Tâm an là phúc, tâm ngay thẳng thì mọi chuyện xuôi gió, thuận buồm
Trong cõi hồng trần nhân thế, luôn có một số sự tình hay một số ký ức khiến người ta u buồn, thương tâm. Khi cảm xúc trầm xuống thì nội tâm người ta sẽ tự sản sinh ra nóng nảy khó chịu cũng như những suy nghĩ tiêu cực. Nếu lúc ấy có thể tĩnh hạ tâm xuống đọc một số câu danh ngôn của cổ nhân, niệm câu kệ nhà Phật hay các tác phẩm nho giáo kinh điển sẽ có thể khiến người ấy thần định khí hòa.
Sống phù hợp với những giá trị tạo thành nhân vị: “Tính ngay thẳng” là thuật ngữ để nói về phẩm chất đạo đức của một con người có các hành vi phù hợp với những nguyên tắc và những giá trị tinh thần mà họ nhìn nhận: “operari sequitur esse” (bản chất thế nào thì hành động như thế).
Sự thống nhất giữa trí khôn và con tim, sự nhất quán giữa tình cảm và hành động đòi hỏi cả một tiến trình trưởng thành khá lâu dài về nhân bản, tâm lí và thiêng liêng tùy theo mỗi cá nhân.Tạo được sự hài hòa giữa hành động và sự kết hợp với quy luật của tạo hoá là nhiệm vụ của cả một đời người.
Tâm an là phúc
Trong “Tâm an ngâm” của tác giả Thiệu Ung – văn sĩ nổi tiếng triều nhà Tống có viết: “Trong tâm mà an tĩnh thì thân sẽ tự nhiên an tĩnh, khi thân an tĩnh rồi thì thấy phòng ốc cũng tự nhiên rộng rãi hơn, khi nội tâm và thân thể đều an tĩnh thì còn có điều gì làm cho phiền não được? Một thân thể nhỏ chỉ cần tâm an thì sẽ cao lớn vững chắc như núi thái sơn vậy, một phòng ốc nhỏ chỉ cần tâm rộng, nó sẽ trải dài như trời đất vậy.”
Một người nếu tâm định như núi, không bị những sự tình nơi trần gian hỗn loạn làm quấy nhiễu mê hoặc thì đó chắc chắn là người đắc đạo đại trí tuệ. Người mà trong tâm thấp thỏm lo âu thì sẽ thường thường bị mọi sự tình làm cho mệt mỏi, quấy nhiễu.
Một người có nội tâm an tường, khi đối mặt với hết thảy cực khổ nhân sinh đều có thể xem nhẹ. Người ấy cũng tự nhiên sống được thản đãng hơn. Người có nội tâm bất an, đã không có tâm cảnh tự tại, mà hạnh phúc cũng không có. Bởi vậy, thi nhân Đường Bá Hổ, triều nhà Minh mới nói: “Tâm an là phúc!”
Thông thường khi có những sự tình không tốt sắp xảy đến, tâm người ta sẽ lo lắng, bất an. Đó là bởi vì giữa con người và ngoại cảnh tự nhiên có mối quan hệ mật thiết với nhau, cũng là điều mà cổ nhân gọi là “Thiên nhân hợp nhất”.
Trong “Tả truyện” chép: Vua nước Sở là Sở Vũ Vương nói với vợ của ông rằng: “Gần đây ta luôn thấy lo lắng trong tâm”. Vợ của Sở Vũ Vương nói: “Tâm mà rối loạn thì hết thảy phúc lộc của Bệ hạ cũng đều sẽ bị mất đi.” Quả nhiên, không lâu sau thì Sở Vũ Vương qua đời.
Cổ nhân nói: “Người có thiện thì tâm định thể an!” Người tốt cả đời được bình an, bởi vì người tốt sẽ không làm ra những chuyện ác, chuyện đáng xấu hổ, nửa đêm có tiếng gõ cửa tâm cũng không sợ.
Thực ra, trong cuộc đời, đôi khi đang ở vào trạng thái khó khăn nhất, nếu có thể thay đổi khía cạnh nhìn nhận, thay đổi ý niệm, suy nghĩ lạc quan, tích cực và nghĩ thoáng hơn một chút, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng mọi phiền não sẽ được giải quyết, tương lai phía trước sẽ rộng mở và sáng sủa hơn hiện tại rất nhiều. Bởi vậy có thể thấy, “tâm an” còn đáng giá hơn bất kể vật chất tài phú gì nơi thế gian này.
Tâm ngay thẳng thì mọi chuyện xuôi gió, thuận buồm
Phẩm giá con người bao hàm và đòi hỏi một lương tâm ngay thẳng. Lương tâm bao gồm nhận thức về các nguyên tắc luân lý; áp dụng những nguyên tắc này vào những hoàn cảnh cụ thể bằng việc phân biệt thực tiễn về các lí do và các điều thiện; và sau cùng là phán đoán về các hành vi cụ thể còn phải thực hiện hay đã thực hiện.
Chân lý về điều thiện luân lý được phát biểu trong luật của lý trí được nhìn nhận một cách thực tiễn và cụ thể bởi phán đoán hiện tại của lương tâm. Chúng ta gọi một người là khôn ngoan khi người đó biết hành động phù hợp với phán đoán này của lương tâm.
Tâm là chủ tế của thân, tướng mặt không thể vượt qua được tâm. Gốc của sự tốt xấu trong số mệnh là sự tốt xấu trong tâm. Sự tốt xấu trong tâm địa khi có thời cơ cụ thể sẽ được thể hiện ra bên ngoài. Trên núi đá có ẩn chứa ngọc quý tất sẽ phát huy ánh sáng rạng rỡ, cũng giống như hạt minh châu quý giá được ẩn tàng trong con người.
Lòng chính trực, ngay thẳng có thể được định nghĩa là sự tự giác thực hiện các hành vi đúng chuẩn mực. Một người thiếu chính trực sẽ ra quyết định dựa trên sự phản ứng của người khác chứ không phải vì lợi ích chung.
Con người với sự ngay thẳng thường có những đặc điểm giống nhau: họ khiêm tốn, họ có một ý thức mạnh mẽ về bản thân, họ có lòng tự trọng cao, và họ tự tin hơn. Những đặc điểm này rất quan trọng, bởi vì, đôi khi, bạn sẽ phải chịu áp lực rất lớn từ những người khác để đưa ra lựa chọn sai.
Bạn có thể nói sự ngay thẳng là luôn luôn làm điều đúng đắn, ngay cả khi không có ai theo sát, và những sự lựa chọn không dễ dàng. Hoặc, bạn có thể thấy sự ngay thẳng là khi sống đúng với bản thân và lời nói của mình, hay khi đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng bởi những lựa chọn mà bạn thực hiện.
Khi sống cuộc sống với sự ngay thẳng, điều đó có nghĩa là luôn luôn trung thực, và để cho những hành động nói lên ta là ai và những gì chúng ta tin vào.
Từ Thanh