Suy ngẫm về con đường thành công ngay cả khi bạn không may mắn
Có câu nói rằng: “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Cuộc sống chúng ta là một tấm gương, chúng ta ứng xử với nó như thế nào thì sẽ nhận được thế đó.
Mỗi người đều có số mệnh riêng, có may mắn, có nghịch cảnh. Nghịch cảnh nhiều khi cũng là động lực để bạn cố gắng. Trời có lúc nắng, lúc mưa, con người thì có hạnh phúc và khổ đau. Chẳng gì là kéo dài mãi mãi, nếu bạn biết nắm bắt những cơ hội đang đến và vận dụng nó một cách tốt nhất.
Cho dù bạn có phải trải qua những giai đoạn tồi tệ, tới mức bạn cảm thấy như cả thế giới đang chống lại mình thì bạn vẫn phải sống vì sinh mệnh con người là điều trân quý nhất. Bạn vẫn cần làm những việc mà bạn phải làm, tìm cách đối mặt và giải quyết những khó khăn đó. Đến lúc nào đó bạn sẽ nhận ra rằng mức độ khó khăn của một vấn đề không nằm ở bản thân nó mà nằm ở cách bạn đón nhận, và thái độ của bạn đối với vấn đề ấy như thế nào. Những nhân vật vĩ đại trên thế giới này hầu như đều mang trên mình những “vết sẹo” cuộc đời.
Tô Tần cũng là một trong những người như vậy. Tô Tần (382 TCN), ông là một nhà ngoại giao nổi tiếng trong thời Chiến Quốc ở Trung Quốc, là đệ tử của Quỷ Cốc Tử. Ông sinh ra trong một gia đình bần nông, ông tự trang trải cuộc sống của mình bằng cách bán tóc và viết chữ thuê trong khi học tập. Trong khi đảm nhận việc viết mướn cho mọi người, ông đã tiếp thu được rất nhiều kiến thức.
Khi Tô Tần cảm thấy rằng mình đã tiếp thu gần như tất cả kiến thức, quyết định chu du làm nghề du thuyết. Tuy nhiên không ai tiến cử ông, nên ông không thể yết kiến hoàng đế nhà Chu. Vì vậy, ông đã đề xuất kế hoạch hợp nhất sáu quốc gia với Tần Vương ở phía Tây, để thống nhất thiên hạ. Tuy nhiên vua Tần Huệ Văn đã từ chối ông và nói với ông rằng: “Ý tưởng của ông rất hay, nhưng ta chưa thể thực hiện được”. Ý kiến của ông ấy đã không được chấp nhận và ngay cả một chức quan ông cũng không được nhận. Ông ở lại Tần quốc khoảng một năm, nhưng vì đã hết tiền tiêu, vì vậy ông đã lên đường trở về sau một chuyến đi dài.
Khi trở về nhà, quần áo ông thì te tua, bộ dạng thì nghèo túng, vừa gầy vừa đen. Cha mẹ thì mắng ông, vợ ông thì tỏ thái độ lạnh nhạt, còn chị dâu thì chế giễu ông. Tô Tần đã rất đau lòng và chán nản vì sự vô dụng của mình.
Nhưng lúc đó, Tô Tần đã nhớ tới lời nói của bậc Thánh hiền: “Ngay cả khi bạn không nhận được bất kỳ phần thưởng nào cho hành động của mình, đừng suy ngẫm về chúng và đừng bao giờ oán trách trời cao hay đổ lỗi cho người khác”.
Ông cảm thấy chuyến du thuyết không thành công được bởi vì học vấn của ông chưa đủ. Ông nhận ra rằng, hóa ra ông không thể du thuyết cho mọi người một cách có lý là vì ông đã lười học. Ông nhận ra rằng triển vọng trong tương lai và sự thành công của sự nghiệp đều phụ thuộc vào mức độ chăm chỉ của người đó. Ông cảm thấy xấu hổ vì sự thiếu cố gắng của mình và quyết định học lại.
Ông làm việc vào ban ngày và học đến nửa đêm sau khi về nhà. Để đỡ buồn ngủ khi học bài, ông buộc túm tóc rồi kéo sợi dây buộc lên xà nhà, để đầu không gục xuống bàn tránh bị ngủ gục. Khi buồn ngủ, ông dùng dùi đâm vào chân cho tỉnh và tiếp tục học. Đây chính là nguồn gốc điển tích của từ: “Tóc treo xà, dùi đâm chân” được lưu truyền trong dân gian.
Tô Tần chăm chỉ học tập thêm 1 năm, ông học nghệ thuật quân sự và nghiên cứu kỹ các mặt lợi và hại của các nước chư hầu. Sau đó, Tô Tần lại tiếp tục hành trình.
Tô Tần đã thành công rực rỡ trong chuyến đi lần này. Tô Tần đã được tiến cử vào Tung Hoành Gia (là một học phái trong Cửu Lưu Thập Gia, thiên về nghệ thuật ngoại giao xuất hiện trong thời kỳ Chiến Quốc ở Trung Quốc). Năm 333 trước Công nguyên, các nước chư hầu đã chính thức kí kết kế sách liên minh, mọi thỏa thuận liên minh do ông thực hiện.
Mẹ ông rất vui mừng và khen ngợi con trai mình. Vợ, anh em, chị dâu không dám ngẩng mặt lên, chỉ cúi đầu, khép nép. Nhưng ông không quan tâm đến những mối hận cũ mà ngược lại tận tình phụng dưỡng gia đình. Ngoài ra Tô Tần còn lần lượt báo đáp những người mà ông đã mang ơn.
Tô Tần vốn bần hàn, khổ sở, thảm hại nay lại trở thành một người oai phong lẫm liệt. Dù khi giấc mơ của Tô Tần bị thất bại, bị gia đình coi thường. Ngay cả trong lúc thất vọng, ông vẫn nhận ra được những thiếu sót của mình, mạnh mẽ đứng lên và thành công trong sự nghiệp. Là một người trưởng thành có đạo đức cao và được lưu truyền cho hậu thế.
Cuộc sống như một sự nối dài của nhưng nốt thăng và nốt trầm trong một bản nhạc. Sẽ có những đau khổ và hạnh phúc, thậm chí sẽ để lại những vết thương sâu trong lòng và tạo thành những vết sẹo dài. Đừng để những vết sẹo đó trở thành điểm yếu của bạn, khiến bạn phải sống trong sợ hãi và xấu hổ. Vì một vết sẹo được hình thành có nghĩa là sự đau đớn đã qua và vết thương đã lành lại. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã vượt qua được nỗi đau, học được những bài học hữu ích, trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn và đang tiến về phía trước.
Giữ một trái tim nhân hậu và sự tỉnh táo để tập trung năng lượng cho những điều quan trọng mà bạn cần phải làm. Đừng khiến sự đau khổ, bất hạnh làm bạn thay đổi, đừng để những lời nói của người khác làm bạn muộn phiền. Dù gặp hoàn cảnh khó khăn, rối ren thì cũng hãy trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống. Có thể bạn sẽ không đến được nơi định đến, nhưng chắc chắn bạn sẽ đến được nơi bạn cần có mặt.
Nguồn: epochtimes.jp
Mộc Hương biên tập