Những đức tính mà trẻ cần được giáo dục trong giai đoạn mầm non
Theo nghiên cứu của tiến sỹ, bác sỹ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori, sáu năm đầu đời là giai đoạn trẻ phát triển tâm sinh lý không ngừng và nổi bật nhất. Tại thời điểm này, trẻ không chỉ thu nhận kiến thức theo cá tính riêng mà còn hình thành nhân cách và kỹ năng cần thiết. Do đó, tận dụng thời điểm vàng này để giáo dục nhân cách cho trẻ vô cùng quan trọng. Điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc để các con trở thành những con người toàn diện và có ích.
Dưới đây là những đức tính mà trẻ cần được giáo dục trong giai đoạn mầm non.
“Đừng bao giờ giúp trẻ việc mà trẻ có thể tự làm được” – Đó chính là sự nhận định của Maria Montessori trong suốt quá trình tìm hiểu trẻ thơ. Bởi Maria Montessori tin tưởng rằng, sự tự lập, tự do trong khuôn khổ cho phép có ảnh hưởng trực tiếp tới hình thành nhân cách của trẻ trong tương lai.
Tự lập mang đến cho trẻ cơ hội được khẳng định chính mình theo cách riêng cũng như tự mình thực hiện những điều chúng có thể để thu nhận kiến thức và hình thành các kỹ năng làm chủ tương lai. Cho nên, thay vì làm giúp con mọi việc trong cuộc sống từ A đến Z, hãy để con tự thực hiện bằng chính khả năng của mình.
Những đức tính trẻ cần được giáo dục ở giai đoạn mầm non
Hãy rèn cho trẻ tính tự lập ngay từ khi còn bé với những hoạt động tự học, tự chăm sóc chính mình,…
Người lớn có thể chủ động trang bị cho trẻ những kỹ năng để tự lập bằng việc mang đến một môi trường được chuẩn bị sẵn sàng, không áp đặt và mời gọi trẻ thực hiện hoạt động trong khả năng của bản thân. Hãy dạy cho trẻ những kỹ năng cơ bản như kỹ năng vệ sinh, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng làm việc nhà, kỹ năng giúp đỡ người khác,… bằng việc làm mẫu một vài lần cho trẻ. Ở thời điểm từ 0 đến 6 tuổi, trẻ ghi nhớ rất nhanh bởi đặc điểm trí tuệ thẩm thẩm và sự nhạy cảm đặc biệt. Do đó, nếu ba mẹ làm mẫu đúng cách, trẻ sẽ học rất nhanh và thực hiện một cách có trật tự và hiệu quả.
Tự tin giúp trẻ làm chủ cuộc sống
Nhà tư tưởng pháp – J.J. Rousseau từng khẳng định rằng: “Lòng tự tin đúng là một kỳ tích đối với sự nghiệp. Có tự tin, bạn mới có khả năng tận dụng được triệt để khả năng của mình”. Và để giữ lửa tự tin, không có cách nào khác đó là nuôi dưỡng nó từ nhỏ. Giai đoạn đầu đời chính là khoảng thời gian tối ưu nhất mà người lớn có thể giáo dục trẻ tính tự tin.
Một em bé tự tin là một em bé có thể đương đầu với mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống. Đó là khi em luôn nuôi dưỡng niềm tin vào chính bản thân mình, tin tưởng mình có thể thực hiện ngay cả khi gặp những rào cản. Một em bé tự tin sẽ không ngừng cố gắng và nỗ lực đứng dậy ngay cả khi vấp ngã,… Bằng chính sự tự tin, bản thân trẻ sẽ hình thành tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, hợp tác linh hoạt và kết nối với mọi người xung quanh… Và chính ba mẹ sẽ là người rèn luyện sự tự tin cho các em ngay từ khi còn bé với những điều đặc biệt sau đây:
– Không bao giờ nói “Con không làm được đâu” với trẻ
– Thay vì thất vọng, chê bai, đánh giá tiêu cực về điều trẻ không làm được, hãy động viên, khích lệ trẻ cố gắng và tìm ra cách giải quyết tích cực cho lần sau.
