Phúc bất tận hưởng
Trên đời này không có gì gọi là tuyệt đối, phúc và họa đều có tác động tương hỗ lẫn nhau. Người xưa nói: “Phúc hề họa sở ỷ, họa hề phúc sở trí”, tức là họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa, phúc nếu như hưởng hết thì tất sẽ chiêu mời họa.
Nguồn gốc của mọi phúc và họa trong đời đều từ chính bản thân ta từng làm. Ngày nay trong xã hội có rất nhiều người khi mắc lỗi không biết tự nhìn lại bản thân, xem lại chính mình mà luôn nghĩ cách đổ lỗi cho người khác.
Khi một người không ý thức được lỗi lầm của chính mình, sẽ không bao giờ có thể thành công. Họ sẽ gặp phải càng nhiều tai họa, phúc khí tự nhiên cũng dần rời xa, chỉ còn lại một mớ chuyện rắc rối làm bạn đau khổ mệt mỏi mỗi ngày.
Tục ngữ có câu: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Nếu muốn vận may luôn mỉm cười với mình, hãy học cách hành thiện tích công đức, hãy ghi nhớ rằng phúc họa trong đời đều tự bản thân ta mà ra.
Có một câu chuyện như thế này: Ngày xưa có 2 người bạn chơi thân với nhau, một người tên là Gurmeet, một người là Manpreet. Tuy thân thiết, song 2 người có tính cách hoàn toàn khác nhau, nếu không muốn nói là hoàn toàn trái ngược khiến ai cũng ngạc nhiên.
Trong khi Gurmeet là người khiêm nhường, tin vào thần linh, sống nhân hậu, hay giúp đỡ người khác, ai cũng quý mến, thì Manpreet thì vừa kiêu ngạo, chẳng tin vào bất kỳ điều gì, xấu tính, ích kỷ, ai cũng chán ghét. Có lẽ ngoài Gurmeet và những người thân trong nhà thì chẳng ai muốn giao thiệp với anh ta.
Hàng ngày, trong khi Gurmeet thường dậy rất sớm, làm việc nhà rồi tắm rửa sạch sẽ, đọc kinh niệm chú thì Manpreet vẫn chỉ nằm ườn trên giường. Sau khi dậy, anh ta dành phần lớn thời gian để chơi bời, lêu lổng.
Một hôm, Gurmeet và Manpreet có việc cùng nhau đi vào rừng. Trên đường đi, Manpreet tìm thấy một bao tải đựng đầy than củi. Manpreet vô cùng vui mừng, vì nếu bán cái bao tải than củi ấy đi sẽ kiếm được một ít tiền. Vậy là chưa cần tốn công tốn sức gì mấy, anh ta đã có tiền để tiêu.
Khi họ đi sâu hơn vào trong rừng và đang nói về vận may của Manpreet thì Gurmeet bỗng hét lên vì đau đớn. Hóa ra, chân của anh đã bị một cái dằm đâm phải. Thế nhưng, trong khi anh ngồi xuống, tìm cách lấy cái dằm ra thì Manpreet bắt đầu cười lớn.
Gurmeet rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao bạn mình lại cười lớn như vậy. “Tại sao anh lại cười thế?”, Gurmeet hỏi bạn.
Manpreet đáp lời: “Ngày nào cậu cũng cầu khấn thần linh, còn làm rất nhiều việc tốt, giúp đỡ mọi người, nhưng cậu xem kết quả ra sao chứ? Cậu đi chưa được bao lâu thì đã bị dằm đâm vào chân rồi.
Còn tôi, tôi chẳng tin vào Trời Phật, chẳng tin vào luật nhân quả, cũng chẳng thích giúp đỡ ai, thế mà tôi thì nhặt được cả một bao tải than đấy, tha hồ bán lấy tiền”.
Gurmeet nghe bạn nói thế thì chỉ mỉm cười, không nói cũng như tỏ thái độ gì.
Đúng lúc đó, có một vị thầy tu đi qua, nghe được câu chuyện giữa 2 người bạn, bèn cười lớn. Manpreet giật mình khi nghe thấy vậy. Hết sức tò mò, anh ta đi đến gần vị thầy tu và hỏi lý do.
Ông lão thấy Manpreet đi đến gần thì nói ngay: “Cậu đúng là trẻ người non dạ, ngây ngô quá. Kiếp trước cậu tích được nhiều phúc đức, lẽ ra hôm nay là ngày cậu gặp được vận may lớn, nhặt được một bao tải kim cương.
Nhưng vì kiếp này cậu chưa từng giúp đỡ ai lấy một ngày, cũng chẳng coi trời đất thần linh ra gì, kiêu căng hợm hĩnh nên cuối cùng, số kim cương đó đã biến thành than củi, những phúc đức của kiếp trước cũng bay biến hết.
Còn bạn cậu, kiếp trước đã làm sai vài chuyện, lẽ ra hôm nay sẽ phải gặp đại họa, thế nhưng vì kiếp này đã tích đủ công đức, sống khiêm nhường, hay làm việc thiện giúp người, nên tai họa chỉ còn là một cái dằm đâm vào chân mà thôi”.
Gurmeet và Manpreet nghe vị thầy tu nói, kinh ngạc không thốt nên lời. Từ đó trở về sau, Manpreet không còn huênh hoang, tự đắc và coi trời bằng vung nữa. Ở cạnh Gurmeet, anh ta cũng dần thay đổi, mỗi ngày một chút, trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Người xưa nói: “Phúc hề họa sở ỷ, họa hề phúc sở trí”, tức là họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa, phúc nếu như hưởng hết thì tất sẽ chiêu mời họa.
Vì vậy, cổ nhân đề cao nguyên tắc “phúc bất tận hưởng”, không được mặc sức hưởng thụ phúc, tránh để tiêu hao hết phúc báo của bản thân.
Văn hóa truyền thống còn cho rằng mọi phúc báo trong cuộc đời của một người là từ đức mà ra, cho nên nếu một người hưởng hết phúc mà không hành thiện tích đức thì tai họa sẽ đến ngay lập tức.
Quyền thế lại càng là một loại cám dỗ khiến người ta nhanh chóng tận diệt phúc phận của mình. Có nhiều người vì để cố gắng mưu cầu đắc phúc khí may mắn mà việc gì cũng muốn thử nếm trải. Tuy nhiên, cưỡng cầu quá mức chỉ tự chuốc họa cho bản thân. Hãy học cách để mọi thứ tùy kỳ tự nhiên.
Đời người tựa như nước chảy mây trôi, những thứ đã qua đi giống như nước đổ khó hốt, cái chúng ta có chỉ là hiện tại. Thế nên, đừng ôm giữ quá khứ, đừng theo đuổi tương lai, hết thảy hãy cứ để tự nhiên, sống vì giây phút hiện tại.
Vì vậy, khi gặp phải chuyện không được như ý, khi ai đó làm bạn bực mình hãy xem lại những thiếu sót của bản thân và tự mình sửa lỗi. Đừng nên tìm cách đổ lỗi cho người khác, cần giữ thái độ lạc quan vui vẻ đối diện với cuộc sống.
Chân Kiến biên tập