Sự bình tĩnh chính là nguồn cội đích thực của trí huệ, là cái gốc sâu bền của thành công
“Đạo Đức Kinh” của Lão Tử có câu: “Trí hư cực, thủ tĩnh đốc”, nghĩa tức là: hãy giữ cho tâm hồn trống rỗng và tự tại, không bị ảnh hưởng bởi ngoại vật, để có thể suy ngẫm và quan sát những quy luật vận hành của thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta.
Con người khi sinh ra bản tính vốn thuần chân và lương thiện, cũng giống như vạn vật tự nhiên, vốn ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng như trăng thanh gió mát. Dần dần khi trưởng thành, nội tâm con người thường bị chi phối, trở nên phức tạp hơn, khi cuốn vào dòng xoáy Danh – Lợi – Tình, thêm vào đó là những quan niệm vị tư, ích kỉ, vì lợi ích cá nhân mà tranh giành, so đo tính toán thiệt hơn.
Học được cách tĩnh tại chính là một thứ tài sản vô giá, thể hiện cảnh giới tu dưỡng của một người.
Trong mọi tình huống, nếu như nội tâm chúng ta có thể duy trì ở trạng thái tĩnh tại, gặp bất kể chuyện gì cũng giữ cho mình một trạng thái tường hòa, bình tĩnh và ung dung, dùng lý trí để đả khai thì sẽ có thể dễ dàng gỡ mọi nút thắt. Bởi vì khi tâm chúng ta thuần tịnh, an định thì trí huệ mới sinh, mới có thể quan sát kĩ những gì xảy ra xung quanh.
Và chỉ duy có bình tĩnh, tĩnh tại mới có thể khiến bạn vững vàng hơn, lí trí hơn, mới có thể lắng nghe được âm thanh của vạn vật, lòng tĩnh lặng mới có thể thấu hiểu được lòng người.
Bài học sâu sắc từ câu chuyện phú thương giấu tiền trong ô
Chuyện xưa kể rằng, có một phú thương vì thời thế loạn lạc nên muốn chuyển về quê sinh sống. Bấy giờ, ông đem tất cả gia sản của mình đổi thành chi phiếu, sau đó cất công đặc chế một chiếc ô có cán rỗng để nhét tất cả ngân lượng vào ngăn bí mật trong đó.
Sau khi chuẩn bị xong hành lý, phú thương thay đổi y phục giống dân thường, mang theo chiếc ô có chứa tất cả tài sản và lên đường hồi hương. Không ngờ rằng, con đường về quê của ông lại đột nhiên xảy đến một biến cố bất ngờ.
Khi đó, phú thương vì mệt mỏi nên dừng chân tại một ngôi đình và ngủ một giấc. Nào ngờ sau khi tỉnh dậy, chiếc ô chứa cả gia tài của ông đã “không cánh mà bay”.
Nhưng phú thương dẫu sao cũng từng là một kẻ lão làng trên thương trường, nên khi biến cố đột nhiên xảy đến, ông dù hốt hoảng nhưng rất nhanh đã lấy lại bình tĩnh.
Khi đó, phú thương chỉ nghĩ rằng: “Sao phải lo lắng về những thứ bạn không thể thay đổi? Hãy buông bỏ và tiếp tục tiến lên vì cuộc sống không chờ đợi ai“. Vị phú thương nhận thức được rằng của cải đã mất đi là có thật, công việc tiếp theo của ông không phải là hốt hoảng, than thân trách phận, mà phải bình tĩnh tìm cách lấy lại được những gì đã mất.
Vị phú thương cẩn thận quan sát xung quan, thấy bọc tay nải mình mang theo vẫn không thiếu thứ gì, ông đưa ra kết luận rằng có người lấy cây dù kia để che mưa chứ không nhằm mục đích trộm của cải.
Khi suy nghĩ sâu xa hơn, ông lại khẳng định người lấy ô có tới tám, chín phần sống ở khu vực lân cận, người này hẳn là trên đường đi về nhà gặp phải cơn mưa và trú dưới mái đình, khi thấy chiếc ô của ông thì tiện tay mang đi.
Vì vậy, vị phú thương ấy quyết định tạm hoãn chuyến hồi hương của mình, mua một ít đồ nghề, ở lại đó mở một sạp chuyên sửa chữa ô dù.
Mặc dù trong lòng chất chứa nhiều thất vọng, nhưng ông vẫn không nản chí. Khi cẩn thận suy nghĩ thêm một chút, ông nhận ra rằng, khi ô đã cũ, có nhiều người sẽ mua một chiếc mới thay vì mang chúng đi sửa.
Xuân đi, hè đến, thu về, đông qua, thoáng một cái đã hai năm kể từ ngày chiếc ô biến mất không tung tích. Vị phú thương vẫn kiên trì chờ đợi ở ngôi đình, nhưng chưa hề tìm lại được chiếc ô năm ấy.
Nghĩ vậy, ông quyết định mở một sạp bán ô, lại viết thêm một tấm bảng hiệu có ghi: “Đổi ô cũ lấy ô mới, không phải bù thêm tiền”.
Quả nhiên số người tới đổi ô đông không đếm xuể, không lâu sau đó, có một người đàn ông trung niên cầm theo một chiếc ô làm từ giấy dầu đã cũ tìm đến vị phú thương ấy.
Chỉ vừa nhìn thoáng qua một cái, ông đã biết chiếc ô cũ nát trên tay người kia chính là thứ chứa gia tài tích cóp cả đời của mình. Chiếc ô không còn mới, nhưng phần cán ô chẳng hề có lấy một chút suy chuyển nào.
Phú thương trong lòng dù mừng vui khôn xiết, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra điềm tĩnh, từ tốn đổi cho người đàn ông nọ một chiếc ô mới rồi nhận lại ô cũ.
Người kia vừa rời đi, phú thương liền thu dọn sạp hàng, hồi hương sống một cuộc đời giàu sang, phú quý.
Nhân sinh cảm ngộ
Sự bình tĩnh chính là nguồn cội đích thực của trí huệ, là cái gốc sâu bền của thành công.
Giống như vị phú thương trong câu chuyện, cẩn thận suy ngẫm, kiên nhẫn chờ đợi, sau cùng cũng thu về kết quả như bản thân mong muốn. Khi biến cố xảy đến, ông đã bình tĩnh đối mặt, tỉnh táo suy tính để tìm ra giải pháp tối ưu nhất.
Bình tĩnh sẽ giúp chúng ta rèn luyện bản lĩnh vững vàng, ý trí kiên cường. Bởi vậy, muốn làm được những việc đại sự thì nhất định bạn phải rèn được sự bình tĩnh, sự nhẫn nại. Hãy luôn giữ một tâm thái an hòa, cố gắng tĩnh tại từ trong nội tâm khi suy xét thực hiện một vấn đề.
Người bình tĩnh có sự bình thản, hoà ái trong tâm sẽ có thể nhìn xa, trông rộng mà không bị những sự việc nhỏ nhen, những thứ lợi ích tầm thường che khuất mắt.
Nguồn câu chuyện: Cafebiz
Lan Hòa biên tập