– Tạo điều kiện để trẻ được nói ra suy nghĩ, thể hiện quan điểm của bản thân
– Tôn trọng trẻ như một cá thể độc lập
– Khuyến khích trẻ chủ động với môi trường xung quanh và mọi hoạt động trong cuộc sống.
– Không ngại để trẻ trải nghiệm với thất bại. Và sau những thất bại của trẻ, hãy dạy các con những bài học đánh giá và cùng con tìm ra giải pháp.
– Bồi dưỡng sự tự tin cho trẻ bằng chính niềm tin của bạn dành cho con khi để trẻ tự lập.
Tôn trọng mọi người và chính mình
Ở thời điểm từ 0 đến 6 tuổi, dạy cho bé hiểu được giá trị và vai trò của sự tôn trọng người khác và chính mình vô cùng cần thiết. Cha mẹ cần dạy cho bé phải tôn trọng mọi người, không có thái độ ghen ghét, coi thường mọi việc làm của những người xung quanh. Tại trường, trẻ nên dành sự tôn trọng cho bạn bè, thầy cô, luôn biết yêu thương, đoàn kết và đồng cảm, chia sẻ với mọi người.
Việc giáo dục trẻ về sự tôn trọng cũng thường bắt đầu bằng việc trao quyền cho trẻ. Việc này sẽ giúp các con cảm thấy bản thân được tôn trọng và mình phải có nghĩa vụ ngược trở lại là tôn trọng người khác. Khi trẻ được trao quyền tự do, bản thân chúng sẽ hiểu được điều chúng cần là tôn trọng sự tự do của chính mình và của người khác. Chúng có thể làm mọi điều chúng thích và người khác cũng vậy. Trẻ sẽ phải tôn trọng mọi người xung quanh từ những điều nhỏ nhặt nhất trong học tập và trao đổi thông tin để làm bền chặt hơn các mối quan hệ.
Sẻ chia tình yêu thương, lòng bác ái
Ngay từ khi còn nhỏ, người lớn cần dạy cho trẻ cách đón nhận và quý trọng tình yêu thương mọi người dành cho mình cũng như cách lan tỏa tình yêu, sự quan tâm đến tất cả mọi người. Điều này có giá trị lớn lao nuôi dưỡng tâm hồn bé trở nên đẹp và phong phú hơn.
Một đứa trẻ thánh thiện với tình yêu thương và lòng bác ái sẽ luôn nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Từ đó, cũng chính từ việc giáo dục về tình yêu thương và lòng bác ái, trẻ học được cách nuôi dưỡng các mối quan hệ và thúc đẩy sự đồng cảm, chia sẻ và sự tin tưởng lẫn nhau.
Tinh thần hợp tác linh hoạt
Và tinh thần hợp tác linh hoạt chính là một kỹ năng vô cùng cần thiết mà bất cứ đứa trẻ nào cũng cần. Trẻ cần phải được giáo dục để hiểu rằng việc hợp tác với mọi người xung quanh sẽ mang đến những giá trị đặc biệt. Tinh thần hợp tác sẽ giúp trẻ dễ dàng hòa nhập với bạn bè, sớm giải quyết được các vấn đề khó khăn khi đi học với sự giúp sức của một tập thể. Bên cạnh đó, hợp tác linh hoạt còn giúp trẻ trở thành người giao tiếp tốt, biết tôn trọng người khác và có lòng nhân ái.
Cho nên, ba mẹ hãy dạy trẻ cách lắng nghe trọn vẹn để thấu hiểu suy nghĩ của mọi người, tham gia các hoạt động nhóm, rèn kỹ năng phối hợp, chia sẻ cùng hướng tới thành công.
Biên tập: Lan Hương