Nước càng sâu thì càng tĩnh, người càng hiểu biết thì càng khiêm nhường
Khiêm nhường là một đức tính chứng tỏ sự trưởng thành tâm lý và tâm linh, cũng như sự tự do nội tâm. Không phải là một loạt các hành xử mà chúng ta phải làm, khiêm nhường là một lối sống, là cách tương quan, liên đới với người khác. Khiêm nhường được thể hiện ra qua cách thức một người chấp nhận bản thân, qua cách mà anh ta lượng giá bản thân mình.
Khoa tâm lý học hiện đại ưa sử dụng thuật ngữ “thực” (authenticity) hơn khiêm nhường. Thuật ngữ này có nghĩa là sống sự thật về bản thân mình, sống thật với chính mình và với người khác.
Tuy nhiên, một người có thể tự tin, nhưng đừng nên tự kiêu tự đại. Có thể phóng khoáng nhưng đừng nên ngông cuồng kiêu ngạo. Có thể khỏe mạnh trường thọ, nhưng đừng nên vạn thọ vô cương. Có thể cố gắng xoay chuyển tình thế, nhưng quyết không thể tái tạo lại càn khôn.
Trong văn hoá truyền thống, khiêm nhường là việc đặt trung tâm điểm của đời sống chúng ta nơi Thượng đế, chứ không phải nơi chính bản thân chúng ta. Điều đó nghĩa là chấp nhận rằng, mình không phải là cái rốn, là trung tâm của cả cái vũ trụ này.
Khiêm nhường được các bậc thầy tâm linh hiểu là: một sự tự ý thức có tính quả cảm, giúp chúng ta trở nên người hơn, ý thức rõ hơn về sự mỏng giòn và các giới hạn của bản thân, chứ không phải là cố ra vẻ trong một điệu bộ không phải là con người thật của chúng ta.
Trong lịch sử xa xưa, các bậc Thánh hiền rất coi trọng lòng bao dung. Lão Tử đã nói rằng nguyên do sông và biển mênh mông sâu thẳm là bởi nước biết hạ mình chỗ thấp, tiếp nhận lấy nước từ từng nhánh sông khe suối nhỏ bé. Vì ở chỗ thấp nên làm vua trăm họ. Nước luôn luôn vị tha, bao dung bất luận ân oán đúng sai.
Bao dung là một đức tính và khiêm tốn. Bởi vì tính cách khác nhau nên người ta có những quan niệm khác nhau và nhìn nhận mọi việc theo những cách khác nhau.
Một người luôn cho mình là quan trọng, ôm giữ quan điểm của mình tới cùng mà không buông thì tâm hồn không thể rộng mở, đời sống vì thế sẽ nghèo nàn vô vị.
Khiêm tốn không có nghĩa là không biết giá trị của mình, mà ngược lại là hiểu rõ bản thân mình, không ngừng tiếp thu, không ngừng bồi dưỡng. Sách cổ có viết rằng “Biết dung nạp sẽ thành vĩ đại”, tâm càng rộng lớn thì càng dung nạp được nhiều.
Người khiêm nhường đích thực và sống thật sẽ luôn mang bên mình nguồn năng lượng tích cực giúp cho người khác cũng cảm thấy vui, cảm thấy thoải mái. Người ta thấy mình chẳng phải sống thủ thế, phòng vệ vì người khiêm nhường chẳng bao giờ sống theo kiểu xù lông nhím thủ thế, hay áp đặt ý kiến của mình lên người khác.
Khi mắc lỗi, người khiêm nhường biết cách nhìn ra ngay, họ xin được tha thứ, được giúp đỡ, và công khai nhìn nhận những thiếu sót của mình. Họ dễ gần vì họ không có ý định áp đặt ý kiến của mình, hay có nhu cầu phải là người lúc nào cũng đúng.
Họ không sợ bị góp ý, phê bình, vì họ thấy không cần phải bảo vệ cái hình ảnh bản thân không đúng đắn. Người khiêm nhường thì dễ chịu, thì có lòng tri ân, họ có khả năng nhận ra được lòng quảng đại của chân nhân, và dễ thông cảm, biết nhân từ trước những hạn chế của người khác.
Kỳ thực, không cho bản thân mình là “quá quan trọng”, đặt mình ngang với người khác, thậm chí thấp hơn người khác là một cảnh giới của cao thượng, một thái độ lạc quan, là một loại trưởng thành của tâm tính, là loại tâm không màng danh lợi.
Nước càng sâu thì càng tĩnh, người càng hiểu biết thì càng khiêm nhường. Nếu có thể bình tâm tĩnh khí, từ bi và bao dung với người khác, ta sẽ học được cách lắng nghe họ mà lại không cường điệu, khoa trương chính mình. Khiêm tốn là một mặt của bao dung và lòng bao dung là một phương diện của cái thiện, mang người ta lại gần nhau hơn, sống an hòa bên nhau.
Tục ngữ có câu “Người có đạo đức có thể gánh vác trọng trách”, bởi đó là những người không ích kỷ và vô cùng đáng tin cậy. Điều đó cũng có nghĩa là chuẩn mực đạo đức càng cao thì lòng bao dung càng lớn.
Con người với tiêu chuẩn đạo đức cao sẽ không bị ảnh hưởng bởi danh lợi và sẵn sàng giúp đỡ người khác, vì người khác mà nỗ lực phấn đấu, bởi trong tâm họ là sự từ bi, rộng lượng vĩ đại.
Con người đang sống trong trời đất thì cũng cần thuận theo lẽ của đất trời. Trải qua lịch sử muôn vạn năm, trải qua thăng trầm của các loại xã hội, trải qua cả hưng thịnh hay suy vong, đạo lý để làm người tốt vẫn không hề thay đổi.
Con người ở thời đại nào cũng vậy, có thể làm được 3 chữ “Chân-Thiện-Nhẫn” thì mới là người tốt, là người tốt thực sự. Chỉ cần mang theo “Chân-Thiện-Nhẫn” trong tâm, con người sẽ có được cuộc sống an nhiên tự tại, không cần tranh giành, không cần phân chia, có thể dùng tâm tự nhiên để đón nhận hết thảy.
Từ Thanh sưu tầm