời có thể không có học vị nhưng không thể không có học vấn và càng không thể không có nhân phẩm.
Quang Minh sưu tầm