Sống ở đời không cần so sánh với ai khác, bởi cuộc sống của bạn rất đáng ngưỡng mộ rồi
Thế giới này, vì sao ai ai cũng có lúc sầu não, phiền muộn? Người vì danh lợi, tình ái, quyền lợi,… Nhìn thì có vẻ như mọi người ai cũng đều đang đi tìm kiếm hạnh phúc riêng của chính mình, nhưng sao tìm mãi mà vẫn không thấy?
Nguyên nhân thực ra chính là: Một người khi nhìn lên và cảm thấy ngưỡng mộ hạnh phúc của người khác, nhưng vừa quay đầu lại, thì phát hiện ra có người cũng đang nhìn lên và ngưỡng mộ cuộc sống của mình. Kỳ thực, ai trong chúng ta cũng hạnh phúc cả, cuộc sống của bạn đã thực sự đáng ngưỡng mộ rồi, chỉ là vì bạn cứ mãi quẩn quanh đi so sánh cuộc sống của mình với người khác mà thôi.
Người có trí huệ cao minh thì sẽ luôn cởi mở rộng lượng, người có tấm lòng nhỏ hẹp sẽ luôn so đo tính toán, thường chấp nhất vào những điều nhỏ nhặt, luôn tật đố, so sánh bản thân mình với người khác. Kỳ thực, so sánh bản thân mình với người khác là trở ngại lớn nhất đối với sự thăng hoa của tính cách con người, cũng tựa như tự mình lấp kín con đường hạnh phúc của bản thân.
Một người luôn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, luôn nở nụ cười rạng rỡ trên môi, sở dĩ không phải vì họ sở hữu nhiều, mà là vì họ ít toan tính thiệt hơn, không so đo bản thân với người khác, họ biết đủ và trân quý cuộc sống hiện tại của mình, cuộc sống của họ tuy giản đơn, nhưng nhờ vậy mà lại tìm được ý nghĩa thực sự của nhân sinh.
1. 80% nỗi muộn phiền của con người đều xuất phát từ sự so sánh
Chúng ta vốn nghĩ rằng so sánh mọi việc của mình với người khác có thể nâng cao thể diện của bản thân, giúp ta tìm được sự cân bằng trong cảm xúc, nhưng cuối cùng lại chỉ làm hao tổn năng lượng, làm tâm trạng mình xấu đi và khiến cuộc sống của bản thân bị xáo trộn.
Thời Tây Tấn có hai phú hào nổi tiếng là Thạch Sùng và Vương Khải, hai người đều thích so bì cao thấp với nhau. Thạch Sùng nghe nói Vương Khải sau khi ăn, dùng nước đường rửa nồi nên cũng dùng sáp ong để thay củi cốt, nhằm thể hiện sự giàu có của mình.
Vương Khải lấy vải dệt bằng tơ màu tím làm màn chướng, giăng dài 40 dặm, Thạch Sùng lại lấy gấm làm màn chướng, giăng dài những 50 dặm.
Vương Khải thoa một lượt toàn bộ vật dụng trong nhà bằng bột hương liệu thì Thạch Sùng lại dùng đá đỏ để trát lên tường.
Kiểu thi giàu vô nghĩa này chẳng những khiến hai người hao phí cơ man tiền của, mà còn khiến họ tự chuốc lấy biết bao bực dọc vì những lần phân tranh cao thấp.
Quả thực, u mê ganh đua chỉ làm mất mặt bản thân và tự chuốc lấy phiền não.
2. Đời người hơn nhau ở cái không so bì
Con người một khi trong lòng toàn ôm giữ những ý nghĩ so bì với người khác thì vĩnh viễn không thể có một ngày thoải mái, thong dong tự tại.
Một bệnh viện nọ ở Nara, Nhật Bản, có một vị bác sĩ tâm lý, tên là Tsuneko Nakamura đã công tác tại đây hơn 70 năm. Tsuneko Nakamura đã làm việc ở đơn vị này hơn nửa đời người nhưng chưa từng xảy ra xung đột với bất kỳ ai. Ngày nào bà cũng đều bình thản, ung dung, vô âu vô lo.
Khi được hỏi bí quyết hạnh phúc, bà chỉ đáp lại ba chữ: “Không so bì”.
Từ lúc vào nghề tới nay, bà chưa từng so sánh bản thân mình với người khác. Khi những bác sĩ trẻ hơn bà lên chức, bà hoàn toàn không hề để bụng. Đãi ngộ của người khác tốt hơn, bà cũng chẳng vì thế mà cảm thấy bất mãn.
