Phương pháp dạy con trai của Phật Thích Ca Mâu Ni
Thái tử Tất Đạt Đa đã lìa bỏ tổ ấm gia đình để đi tìm con đường giải thoát vào chính ngày La Hầu La – đứa con trai duy nhất của Ngài – chào đời. Về chuyện này nhiều người cảm thấy khó hiểu trước một hành động có vẻ “thiếu trách nhiệm” như thế. Song, ít ai biết rằng sau khi Giác ngộ, Phật Thích Ca Mâu Ni đã trở thành thầy dạy dỗ chính cho con trai của mình trong hầu hết quãng đời niên thiếu của con Ngài, và con của Ngài đã đạt được giác ngộ viên mãn khi mới tròn 20 tuổi.
1. Bài học về đạo đức
Khi La Hầu La lên mười, tính tình hiếu động, thường nói chuyện thị phi và nói lời không đúng sự thật, làm đại chúng rất khó chịu, nhưng do có thân phận đặc thù nên đại chúng trong tu viện không ai dám quở trách La Hầu La, dẫn đến ngày càng sinh nhiều chuyện không hay và tính tình không tốt của La Hầu La.
Có một hôm Đức Phật bảo La Hầu La quan sát Đức Phật rửa chân:
Sau khi rửa chân xong Đức Phật hỏi: “Nước sau khi rửa chân có thể uống được không?”.
La Hầu La trả lời: “Dạ bạch Thế Tôn, không ạ”.
Đức Phật dạy: “Nước này sau khi trở thành nước bẩn thì người ta không còn quí nữa mà chỉ đem đổ đi. Cũng theo lí như vậy, làm một người nếu thường nói lời sai với sự thật thì sau này người khác sẽ không còn tin tưởng nữa, con có hiểu không?” La Hầu La nghe xong lời Đức Phật dạy liền cảm thấy hối hận và hứa sửa đổi.
Sau đó, Đức Phật bảo La Hầu La đem nước đi đổ, rồi lại hỏi: “Cái chậu này gọi là chậu gì?”
La Hầu La trả lời: “Dạ bạch Thế Tôn, đây là chậu đựng nước rửa chân”.
Đức Phật hỏi tiếp: “Cái chậu này có thể dùng lại để rửa rau, rửa đậu không?”
La Hầu La đáp: “Dạ bạch Thế Tôn, người ta không thể dùng nó để rửa rau, rửa đậu ạ”.
Đức Phật dạy: “Đúng lắm, một người nếu tâm không trong sạch, lời nói thiếu chân chính, thì suốt đời chẳng có ai kính trọng. Không chịu học hỏi, thích làm người xấu thì sau này trở thành người vô dụng, chỉ dùng để đựng đồ nhơ. Nếu con không biết sửa đổi, nói lời chân thật và làm việc đúng đắn thì chỉ giống như cái chậu này”.
Đức Phật nói xong thì để cái chậu xa ra ngoài, rồi hỏi La Hầu La: “Ta nay muốn bỏ cái chậu này đi, con có tiếc không?”.
La Hầu La đáp: “Dạ bạch Thế Tôn, con không tiếc, vì nó chỉ là cái chậu bẩn”. Đức Phật dạy: “Đúng vậy, theo lí này, một người nếu không chịu học hỏi, thích sống hèn hạ, làm cho người khác thất vọng, người ấy sẽ không còn được tiếc thương chi nữa”.
Đức Phật chỉ vào cái chậu bị đẩy xa kia rồi nói với La Hầu La: “Nay cái chậu kia còn có thể đựng nước sạch mà dùng được không?”
La Hầu La thưa: “Bạch Thế Tôn, không được ạ”.
Đức Phật dạy: “Con nay đúng giống như cái chậu kia, tâm nghĩ và miệng nói không đúng đắn, lời nói nhiều lần không đúng sự thật, không ai tin tưởng và tôn trọng, giống như cái chậu kia, không đáng để người khác yêu mến”.
La Hầu La nghe xong lời Đức Phật dạy thì rất lấy làm xấu hổ, liền đứng chắp tay biểu lộ lòng thành hối cải, sau này quyết tâm sửa chữa sai trái mà trước đây đã làm.
2. Bài học về suy xét hành đồng của bản thân
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ dẫn con làm sao để suy xét mọi hành động của mình.
“Cái gương dùng để làm gì?” – Ngài hỏi.
“Bạch Đức Thế Tôn, gương dùng để soi” – La Hầu La đáp.
Đức Phật lại dạy: “Trong khi chuẩn bị làm điều chi bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu: hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho kẻ khác không. Nếu sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại, thì con đừng làm. Còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho kẻ khác, thì con hãy làm”.
Suy ngẫm
Trong xã hội hiện đại ngày nay, những bậc làm cha mẹ tìm đủ mọi phương pháp học tập mong cho con cái của họ thành tài nâng cao kiến thức, thậm chí họ đã rất áp lực vì con cái họ không có thành tích học tập tốt như con nhà người ta, vì mải mê chạy theo thành tích mà đôi khi cha mẹ lại quên cách dạy con về những bài học trong cuộc sống về đạo đức và nhân cách làm người.
Trẻ em học được rất nhiều cách ứng xử trong bối cảnh gia đình và sử dụng lại nó để tương tác với bạn bè, thầy cô và môi trường xung quanh.
Có thể thấy cách Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy con không cần mắng chửi hay đòn roi, chỉ qua những hình ảnh cụ thể và lời nói nhẹ nhàng, Đức Phật đã hướng dẫn con trẻ phát triển lòng chính trực bằng cách nhận ra lỗi lầm của mình. Và lòng chính trực đó tuỳ thuộc rất nhiều vào hình mẫu của cha mẹ ra sao.
Trẻ nhỏ không học từ 1000 điều chúng ta nói suông, mà sẽ học từ cách chúng ta cư xử với mọi người xung quanh, cách chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đó sẽ là những bài học trực quan và sinh động nhất.
Chính vì vậy, trước khi kỳ vọng có một đứa con trung thực, hiểu chuyện, biết kính trên nhường dưới, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, luôn có trách nhiệm thì cha mẹ nên nhìn lại bản thân xem mình đã là một tấm gương tốt cho con hay chưa.
Thiên Hà biên tập
Nguồn: Sưu tầm