Sơ lược về Ông tổ Trà đạo – Thần Trà Lục Vũ
Lục Vũ là người dành cả cuộc đời cho trà và rất tinh thông về trà, ông trở nên nổi tiếng với tác phẩm “Trà Kinh”, tóm tắt những kiến thức đầu tiên trên thế giới về trà. Được người đời tôn là Trà Tiên, Trà Thánh, Trà Thần. Cuộc đời cua ông mang nhiều tính truyền kỳ, nên truyền thuyết về ông trong dân gian rất nhiều.
Lục Vũ (733-804) là một học giả uyên bác về trà thời nhà Đường đến từ Cánh Lăng nay là thành phố Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc. Ông có tự Hồng Tiêm, hiệu Cánh Lăng Tử, xưng Tang Trữ Ông, và các tên khác như Đông Cương Tử, Trà Sơn Ngự Sử.
Bị bỏ rơi ở chùa và bỏ trốn khỏi chùa
Theo ghi chép trong “Tân Đường Thư” và “Đường Tài Tử Truyền”, Lục Vũ bị bỏ rơi từ khi còn nhỏ. Hòa thượng Trí Tích (hay còn gọi là Tích Công) chùa Long Cái ở Cánh Lăng đã nhìn thấy một đứa trẻ bị bỏ rơi ở cây cầu đá, ông đã mang về chùa nuôi nấng đặt tên là Lục Vũ.
Hòa thượng Trí Tích thu nhận Lục Vũ làm đồ đệ và muốn Lục Vũ là người kế tục ông trong tương lai. Tuy nhiên, vì không chịu được sự kỷ luật nghiêm khắc của nhà chùa, Lục Vũ đã muốn trốn khỏi chùa.
Năm 745 sau Công nguyên, Lục Vũ 12 tuổi, ông đã trốn khỏi chùa và gia nhập một đoàn kịch nhỏ để thực hiện nguyện vọng và ước mơ của mình. Lục Vũ vì bị tật nói lắp, nên ông không lên sân khấu mà chỉ viết kịch bản. Lục Vũ làm việc rất chăm chỉ và tốt bụng. Ông luôn siêng năng và thể hiện được năng khiếu trong vai trò một nhà biên kịch. Lục Vũ đã nhận được sự tin tưởng rất lớn và sự yêu mến từ các đồng nghiệp trong đoàn kịch.
Con mắt tinh tường của Lí Tề Vật và sự trợ giúp của Thôi Quốc Phụ
Năm 746 sau Công nguyên, Cánh Lăng Thái Thú Lí Tề Vật đã gặp Lục Vũ, lúc ấy Lục Vũ 13 tuổi. Ông nhận ra tài năng văn chương của Lục Vũ nên đã đưa về nhà dạy viết văn, làm thơ, cho Lục Vũ học “Kinh Sử Tử Tập” dưới sự dạy dỗ của Châu Tiên sinh ở Hỏa Môn Sơn. Sau này Lục Vũ trở thành một học giả văn chương và trà đạo nổi tiếng có thể nói là nhờ Lý Tề Vật đã cho Lục Vũ được học hành tử tế.
Năm 752 sau Công nguyên, Nguyên Lễ Bộ Lang Trung Thôi Quốc Phụ bị giáng chức chuyển đến Cánh Lăng. Năm đó, Lục Vũ cũng đã hoàn thành việc học hành, ông tạm biệt Châu Tiên Sinh, khi từ trên Hỏa Môn Sơn đi xuống đã gặp Thôi Quốc Phụ. Thôi Quốc Phụ là người rất giỏi về Ngũ ngôn thi, ông đã chỉ dạy cho Lục Vũ thêm nhiều kiến thức và đã giúp Lục Vũ đạt được tầm cao mới trong văn chương. Sau đó hai người coi nhau như những người bạn ngang hàng thân thiết.
Năm 756 sau Công nguyên, Lục Vũ đã quyết định đi một chuyến đến Ba Sơn Hạp Xuyên ( nay là khu Thần Nông Giá, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) để khảo sát về trà. Để trợ giúp Lục Vũ, Thôi Quốc Phụ đã tặng Lục Vũ một con lừa lông trắng, một con bò đen, tủ sách, và các đồ dùng khác,… Nhờ được sự giúp đỡ của Thôi Quốc Phụ, Lục Vũ đã có thể chuyên tâm nghiên cứu về trà và đã đạt được những phát triển vượt bậc.
Giám Thủy Lục Vũ
Lục Vũ là người cực kỳ tinh tường về nước dùng để pha trà. Những giai thoại như vậy về Lục Vũ được ghi chép lại trong rất nhiều các tác phẩm kinh điển khác nhau.
Theo ghi chép trong “Tiên Trà Thủy Ký” của tác giả Trương Hựu Tân triều đại nhà Đường có giai thoại về Lục Vũ như sau.
