Những câu nói kinh điển mang lại lợi ích trong cuộc đời, bạn biết được bao nhiêu?
Đức Khổng Tử (551 TCN-479 TCN) được tôn vinh là bậc Thầy hiền triết của cả thế giới. Tư tưởng Nho giáo của ông có ảnh hưởng sâu rộng đến Trung Quốc và văn hóa Đông Á. Khổng Tử được xếp vào hàng đầu của “Mười danh nhân văn hóa hàng đầu thế giới”. Luận Ngữ là một trong những tác phẩm kinh điển của trường phái Nho gia, do các đệ tử của ông biên soạn.
Bài viết này sẽ đề cập đến một số câu nói của Khổng Tử, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại tài trí của các bậc hiền nhân và kế thừa văn hóa truyền thống cổ xưa.
1. Triêu văn đạo, tịch khả tử
(Sáng được nghe Đạo, tối chết cũng cam lòng)
Khổng Tử sau khi bái kiến Lão Tử lần thứ 4 đã nói: “Ta rốt cuộc cũng đắc đạo rồi”. Sau này, ông viết trong Luận ngữ: “Triêu văn đạo, tịch khả tử”, nghĩa là buổi sáng được nghe Đạo, tối chết cũng cam lòng.
Lần thứ 5 ông đến bái kiến Lão Tử và nói: “Ta rốt cuộc đã đắc đạo rồi… đã quá lâu rồi, ta không có quan tâm đến sự biến hoá của vạn vật tự nhiên! Không quan tâm đến sự biến hoá của vật tự nhiên thì làm sao có thể dạy người khác được!” Lão Tử cao hứng nói: “Khổng Khâu đã đắc đạo rồi”. Như vậy có thể thấy, Khổng Tử cuối cùng cũng lĩnh ngộ được đại đạo là: >“Đạo pháp tự nhiên”, là “Đạo, khả đạo, phi thường đạo” .
2. Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân
(Cái mình không muốn, chớ làm cho người)
Nếu bản thân mình không muốn người khác đối đãi với mình như thế này, cứ suy từ mình ra người, thì bản thân mình cũng không nên đối đãi với người khác như thế. Quan hệ qua lại giữa người với người thực sự cần phải kiên trì nguyên tắc này, đó là thể hiện tôn trọng người khác, bình đẳng đối xử.
3. Bất oán Thiên, bất vưu nhân
(Không oán Trời, không trách người): Ta không oán Trời, ta không trách Người. Còn về đạo lý, thì ta khởi học từ mức thấp, để đạt lên mức cao. Biết ta chăng, chỉ có Trời.”
4. Nhân nhi vô tín, bất nhi kỳ dã
(Người không biết chữ tín thì không biết khả năng của nó)
“Trong “Luận ngữ” có câu: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã. Đại xa vô khẩu, tiểu xa vô khẩu, kì hà dĩ hành chi tai”, đại ý là nếu con người không giữ chữ tín, cũng giống như một cỗ xe lớn không có đoạn gỗ chốt nối giữa càng xe và ách xe, xe sẽ không thể chạy được.
Giữ chữ tín có thể đi khắp thiên hạ! Thất tín là sự phá sản lớn nhất của đời người.
5. Nhật tỉnh kỳ thân, hữu tắc cải chi, vô tắc gia miễn
(Mỗi ngày tự kiểm điểm bản thân, có khuyết điểm, thì cải chính ngay; nhắc nhở bản thân không được phạm sai lầm)
Học trò của Khổng Tử là Tăng Tử cả đời ra sức tự xét lại bản thân, xác thực đã làm được “ba điều tự mình phản tỉnh mỗi ngày”.
Con người vốn không phải Thánh hiền, có ai chưa từng phạm phải sai lầm đâu? Mỗi người đều không thể hoàn mỹ vô khuyết, thập toàn thập mỹ, sẽ có lúc nói sai lời, làm sai việc, không ai dám đảm bảo bản thân sẽ không bao giờ mắc lỗi. Điều quan trọng là, chúng ta lấy thái độ nào để đối đãi với sai lầm và khuyết điểm của mình?