Bà trả lời: “Người ta có cuộc sống riêng của họ, tôi cũng có cuộc đời của riêng mình. Tính toán với người khác chỉ khiến cho bản thân rơi vào thất vọng, đố kị, thực sự không có chút nghĩa lý gì, chỉ thêm hao tổn năng lượng.”
Mẫu đơn có quốc sắc thiên hương của mẫu đơn, hoa mai có cốt cách hiên ngang giữa lạnh giá của hoa mai. Hoa có cả trăm loại đỏ, người với người cũng chẳng thể giống nhau. Vậy nên không so sánh mới là cách sống thông minh và trí huệ nhất của đời người.
Nước Lỗ có 2 người, 1 giàu, 1 nghèo. Người giàu thì cả ngày mặt mày cau có, kẻ nghèo thì bình yên vui vẻ. Một hôm, người nghèo không nhịn được hỏi người giàu: “Ông có cả nghìn mẫu ruộng màu mỡ, ngựa bò gom lại thành đàn, tại sao mà vẫn không vui?”
Người giàu thở vắn than dài: “Ta dù của cải nhiều, nhưng vẫn có người giàu có hơn, ta vì thế mà muộn phiền. Ngươi nghèo khó như vậy, cớ sao lại vui vẻ tới thế?”
3. Không cần ngưỡng mộ cuộc sống của người khác, bởi cuộc sống của bạn đã rất tuyệt vời rồi
Có một câu chuyện ngụ ngôn: “Giả sử nếu cho tôi sống thêm 1 lần nữa, tôi sẽ làm một chú trâu, tuy lao động vất vả nhưng được tiếng thơm cả đời.”
Trâu nghe xong mới nói: “Giá mà cho tôi sống thêm một lần nữa, tôi muốn làm một chú lợn, chỉ việc ăn rồi ngủ, ngủ rồi lại ăn, chẳng phải động tay động chân làm gì, sướng hơn tiên.”
Diều hâu lại nói: “Nếu cho tôi sống thêm một lần nữa, tôi muốn làm một con gà, khát thì có nước uống, đói thì có thóc ăn, lại có nhà ở, có chủ nhà bảo vệ.”
Gà thưa rằng: “Giả dụ như cho tôi sống thêm lần nữa, tôi muốn làm một con diều hâu, có thể tự do tự tại sải cánh trên bầu trời, vân du khắp trời.”
Kỳ thực, khi bạn ngưỡng mộ cuộc sống của người khác, người khác cũng đang “thầm” ngưỡng mộ cuộc sống của bạn. Khi bạn cho rằng người khác sống hạnh phúc, thoải mái, chỉ có bạn ngập trong mớ hỗn độn, bất hạnh, thì thực tế lại hoàn toàn không phải vậy.
Ở đời không có ai bất hạnh từ đầu chí cuối, cũng không có ai may mắn hoàn toàn. Có người thoạt nhìn vô cùng kiên cường nhưng bên trong cũng chất chứa những nỗi khổ đau, muộn phiền của riêng mình.
Vậy nên, không cần mù quáng so sánh, phóng đại hạnh phúc của người khác mà coi thường những điều mình đang có. Cũng không cần phải để tâm tới người khác, ngưỡng mộ cuộc sống của họ mà quên đi những gì trước mắt mình.
Hưởng thụ cuộc sống, an nhiên sống tốt những ngày tháng của riêng mình mới có thể sống một cuộc đời đẹp đẽ theo cách của mình.
Bạn sống hạnh phúc hay không, không liên quan tới người khác. Nhưng một khi bạn xây dựng hạnh phúc của mình trên nền móng so sánh với mọi người thì bạn khó mà cảm nhận được hạnh phúc.
Trong cuộc sống này có một hiện tượng khá phổ biến, đó là: Thấy người khác tốt hơn mình, ưu việt hơn mình, có năng lực hơn mình, có các mối quan hệ tốt hơn mình, kiếm tiền nhiều hơn mình… nhiều người tự nhiên nảy sinh tâm lý thù ghét, đố kỵ, so đo tính toán, thậm chí tranh chấp, gây khó dễ cho đối phương.
Hãy mở rộng tấm lòng của mình hơn một chút, dùng tâm lý bình thản để cư xử đối đãi với người xung quanh.
Ưu điểm của người khác, chúng ta nên ghi nhận, việc tốt của người khác, chúng ta nên tuyên dương, thành tích của người khác, chúng ta nên khen ngợi, việc vui của người khác mình cũng nên mừng, mang trong mình một tâm thái như thế, cuộc đời sẽ vô cùng tự do, tự tại.
Nguồn: Alobuowang
Lan Hòa biên tập