Vào thời nhà Đường, một hôm Lý Quý Khanh đã gặp Lục Vũ khi ông đang trên đường từ Dương Châu đến tỉnh Hồ Châu. Lý Quý Khanh rất ngưỡng mộ về tên tuổi và sự hiểu biết về trà của Lục Vũ. Ông đã cho dừng thuyền, cùng trò chuyện với Lục Vũ. Ông ra lệnh cho binh sĩ tin cậy đi lấy nước “Nam Linh Thủy” về để pha trà.
Nước “Nam Linh Thủy” là vùng nước lạnh ở sông Dương Tử (thuộc thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô hiện nay). Đây là một trong những vùng nước rất tốt để pha trà, nhưng rất khó để lấy được vì vị trí đó xoáy nước dữ dội. Khi nước về đến nơi, Lục Vũ đang chuẩn bị dụng cụ pha trà, ông nói: “Đây không phải là nước vùng Nam Linh Thủy, mà có lẽ là nước gần bờ”. Lý Quý Khanh hỏi binh sĩ. Binh sĩ vô cùng kinh ngạc không dám nói dối, vội vàng nói thật: “Tôi đã đến vùng Nam Linh lấy đầy bình nước, nhưng do sóng lớn khi quay về đã bị đổ, sợ bị mắng tôi đã lấy nước ở ven sông đổ vào cho đầy”. Lý Quý Khanh và những người có mặt ở đó đều kinh ngạc và thán phục biệt tài phân biệt nước của Lục Vũ.
Gặp gỡ nhà sư Hiệu Nhiên và sự ra đời của “Trà Kinh”
Năm 757 sau Công nguyên, Lục Vũ đến Ngô Hưng (nay là thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang). Ở đây, Lục Vũ đã may mắn có một tình bạn sâu sắc với nhà sư Hiệu Nhiên, một nhà sư ở chùa Diệu Hỉ trên núi Trữ Sơn. Là một bậc thầy về văn chương và trà đã chỉ giáo cho Lục Vũ rất nhiều điều quý giá.
Năm 760 sau Công nguyên, Lục Vũ về ẩn cư ở vùng núi Ngô Hưng. Khi ở đây, Lục Vũ thường xuyên đến thăm những người nông dân trồng trà, hái lá trà và thăm dò nguồn nước suối đồng thời nghiên cứu chuyên sâu về trà. 4 năm sau, Lục vũ đã biên soạn các tài liệu khảo sát ở 32 châu và hoàn thành bản thảo đầu tiên của “Trà Kinh”. Vào năm 780 sau Công nguyên, với sự hợp tác cùng nhà sư Hiệu Nhiên, “Trà Kinh” đã được xuất bản và phát hành.
Cuốn sách “Trà Kinh” được hoàn thành trong suốt hơn 26 năm cuộc đời của Lục Vũ. “Trà kinh” có hơn 7000 ký tự, chia thành 3 tập, gồm 10 chương. “Trà Kinh” là cuốn bách khoa toàn thư lâu đời nhất về trà. Kiến thức và cách thức sử dụng trà cũng như cảm xúc và nghi thức trà đạo được thể hiện trong “Trà Kinh” của Lục Vũ rất tao nhã và thanh tịnh.
Nội dung bao gồm một bộ hệ thống nghiên cứu về trà từ nguồn gốc, chủng loại, đặc tính, công thức, cách pha chế, dụng cụ pha trà, chất lượng nước, phong tục sử dụng trà, vùng sản xuất trà nổi tiếng, điển cố liên quan đến trà và giá trị dược liệu của trà.
Năm 799 sau Công nguyên, Lục Vũ 66 tuổi, ông định cư ở một ẩn thất có tên là Đường Thanh Biệt Nghiệp ở Hồ Châu. Lục Vũ đã có một thời gian tươi đẹp trong những năm cuối đời. Ông qua đời vào năm 804 sau Công nguyên ở tuổi 72 và được an táng ở núi Trữ Sơn. Các thế hệ sau tôn thờ Lục Vũ là “Thần Trà”, đặc biệt là với những người kinh doanh Trà, đã lập tượng thờ ông.
Các nghiên cứu về trà do Lục Vũ đi tiên phong đã được truyền lại cho hậu thế. Nhờ vào thành quả nghiên cứu của ông mà văn hóa uống trà đã trở thành một trong những nét văn hóa tượng trưng cho tinh thần cũng như văn hóa uống trà của người Trung Hoa xưa. Tenshin Okakura, một nhà tư tưởng Nhật Bản, đã đánh giá Lục Vũ là “ông tổ của trà đạo” trong cuốn sách “ Sách Trà” của mình.
Nguồn: visiontimesjp.com
Mộc Hương biên dịch