Vậy thì hãy học tập người xưa, mỗi ngày đều phản tỉnh nghiêm khắc với chính mình, đối với bản thân tiến hành phân tích, nhìn nhận một cách nghiêm túc, lấy phương thức của quân tử để yêu cầu bản thân. “Mỗi ngày ta xét ba việc của tự mình”, trong con mắt cổ nhân vẫn luôn là đạo lý, nhưng ngày nay đã mấy ai làm được?
6. Như thiết như tha, như trác như ma
(Nhân cách cần được mài dũa không ngừng
Ý nói là, sự nho nhã của một người quân tử cũng giống như một miếng ngọc quý đã được qua cắt gọt mài dũa một cách chi tiết cẩn thận. Cũng giống như câu: “Ngọc bất trác bất thành khí”, đức hạnh tốt đẹp của người quân tử là thông qua Thánh hiền dạy bảo, đồng thời trong cuộc sống không ngừng áp dụng mà tu dưỡng bản thân mới có thể đạt tới.
7. Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu
(Người mà không biết lo xa thì tất sẽ có điều ưu phiền gần)
“Người không lo xa” ở đây có thể hiểu là những người “ăn xổi ở thì”, chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, làm việc mà không có suy xét phải trái, trước sau… Những người như thế thì thường rất nhanh sẽ phải chịu hậu họa, nhẹ thì buồn lòng, nặng thì gia đình suy vong, mất mạng. Trong lịch sử thực sự có rất nhiều bậc Quân Vương cho đến dân thường đã vì “không biết lo xa” mà gặp phải hậu họa.
8. Quân tử cầu chư kỉ, tiểu nhân cầu chư nhân
(Quân tử yêu cầu mình, tiểu nhân yêu cầu người)
Ý nghĩa là khi gặp mâu thuẫn thì người quân tử tìm nguyên nhân ở chính bản thân mình, còn tiểu nhân thì tìm lỗi ở người khác. Khổng Tử nói người quân tử thì có đức của người quân tử. Nhân và Nghĩa là phẩm đức mà người quân tử ắt phải có, truy cầu nhân đức kiên trì không mệt mỏi mới có thể đạt đến cảnh giới của Nhân.
Nhan Hồi hỏi Khổng Tử rằng làm thế nào mới đạt được Nhân, Khổng Tử trả lời: “Nếu trò có thể chiến thắng tư dục của bản thân, trở về với Thiên lý (lẽ Trời), thế thì người trong thiên hạ đều ca ngợi trò là người nhân đức”. Nhân và Nghĩa là đức người quân tử, tiểu nhân không thể nào có thể với tới được. Người quân tử ngày ngày tinh tấn vươn lên trong tiến đức tu nghiệp, kẻ tiểu nhân ngày ngày sa sút chìm đắm trong tư dục.
Theo lời Khổng Tử, người quân tử có thể “kiểm điểm bản thân mà trong lòng không hổ thẹn” (nội tỉnh bất cứu), “mắc lỗi thì không e ngại sửa đổi” (quá tắc vật đạn cải). Người quân tử không ngừng tự kiểm điểm bản thân, thông qua tu thân để hoàn thiện tu dưỡng bản thân, rèn giũa phẩm cách.
Tiểu nhân có lỗi lầm thì luôn luôn muốn đẩy lỗi cho người khác, hoặc dùng lời hoa mỹ che lấp lỗi lầm đi, không dám đối diện với khiếm khuyết.
Hết thảy hành vi của người quân tử đều hiển dương luân lý đạo đức và là hình mẫu cho nhân dân. Người quân tử cũng là hình mẫu về người thực hành đạo nghĩa và khắc chế bản thân. Còn tiểu nhân chỉ nhìn lợi ích trước mắt, thích câu kết mưu cầu lợi ích cá nhân, không từ thủ đoạn chỉ để thỏa mãn tư dục.
Nguồn Soundofhope
Hằng Tâm