Những vấn đề hóc búa trong phiên tòa luận tội ông Trump chưa từng có
Lần đầu tiên trong lịch sử 232 năm tồn tại, Thượng viện Mỹ đưa một cựu tổng thống ra xét xử luận tội. Không ai biết chắc phiên tòa sẽ diễn ra thế nào. Đảng Dân chủ thậm chí chưa quyết có triệu tập nhân chứng hay không.
Các quan chức phụ trách luận tội của Hạ viện hôm 25/1 đã trình Thượng viện điều khoản luận tội “kích động bạo loạn” đối với cựu Tổng thống Donald Trump sau vụ những người ủng hộ quá khích tấn công trụ sở Quốc hội trên Đồi Capitol ở Washington vào ngày 6/1, thời điểm lưỡng viện nhóm họp chính thức phê duyệt kết quả tổng tuyển cử 2020.
Tuy nhiên, các lãnh đạo Thượng viện đã nhất trí hoãn phiên tòa 2 tuần, tới ngày 8/2 để nhóm pháp lý của cựu tổng thống chuẩn bị chứng lý biện hộ và các thượng nghị sĩ tạo lập các tiêu chuẩn cho phiên tòa.
Vấn đề hóc búa trong phiên tòa luận tội ông Trump
1. Cả hai Đảng chưa đưa ra được cách thức tổ chức của phiên tòa
Tại Thượng viện, lãnh đạo phe đa số Dân chủ Chuck Schumer và lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa Mitch McConnell vẫn đang thương lượng về cách thức tổ chức cơ bản của phiên tòa, kể cả thời lượng tranh luận, các kiến nghị triệu hồi nhân chứng và có thể cả kiến nghị hủy phiên tòa ngay từ đầu. Các thủ tục, vốn được nêu rõ trong một nghị quyết về tổ chức, sẽ báo trước khả năng kết tội ông Trump hay không và điều đó sẽ đòi hỏi sự ủng hộ của ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa.
“Chúng tôi hy vọng sẽ đàm phán được điều gì đó với ông McConnell về phiên tòa. Chúng tôi sẽ xem những gì sẽ xảy ra. Chúng tôi chưa biết yêu cầu của cả hai bên công tố và biện hộ là gì”, ông Schumer phát biểu trước báo giới.
2. Bất đồng về việc triệu tập nhân chứng
Theo tạp chí Politico, có lẽ không có thủ tục nào phức tạp hơn câu hỏi về lời khai của nhân chứng. Ngay cả các chính trị gia Dân chủ cũng chia rẽ về việc liệu có cần sự xuất hiện của các nhân chứng để khởi tố vụ án chống lại cựu tổng thống hay không, khi các hành vi bị tố sai phạm của ông Trump phần lớn đều xảy ra trước công chúng. Các thượng nghị sĩ của cả hai đảng cũng muốn phiên tòa diễn ra chóng vánh hơn phiên luận tội ông Trump lần đầu tiên năm 2020, vốn kéo dài tới 3 tuần.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine thừa nhận, đảng của ông vẫn bất đồng về vấn đề trên. Nhiều người trong số họ khẳng định, chính các thượng nghị sĩ là nhân chứng của vụ bạo loạn hôm 6/1. Song, một số khác cho rằng, các thượng nghị sĩ, với tư cách thành viên bồi thẩm đoàn trong phiên tòa không nên tước bỏ của bất kỳ bên nào khả năng sử dụng lời khai nhân chứng.
“Đó là một phiên tòa giả tạo nếu bạn nói trước rằng sẽ không có nhân chứng hoặc các chứng lý. Tôi hiểu rõ nguyên tắc này. Luận tội là một việc rất hệ trọng … Nếu các công tố viên hoặc bên biện hộ muốn đưa ra các nhân chứng và tài liệu, họ nên được trao quyền làm việc đó”, ông Kaine bình luận. Song, nhà lập pháp này lưu ý tất cả phụ thuộc vào các quan chức Hạ viện phụ trách luận tội và nhóm bào chữa cho cựu tổng thống.
3. Phiên luận tội khác biệt
Các thượng nghị sĩ nhận định, nghị quyết về tổ chức phiên tòa hầu như sẽ tương tự năm ngoái với một vài ngoại lệ đáng chú ý. Theo các nguồn tin trong Thượng viện, một điểm khác biệt then chốt là Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy, đồng minh của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden dự kiến sẽ chủ trì quá trình tố tụng. Nhưng Patrick Leahy hiện đang phải nhập viện không rõ có ảnh hưởng tới việc luận tội sắp tới không.
Hiến pháp Mỹ quy định, Chánh án Tòa án Tối cao phải chủ trì một phiên tòa luận tội tổng thống, nhưng ông Trump không còn tại vị, nên Chánh án John Roberts không còn đảm trách vai trò này.
Đảng Cộng hòa có thể kiện lại vai trò của ông Leahy để cáo buộc quá trình tố tụng mang tính đảng phái. Các nhà lập pháp Cộng hòa cũng tuyên bố, việc đưa một cựu tổng thống ra xét xử là trái với Hiến pháp.
Tuệ An