Những điềm báo thiên nhiên trước khi thảm họa xảy ra
Khoa học đã chứng minh, khi thiên nhiên “trở mình” hay động vật “khó ở” – đó là lúc các thảm họa sắp ập tới.
Những thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần… luôn gây ra nhiều thiệt hại vô cùng to lớn về tài sản và tính mạng. Do vậy trong suốt chiều dài lịch sử, con người luôn tìm tòi, phát minh ra những công cụ có thể dự báo trước thiên tai.
Tuy nhiên, những dụng cụ này không phải lúc nào cũng hoàn toàn chính xác. Ngược lại, trong tự nhiên có rất nhiều dấu hiệu để chúng ta dự đoán thảm họa – đó là sự biến đổi bất thường của bầu trời, mặt đất, đại dương hay đơn giản là những biểu hiện bất thường của một số loài động vật.
1. Bầu trời biến đổi, thiên nhiên nổi giận
Một trong những dấu hiệu thiên nhiên liên quan tới động đất đó chính là sự xuất hiện những luồng sáng lạ trên bầu trời. Trong giới khoa học, người ta gọi các luồng sáng ấy là “ánh sáng động đất” (Earthquake light).
Các báo cáo khoa học chỉ ra, ánh sáng động đất thường xuất hiện trên bầu trời gần các khu vực có chấn động, núi lửa phun trào và động đất. Về bản chất, đây là các luồng sáng tương tự như cực quang với phổ màu từ trắng tới hơi xanh.
Ánh sáng động đất có thể kéo dài vài giây hoặc thậm chí hàng chục phút tùy theo từng trường hợp. Một số sự kiện ghi nhận sự xuất hiện của thứ ánh sáng này có thể kể tới như trận động đất Kalapana 1975, động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc năm 2008…
Lý giải vì sao ánh sáng động đất lại xuất hiện trước thảm họa, giáo sư Troy Shinbrot thuộc ĐH Rutgers giải thích: “Khi có động đất, các vết nứt gãy dưới lòng đất giải phóng điện tích vào không khí. Chúng ion hóa các phần từ không khí và hệ quả là gây ra thứ ánh sáng đặc biệt nói trên”.
2. Đại dương gầm gừ, siêu động đất từ từ đến
Nhật Bản là một trong số những quốc gia hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên như sóng thần, động đất nhất trên thế giới. Năm 2011, trận động đất mạnh 9 độ Richter đã cướp đi sinh mạng của 16.000 người thuộc quốc gia này.
Đó là lý do mà giới khoa học Nhật Bản không ngừng nghiên cứu nhằm tìm ra những dấu hiệu thiên nhiên cảnh báo trước các thảm họa. Mới đây, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science cho thấy, có vẻ như các chuyên gia xứ hoa anh đào đã tìm ra câu trả lời.
Theo đó, thiết bị đo rung động dưới lòng đại dương của Nhật Bản đã thu được những âm thanh “gầm gừ’ kì lạ của biển. Qua phân tích, người ta tìm ra âm thanh này liên quan tới hiện tượng động đất “chậm”.
Đây là những trận động đất ngầm, bị ảnh hưởng bởi sự chuyển động của dòng magma chứ không gây ra sự đứt gãy hay phun trào núi lửa như động đất thông thường.
Tuy nhiên, khi số lượng các trận động đất “chậm” này trở nên dày đặc, đó chính là dấu hiệu của một siêu động đất sắp xảy đến. Chính vì vậy, việc khám phá và lắng nghe tiếng “gầm gừ” của đại dương sẽ mở ra những bước đi mới trong việc dự báo trước thảm họa thiên nhiên.
3. Mèo khó ở, điềm gở tới liền
Cũng liên quan tới thảm họa năm 2011 tại Nhật Bản, chuyên gia Hiroyuki Yamauchi cùng các cộng sự đã tiến hành một cuộc khảo sát trên Internet đối với các chủ vật nuôi nhằm tìm kiếm sự liên quan giữa động đất với các hành vi bất thường của động vật. Kết quả khảo sát cho thấy, mèo chính là sinh vật nhạy cảm nhất với động đất.
