Nhân sinh cảm ngộ: Vì sao nói các bậc Thánh hiền thường cô độc?
Câu nói: “Từ xưa đến nay, các bậc Thánh hiền thường cô độc” đã được lưu truyền rộng; nó đã trở thành quan niệm của người ta. Tuy nhiên, đa số mọi người đều hiểu sai về ý nghĩa của từ “cô độc” đó…
Trong cuốn “U song tiểu ký” có câu đối như sau: “Sủng nhục bất kinh, khán đình tiền hoa khai hoa lạc; Khứ lưu vô ý, vọng thiên không vân quyển vân thư”, nghĩa là: ‘Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ngắm trước sân hoa nở hoa tàn; Tùy ý ra đi hay ở lại, nhìn khung trời mây tụ mây tan’.
Câu đối này đã thể hiện cảnh giới siêu phàm, thoát tục của các bậc cao nhân: Nếu có thể xem vinh nhục cũng nhẹ nhàng như đóa hoa sớm nở tối tàn, thì mới có thể giữ cho nội tâm được tĩnh lặng.
Và nếu có thể xem công danh lợi lộc đến rồi đi cũng thất thường như mây tụ mây tan; thì mới có thể giữ được nội tâm vô vi thanh tịnh. Do đó, được mà không hoan hỉ, mất cũng không ưu phiền, vinh mà không kinh động, nhục cũng không bận lòng.
Lý Bạch được coi là bậc “thi tiên” đắc Đạo. Ông có để lại hai câu thơ trong bài “Thương tiến tửu” như sau: “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch; Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh”. Tạm dịch: ‘Thánh hiền xưa nay đều tịch mịch; Chỉ phường thánh rượu mới lưu danh’.
Danh, lợi, tình là 2 thứ rất dễ khiến con người ta mê lạc. Những bậc Thánh nhân sẽ không lạc vào trong đó. Giữa dòng chảy cuộc đời, họ vẫn giữ được sự liêm chính và không hạ thấp nhân phẩm của mình. Đó là lý do khiến họ trở nên đơn độc với xã hội.
Trong quá khứ, Bồ Đề Đạt Ma đã ngồi quay mặt vào vách đá hết 9 năm trước khi ông khai ngộ. Những vị ấy sẽ không bị ảnh hưởng bởi những cảm giỗ của thế giới bên ngoài; như vậy mới có thể tu thành đắc đạo.
Thế gian này chỉ là cõ tạm bợ, thật ra tất cả đều là hư ảo, không bền lâu. Do đó, bậc trí giả không bao giờ coi hạnh phúc, đau khổ, và được mất là quan trọng. Họ hiểu rằng “vạn sự vạn vật đều có nhân duyên”. Tuy nhiên, vì họ có những cách nhìn khác biệt về thế gian; nên trong con mắt của người thường, những bậc trí giả này dường như rất cô độc.
Thực tế, dưới con mắt của các bậc trí giả này, mọi thứ mọi việc đều có nguyên do. Do vậy, họ không vui mừng hay ưu phiền về những thứ này. Họ tĩnh như mặt hồ yên ắng. Mặc dù , họ vẫn có công việc trong xã hội, gia đình và bạn bè, nhưng tâm của họ đã vượt ra khỏi thế giới trần tục.
Người ta thường nói rằng “mỗi người đều có chí hướng khác nhau”. Về cơ bản, chính là có cách sống khác nhau. Tuy nhiên, đôi khi rất khó cho người thường hiểu được cách tư duy này; bởi vì đó là do ngộ mà hiểu ra.
Lão Tử có câu: “Thượng thiện nhược thủy”, ý rằng cảnh giới cao nhất của cái thiện cũng giống như nước vậy. Chỉ có những bậc cao nhân khi đã thấu hiểu mọi sự trên đời; minh tỏ mọi lẽ rồi mới có thể thản nhiên đối mặt với tất cả.
Trung Quốc cổ xưa có rất nhiều bậc cao nhân như thế. Ví như Đào Tiềm trồng hoa cúc và hoa sen. Lý Bạch uống rượu và thưởng thức ánh trăng. Tô Thức chợp mắt trên chiếc giường mây.
Còn ở Việt Nam, Nguyễn Trãi lui về ở ẩn, làm bạn với thiên nhiên: “Láng giềng một áng mây bạc, Khách khứa hai ngàn núi xanh”. Nguyễn Bỉnh Khiêm lánh đời, xa rời nơi thế sự: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ; Người khôn, người đến chốn lao xao”…
Thế gian náo nhiệt, cuộc sống tưng bừng, hết thảy mọi vật đều lôi cuốn con người ta vào cái vòng xoáy bất tận; không thể nào thoát ra được.
Trăm năm trôi qua trong nháy mắt, đến khi mọi sự qua đi rồi con người ta mới nhận ra tâm hồn mình đã bị che mờ bởi bụi trần, bị vật chất nặng phủ lên trên; bị cảm giỗ bởi những thứ ảo ảnh của thế tục thoáng chốc lụi tàn này.
Trong thế gian hỗn loạn ấy, chỉ có tâm tĩnh lặng của các bậc thánh nhân mới có thể vượt lên cái si mê cuồng dại của con người. Hàm nghĩa của câu “các bậc Thánh hiền thường cô độc” chính là do cảnh giới họ đã siêu thoát khỏi người thường rồi.
(Nguồn tham khảo: Tinh Hoa)