Tại sao cha mẹ không nên cãi nhau trước mặt các con?
Hầu hết bố mẹ nào cũng nhận thấy rằng việc cãi nhau trước mặt con là điều không nên xảy ra. Nhưng một khi có một xung đột giữa hai vợ chồng, theo bản năng, họ không có khả năng kiềm chế cảm xúc. Từ đó, những cuộc cãi cọ vẫn nổ ra như thường. Và con trẻ là người phải hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất
1. Người lớn cãi nhau, nhưng trẻ em vô tội lại trở thành “nạn nhân”
Một trường mẫu giáo đang ngồi giao lưu với các phụ huynh và các con, mọi người đều rất cởi mở và vui vẻ, nhưng chỉ có một cậu bé lại đang ngồi một mình dựa vào một góc tường, với hai bàn tay nhỏ bé kéo chặt chiếc khăn tắm đã sờn, những cư xử của bé khiến cho mọi người đều tò mò thắc mắc, tại sao cậu bé ít tuổi nhưng lúc nào cũng cảm giác sợ hãi và đau khổ.
Sau đó, mẹ của cháu kể lại với cô giáo: Có một lần khi cô tắm cho con, vợ chồng cô đã cãi nhau dữ dội, cháu bé rất sợ hãi cứ cầm khăn tắm khóc. Kể từ đó, đứa bé làm gì cũng cầm chiếc khăn tắm như là một vật cho mình cảm thấy an toàn hơn.
Trong một cuộc khảo sát tâm lý với 3.000 trẻ em trong độ tuổi đi học, có một câu hỏi: “Con sợ điều gì nhất?” Câu trả lời được nhiều người trả lời nhất là: Con sợ bố mẹ cãi nhau, trông họ dữ tợn lắm!.
Dù ai thắng trong cuộc cãi vã của người lớn, thì đứa trẻ lại chính là người thua cuộc cuối cùng. Sau khi có con, chuyện vợ chồng cãi nhau không chỉ là mất mát của người lớn mà còn là bức tranh đáng sợ trong mắt trẻ thơ.
2. 6 hậu quả khi cha mẹ cãi nhau trước mặt con
Giảm hiệu suất nhận thức: Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên tạp chí Phát triển trẻ em cho thấy rằng, căng thẳng liên quan đến việc sống trong một ngôi nhà có xung đột cao sẽ làm giảm hiệu suất nhận thức của trẻ. Khi cha mẹ căng thẳng thường xuyên, trẻ em gặp khó khăn hơn trong việc điều chỉnh sự chú ý và cảm xúc. Khả năng giải quyết vấn đề và tiếp thu các thông tin mới cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Trẻ trở nên hung hăng: Chứng kiến cha mẹ bất hòa, thậm chí đánh nhau sẽ làm tăng nguy cơ trẻ đối xử với người khác bằng sự thù địch. Khi thấy bố mẹ cãi nhau trước mặt trẻ, trẻ em sẽ học được rằng cãi nhau là cách giải quyết vấn đề. Từ đó trẻ em sẽ bắt chước cha mẹ và giải quyết các vấn đề cá nhân của chúng bằng cãi vã và đánh nhau. Hành vi hung hăng này có thể khiến trẻ gặp rắc rối ở trường học, ảnh hưởng đến các mối quan hệ bạn bè của trẻ.
Trẻ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm: Nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Cambridge (Anh) tìm hiểu 238 người từ 15 đến 18 tuổi. Họ được đề nghị thực hiện một bài kiểm tra để đánh giá khả năng xử lý những thông tin có liên quan đến cảm xúc. Theo đó, những người có kết quả thấp nhất khi làm bài kiểm tra trên thì nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp bốn lần so với những người khác. Thống kê cho thấy, những người này thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau trong khoảng thời gian hơn sáu tháng và trước khi lên 6 tuổi.
Tăng nguy cơ lạm dụng chất kích thích ở tuổi vị thành niên: Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sống trong một ngôi nhà có mức độ xung đột cao sẽ làm tăng tỷ lệ hút thuốc, uống rượu và sử dụng cần sa ở trẻ.
Trẻ gặp rắc rối về thể chất: Khi thấy cha mẹ cãi nhau, trẻ cảm thấy buồn bã, lo lắng. Cảm giác này có thể sẽ được chuyển thành bệnh đau đầu hoặc đau dạ dày. Khi buồn bã, trẻ không muốn ăn hoặc ngược lại, ăn quá nhiều để đối phó. Lo lắng sẽ khiến trẻ khó ngủ vào buổi tối khi phải suy nghĩ về các mâu thuẫn đã xảy ra trong ngày.
Nhìn nhận tiêu cực hơn về cuộc sống: Trẻ em được nuôi dưỡng trong những ngôi nhà có cha mẹ thường xuyên xảy ra bất hòa sẽ hình thành những quan điểm tiêu cực về mối quan hệ trong gia đình. Trẻ cũng có nhiều khả năng nhìn nhận bản thân theo cách tiêu cực.
3. Làm thế nào để giảm thiểu tác hại đối với trẻ em?
Trước hết, bố mẹ cố gắng không gây gổ, cãi nhau trước mặt con cái. Những cảm xúc tiêu cực của các cặp vợ chồng cần được trút bỏ nhưng đừng để cuộc cãi vã trở nên mất kiểm soát. Nếu có to tiếng với nhau, hãy cố gắng tránh mặt bọn trẻ.
Thứ hai, nếu trẻ thấy bố mẹ cãi nhau vô ý, hãy giải thích cho trẻ hiểu. Trẻ em thực sự rất nhạy cảm, nhiều đứa trẻ trở nên đặc biệt nhạy cảm sau khi cha mẹ chúng cãi nhau. Nếu con bạn nhìn thấy điều đó, đừng cố tình che giấu, và hãy tự nhiên nói với trẻ rằng cha mẹ có thể có những ý kiến khác nhau và giọng nói của cha mẹ có thể hơi to. Tất nhiên vợ chồng nói chuyện nhẹ nhàng với nhau thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
Thứ ba, nói với trẻ rằng cuộc chiến không phải lỗi của trẻ. Trong phim “Ơn giời” có một đoạn nói về cách ứng phó của cha mẹ sau khi thấy con nhìn thấy cảnh bố mẹ cãi vã: Đứa trẻ Julie nhìn thấy cha mẹ cãi nhau ở bàn ăn và cảm thấy buồn, sau đó Julie bỏ vào phòng. Bố mẹ cô đã đi cùng cô vào phòng, bố nói với Julie rằng “Đó không phải là lỗi của con”. Mẹ nói: “Chuyện của người lớn sẽ có cách giải quyết và bố và mẹ sẽ luôn yêu thương nhau và yêu con”. Nhờ sự động viên của bố mẹ Julie nhanh chóng thoát ra khỏi cảm xúc buồn bã và Julie cảm nhận rằng anh ấy yêu bố mẹ của anh ấy nhiều hơn.
Một ngôi nhà mà bố mẹ hòa thuận và yêu thương nhau là món quà tuyệt vời nhất dành cho cuộc đời của các con. Dù cuộc sống có bộn bề đến đâu, dù người ta có lớn bao nhiêu thì cũng cần một điểm tựa và một chốn về. Và gia đình chính là điểm tựa vững chắc và là chốn về ấm áp, bình yên của mỗi người.
Thiên Hà biên tập
Nguồn: secretchina