Cụ thể, nhóm chuyên gia đã khảo sát trên 703 chủ sở hữu mèo và được cho biết về hành vi kỳ lạ của loài sinh vật này. Một số chú mèo tham gia cuộc khảo sát đã bộc lộ sự bất thường trong vòng 6 ngày hoặc thậm chí sớm hơn nữa trước khi trận động đất xảy ra.
Chúng trở nên run rẩy, bồn chồn và muốn chạy ra khỏi cửa, một số khác thì cực kỳ kích động.
Giải thích cho các hành vi này, các nhà nghiên cứu cho rằng: mèo là loài có các giác quan nhạy cảm gấp nhiều lần con người.
Vì thế, chúng có thể cảm nhận được những tín hiệu báo trước động đất như sự thay đổi trong áp suất khí quyển, sự biến dạng mặt đất (thay đổi trong độ nghiêng, dốc), sự thay đổi mực nước ngầm hay các chất khí và hơi được giải phóng từ vết nứt…
4. Kiến đỏ “thức đêm”, động đất trước thềm
Năm 2013, chuyên gia Gabriele Berberich tới từ ĐH Duisburg-Essen (Đức) đã trình bày một nghiên cứu tại Vienna chứng minh khả năng dự đoán động đất của loài kiến đỏ.
Trong vòng 3 năm (2009 – 2012), Berberich cùng đồng nghiệp đã theo dõi khoảng 15.000 tổ kiến đỏ sống tại các vùng vốn nằm trên những đường đứt gãy dưới lòng đất thuộc nước Đức.
Họ sử dụng máy quay để ghi lại hành vi của kiến 24/7, sau đó đối chiếu với 10 trận động đất nhỏ (2 – 3,2 độ Richter) trong thời gian tương ứng và họ đã phát hiện ra điều kỳ lạ.
Thông thường, kiến đỏ hoạt động ban ngày và tới đêm sẽ trở về tổ. Tuy nhiên, một ngày trước các trận động đất, tất cả kiến đỏ đều thức trắng đêm, không về tổ. Mọi thứ chỉ trở lại bình thường sau khi trận động đất qua đi.
Berberich và đồng nghiệp tin rằng, đó là bằng chứng cho khả năng cảnh báo động đất của loài sinh vật bé nhỏ. Cô cho hay, nhiều khả năng kiến đỏ sở hữu các thụ thể thần kinh đặc biệt giúp chúng nhận biết sự thay đổi của lượng khí gas trong lòng đất cũng như thay đổi từ trường Trái đất. Nhờ đó, chúng có thể tiên đoán trước khi nào động đất sẽ xảy ra.
5. Bão ở đâu, cá mập “bâu” tới đó
Từ trước đến nay, đa số các loài động vật khi cảm nhận được thiên tai tại một khu vực thì điều đầu tiên chúng muốn là tránh càng xa càng tốt nơi đó. Tuy nhiên, cá mập thì ngược lại.
Các quan sát khoa học cho thấy, cá mập dường như là một kẻ săn bão trong tự nhiên. Những vùng nước bỗng nhiên tụ tập đông cá mập sẽ là điềm báo cho một cơn bão mạnh sắp được hình thành.
Quan sát này đã được chứng thực bởi Giáo sư Neil Hammerschlag. Trong dự án Bảo tồn đời sống biển của ĐH Miami, ông đã gắn thẻ cho khoảng 300 con cá mập mỗi năm và theo dõi chúng.
Hammerschlag nhận thấy, các con cá mập được gắn thẻ rất thích bơi đến những khu vực nhiệt độ thay đổi nhanh chóng. Nói cách khác, đây chính là những vùng biển khởi nguồn cho các cơn bão trên đại dương.
Từ phát hiện này, Hammerschlag đã đề xuất việc theo dõi cá mập nhằm dự đoán nơi các cơn bão được hình thành và phát triển. Đây sẽ là những thiết bị dự báo bão vô cùng tiết kiệm và hiệu quả cao.
Theo ông, “điều tuyệt vời nhất là cá mập làm chủ đại dương bởi chúng có thể bơi đến những nơi con người không thể tiếp cận và thu thập những dữ liệu về nơi đó”.
Thiên Hà biên tập
Nguồn: khoahoc.tv